Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường xuất khẩu hạt điều đang rất khó khăn
17 | 10 | 2022
Thị trường xuất khẩu đang rất khó khăn, lạm phát ở Mỹ leo thang, EU cũng rơi vào khủng hoảng kinh tế, căng thẳng địa chính trị khiến nhu cầu tiêu thụ điều giảm mạnh. 9 tháng xuất khẩu điều Việt Nam giảm mạnh cả về lượng và giá trị

Nguồn vinacas.com.vn

Tháng 9/2022, giá xuất khẩu hạt điều thô từ các nước sản xuất tại châu Phi giảm so với tháng 8/2022. Tại Benanh, giá xuất khẩu hạt điều thô giảm 75 USD/tấn, xuống còn 1.175 USD/tấn; tại Bờ Biển Ngà, Gana và Nigieria, giá xuất khẩu hạt điều thô cùng giảm 75 USD/ tấn, xuống còn 1.125 USD/tấn.

Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 8/2022, nước này nhập khẩu hạt điều với kim ngạch đạt trên 27 triệu USD, tăng 59,5% so với tháng 8/2021. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu hạt điều từ các thị trường Việt Nam, Togo và Bờ Biển Ngà. Tính chung 8 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hạt điều đạt 192,4 triệu USD, tăng 85,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt xấp xỉ 169,42 triệu USD, tăng 85%, thị phần chiếm 88,05% tổng trị giá.

Theo ITC, xuất khẩu hạt điều của Brazil trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 6,38 nghìn tấn, trị giá 41,72 triệu USD, giảm 27,1% về lượng và giảm 26,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hạt điều của Brazil sang các thị trường Hà Lan, Mehico tăng, nhưng xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Argentina và Ý giảm.

Với Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu điều đã giảm mạnh 14% sau 9 tháng. Theo ước tính, tháng 9/2022, xuất khẩu hạt điều đạt 40 nghìn tấn, trị giá 245 triệu USD, giảm 14,6% về lượng và giảm 10,3% về trị giá so với tháng 8/2022; so với tháng 9/2021 giảm 22,2% về lượng và giảm 28,2% về trị giá. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều ước đạt 382 nghìn tấn, trị giá 2,29 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Tháng 9/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt mức 6.136 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 6/2022, nhưng giảm 7,7% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt 5.992 USD/tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

Xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. Các nền kinh tế lớn suy thoái, lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng có xu hướng tăng tiết kiệm. Đây sẽ là rào cản khiến Hoa Kỳ giảm nhập khẩu hạt điều trong các tháng còn lại của năm 2022, bất chấp nhu cầu tiêu thụ có thể tăng trong dịp cuối năm (theo yếu tố chu kỳ). 

Chủng loại xuất khẩu: Tháng 8/2022 so với tháng 8/2021, xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt điều tăng, ngoại trừ hạt điều W240 và DW. Tính chung 8 tháng năm 2022, xuất khẩu hạt điều W320, W240 giảm đã ảnh hưởng tới sự sụt giảm chung toàn ngành. Tỷ trọng xuất khẩu hạt điều W320 chiếm 41,31% tổng lượng và chiếm 45,53% tổng trị giá; hạt điều W240 chiếm tỷ trọng 14,03% tổng lượng và chiếm 16,28% tổng trị giá.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định: Trong bối cảnh tình hình kinh tế không mấy khả quan, các sản phẩm có giá thành cao nhiều khả năng sẽ không phải là sự lựa chọn của nhiều người.

Xuất khẩu điều sang Mỹ chững lại nhưng lại có tín hiệu tốt ở Trung Quốc và EU. Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo doanh nghiệp điều Việt Nam cần khai thác lợi thế mà các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu tới các thị trường này.

Xuất khẩu điều năm 2022 thậm chí khó chạm đến con số 3,2 tỷ USD

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhận định xuất khẩu điều năm 2022 thậm chí khó chạm đến con số 3,2 tỷ USD. Bởi, hạt điều của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ và EU, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu ngành.

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu đang rất khó khăn, lạm phát ở Mỹ leo thang, EU cũng rơi vào khủng hoảng kinh tế, căng thẳng địa chính trị khiến nhu cầu tiêu thụ điều giảm mạnh.

“Dự báo cho đến cuối năm, xuất khẩu điều khó khởi sắc bởi tình hình kinh tế - chính trị ở EU ngày càng phức tạp. Điều này khiến các doanh nghiệp lớn đình trệ sản xuất, nhà máy vừa và nhỏ đã phải đóng cửa vì thiếu đơn hàng", Vinacas cho biết.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ngành điều sẽ phải tìm hướng tập trung vào các thị trường "lõi" như liên minh châu Âu, Hoa Kỳ... để đẩy mạnh xuất khẩu.

