Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhức nhối vấn nạn buôn bán đường cát nhập lậu tại các tỉnh phía Nam
16 | 09 | 2022
Trong thị trường nội địa, vẫn còn hộ kinh doanh đường cát nhập lậu nhưng nhỏ lẻ, cất giấu phân tán nhằm tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Nguồn: kinhte.com.vn

Buôn lậu đường cát chưa bao giờ hết "nóng"

Việc phát hiện, thu giữ hàng chục đến hàng trăm tấn đường cát nhập lậu trong thời gian gần đây đã giúp ngăn chặn, kéo giảm tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán đường nhập lậu, đồng thời, góp phần bảo vệ ngành mía đường trường nước.

Những ngày vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tăng cường ra quân kiểm tra, kiểm soát mặt hàng đường cát nhằm xử lý kịp thời, triệt để các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng này. Từ đó, kịp thời ngăn chặn, kéo giảm tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán đường nhập lậu đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành mía đường Việt Nam.

Trong ngày 26/8, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Tiền Giang đã phối hợp với Công an thành phố Mỹ Tho phát hiện xe tải có 200 bao đường tinh luyện cao cấp loại 50 kg/bao, tương đương 10 tấn xuất xứ Indonexia có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng có nhãn phụ, không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa (không ghi thông tin cảnh báo).

Qua làm việc, xác định chủ lô hàng này là 01 doanh nghiệp tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đội Quản lý thị trường số 1 lập biên bản vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm về hành vi buôn bán hàng hóa có nhãn phụ không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa, trị giá tang vật vi phạm gần 190 triệu đồng. Ngày 12/9/2022, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp này về hành vi vi phạm nêu trên với số tiền 55 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi 10 tấn đường cát vi phạm và buộc ghi nhãn phụ đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông.

Cũng trong đầu tháng 9, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Long An kiểm tra, ngăn chặn kịp thời xe ô tô tải vận chuyển 110 bao đường cát do nước ngoài sản xuất, nhập lậu. Số hàng này đang được vận chuyển trên xe ô tô tải biển kiểm soát 62H-027.42 đang dừng tại ven quốc lộ 62, thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, chủ xe là ông Nguyễn Thanh Nhàn.

Qua kiểm tra, trên phương tiện có nhiều bao đường cát có nhãn bằng tiếng nước ngoài nhưng tài xế Nguyễn Thanh Nhàn không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Đội Quản lý thị trường số 2 lập quyết định tạm giữ phương tiện, tang vật để tiếp tục xác minh, xử lý.

Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh đường cát

Đánh giá về tình trạng buôn lậu, vận chuyển đường cát lậu, ông Phạm Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An cho biết, năm 2021, hoạt động buôn lậu đường cát chỉ diễn ra nhỏ lẻ, không thường xuyên (năm 2021 xử lý tịch thu 34,5 tấn đường cát).

Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, thực trạng buôn lậu mặt hàng đường cát có chiều hướng tăng. Trong Quý I/2022, các lực lượng chức năng của tỉnh Long An đã bắt giữ, xử lý 26 trường hợp vận chuyển đường cát nhập lậu. Xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 200 triệu đồng, xử lý tịch thu 51,3 tấn đường cát. Riêng Đội Quản lý thị trường số 2, từ đầu năm 2022 đến nay, Đội đã phát hiện, xử lý 3 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 130 triệu đồng và tịch thu gần 10 tấn hàng hóa.

Cũng theo ông Phạm Đức Chính, hiện nay, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi để nhập lậu, vận chuyển như: vận chuyển hàng lậu qua các đường mòn và hai bên cánh gà cửa khẩu. Trong khi đó, một số đối tượng là lái xe, phụ xe thực hiện gia cố thùng xe tải, xe đầu kéo, xe lôi để cất giấu, vận chuyển trái phép hàng hóa trái phép qua biên giới vào nội địa.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng buôn lậu, vận chuyển mặt hàng đường cát, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, đó là do lợi nhuận. Lợi nhuận từ hoạt động này lớn nên vẫn các đối tượng vẫn bất chấp pháp luật, lợi dụng tuyến biên giới, tuyến đường sông, đường bộ (đường mòn, lối mở), thị trường nội địa để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm từ nước ngoài đưa vào Việt Nam tiêu thụ.

Thậm chí, đường cát lậu còn được các đối tượng hợp thức hóa khi vận chuyển, kinh doanh để qua mặt cơ quan chức năng dưới nhiều hình thức như: sử dụng giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; sử dụng vận đơn nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch... Bằng phương thức thủ đoạn này, các đối tượng thậm chí công khai vận chuyển bằng xe tải lớn để tuồn đường lậu vào thị trường trong nước, chứ không còn chia nhỏ vận chuyển như trước. Nhiều trường hợp kiểm tra, phát hiện bao đường cát bán tại các cửa hàng vẫn còn nguyên bao, nhãn mác chữ nước ngoài.

Thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường cát, thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát khu vực biên giới cửa khẩu (nhất là khu vực đường mòn, lối mở), thị trường nội địa để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường cát.

Song song đó, tăng cường quản lý theo dõi địa bàn, kịp thời thu thập, thẩm tra xác minh thông tin các đối tượng đầu nậu, vận chuyển đường nhập lậu, các cơ sở sang chiết đường cát vi phạm. Đồng thời chủ động mở đợt cao điểm kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống vận chuyển đường cát nhập lậu từ biên giới vào nội địa.

Bên cạnh đó, thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh đường cát thực hiện tốt các chủ trương chính sách, quy định của pháp luật; cam kết không lợi dụng hóa đơn, chứng từ thanh lý đường cát nhập lậu bị tịch thu hoặc hóa đơn mua bán đường trong nước nhằm mục đích gian lận cho đường cát nhập lậu.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành mía đường Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không khắc phục được hiện tượng gian lận thương mại đường nhập lậu. Niên vụ sản xuất 2021-2022, sản lượng đường mía của Việt Nam chỉ đạt 700.000 tấn, mức thấp nhất trong vòng 19 năm qua. Hiện chỉ còn 25/41 nhà máy đường hoạt động, 16 nhà máy đã phải đóng cửa. Trong 25 nhà máy còn hoạt động, 17 nhà máy bị thua lỗ (chiếm gần 70%).

 



Báo cáo phân tích thị trường