EU hiện là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng trị giá toàn ngành.

Tăng trưởng xuất khẩu hạt điều sang EU đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung toàn ngành. Thuế suất đối với các sản phẩm chế biến từ hạt điều nhập khẩu vào EU từ Việt Nam giảm về 0% ngay sau khi EVFTA 9 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Mức giảm này rất quan trọng vì trước khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan của mặt hàng hạt điều nhập khẩu vào EU từ Việt Nam dao động từ 7 - 12%. Việc EVFTA đi vào thực thi được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn cho ngành điều.

Đơn cử, Việt Nam hiện là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho thị trường Pháp song thị phần hạt điều của Việt Nam tại Pháp có xu hướng giảm.

Theo số liệu thống kê từ ITC, tháng 7/2022, Pháp nhập khẩu hạt điều đạt 1,17 nghìn tấn, trị giá 8,73 triệu USD, giảm 6,9% về lượng và giảm 8,4% về trị giá so với tháng 6/2022; so với tháng 7/2021 giảm 24,1% về lượng và giảm 26,8% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu hạt điều của Pháp đạt 9,53 nghìn tấn, trị giá 72,1 triệu USD, giảm 2,6% về lượng và giảm 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Như vậy có thể thấy, tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng của người dân Pháp nói riêng và nhiều nước châu Âu nói chung. Các sản phẩm có giá thành cao không phải là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng trong bối cảnh người dân châu Âu đang chịu áp lực về giá năng lượng tăng cao, nhất là mùa Đông sắp tới. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, số người thất nghiệp ở Pháp trong tháng 7/2022 lên tới 2,289 triệu người – đứng ở vị trí thứ 2 trong EU, chỉ sau Tây Ban Nha.

Tháng 7/2022, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Pháp cũng chỉ đạt mức 7.427 USD/tấn, giảm 1,6% so với tháng 6/2022 và giảm 3,5% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Pháp đạt mức 7.566 USD/tấn, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá nhập khẩu hạt điều của Pháp giảm từ các nguồn cung chủ yếu, nhưng tăng mạnh từ Bờ Biển Ngà.

Về cơ cấu nguồn cung 7 tháng đầu năm 2022, Pháp giảm nhập khẩu hạt điều từ các nguồn cung: Việt Nam, Ấn Độ, Hà Lan, nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà, Đức. Theo ITC, Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Pháp. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Pháp nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt xấp xỉ 6,12 nghìn tấn, trị giá 45,92 triệu USD, giảm 6,8% về lượng và giảm 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp giảm từ 67,07% trong 7 tháng đầu năm 2021 xuống 64,19% trong 7 tháng đầu năm 2022. Theo thông tin từ Tham tán Việt Nam tại Pháp, tại các siêu thị, đại siêu thị của Pháp chưa có sản phẩm hạt điều mang thương hiệu Việt Nam. Đa phần doanh nghiệp mới chỉ tập trung bán sỉ mà chưa quan tâm phát triển thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm.

7 tháng đầu năm 2022, Pháp tăng mạnh nhập khẩu hạt điều từ Bờ Biển Ngà, mức tăng 605,8% về lượng và tăng 766,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 844 tấn, trị giá 5,74 triệu USD. Thị phần hạt điều của Bờ Biển Ngà tăng mạnh từ 1,22% trong 7 tháng đầu năm 2021 lên 8,86% trong 7 tháng đầu năm 2022. 

Việc Pháp tăng mạnh nhập khẩu hạt điều từ Bờ Biển Ngà cho thấy nhiều khả năng Pháp muốn đa dạng hóa nguồn cung. Đây cũng có thể sẽ là thị trường cung cấp hạt điều cạnh tranh với hạt điều của Việt Nam trong tương lai. Do đó, ngành điều Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội mà EVFTA mang lại để nâng cao trị giá xuất khẩu mặt hàng sang Pháp. 

Để khai thác tốt thị trường Pháp, ngành điều Việt Nam ngoài quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan, cần đáp ứng các quy định của Pháp. Hệ thống pháp luật liên quan đến thực phẩm của thị trường khu vực này khá phức tạp và có quy định riêng về độc tố nấm mốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng kim loại nặng, chất ô nhiễm vi sinh.



Báo cáo phân tích thị trường