Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam nhập gần 1 triệu tấn gạo: Cần kiểm soát chặt
07 | 12 | 2022
Các doanh nghiệp cho rằng cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt gạo cấp thấp nhập khẩu vào Việt Nam để tránh nguy cơ gian lận.

Theo Báo điện tử Pháp luật Tp. HCM

Mặc dù là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với 6-6,5 triệu tấn/năm nhưng thời gian gần đây lượng gạo nhập vào nước ta tăng đột biến. Lo ngại việc nhập khẩu gạo với khối lượng lớn ảnh hưởng đến ngành sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Điểm mới tại dự thảo nghị định này là có thêm quy định về quản lý nhập khẩu lúa gạo, nhất là gạo giá rẻ từ nước ngoài.

Ngăn chặn nguy cơ gạo nhập đội lốt gạo Việt

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam (VN) ghi nhận lượng gạo nhập từ Ấn Độ tăng vọt với gần 47.000 tấn, tăng hơn chín lần so với năm trước đó. Bước sang năm 2021, VN tiếp tục nhập khẩu lên tới gần 1 triệu tấn gạo, trong đó hơn 72% là gạo Ấn Độ. Chủng loại gạo nhập chủ yếu là gạo cấp thấp, gồm gạo tấm và gạo trắng.

Xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo

Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đạt 6,69 triệu tấn, giá trị 3,24 tỉ USD (tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước). Thị trường xuất khẩu gạo VN năm nay gặp nhiều thuận lợi, trong đó nhiều thị trường nhập khẩu với khối lượng lớn.

Dự báo năm nay VN sẽ xuất khẩu 7,2-7,3 triệu tấn gạo, trị giá 3,3-3,5 tỉ USD.

Nhiều công ty xuất nhập khẩu gạo cho hay gạo Ấn Độ và một số nước nhập vào nước ta phần lớn để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia rượu... Nguyên nhân, do gạo Ấn Độ ở thời điểm từ năm 2021 trở về trước luôn có mức giá rẻ hơn gạo VN 70-100 USD/tấn. Bên cạnh đó, gạo Ấn Độ nhập vào nước ta được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) nên sản lượng gạo nhập từ thị trường này tăng mạnh.

Tuy nhiên, một số công ty kinh doanh gạo cảnh báo thời gian qua có tình trạng gạo nhập Ấn Độ đội lốt xuất xứ VN, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu gạo nước ta. Ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH VRICE, chỉ rõ một số công ty trong nước nhập gạo Ấn Độ về nước ta với giá rẻ cùng bao bì trắng rồi đóng gói, tái xuất khẩu sang nước khác với xuất xứ VN nên bán được giá cao.

Không chỉ vậy, một số công ty làm ăn gian dối còn đóng gói ngay tại Ấn Độ, in bao bì nhãn hiệu thông tin tên gạo, nhà máy, doanh nghiệp sẵn của VN rồi nhập vào nước ta để tái xuất. Một hình thức gian lận xuất xứ nữa là nhập gạo Ấn Độ về kho ở các tỉnh miền Tây rồi mới trộn với gạo trắng cùng loại của VN, đóng bao xuất khẩu.

“Một số loại gạo Ấn Độ là gạo cũ, cấp thấp nhưng được gắn mác xuất xứ gạo chất lượng cao VN xuất bán giá cao để thu lợi bất chính. Tình trạng này làm cho các công ty xuất khẩu làm ăn đàng hoàng bị vạ lây, thậm chí có lúc gạo trắng VN chào bán không ai mua hoặc bị ép giá. Điều này dẫn đến doanh nghiệp Việt mất uy tín, mất khách hàng” - ông Có nhấn mạnh.

Cần hàng rào kỹ thuật với gạo nhập

Đại diện nhiều công ty xuất khẩu cho rằng không nên cấm nhập khẩu gạo từ các nước, bao gồm cả Ấn Độ nhưng cần có kiểm soát chặt để bảo vệ người sản xuất lúa gạo trong nước và đảm bảo uy tín gạo VN trên thị trường quốc tế.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhấn mạnh rằng bảo hộ cho người nông dân trong nước là hợp lý, vì VN là nước sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới. Nếu để tình trạng nhập khẩu lượng lớn gạo giá rẻ tràn vào tự do, không có kiểm soát, không có tiêu chuẩn kỹ thuật gì sẽ phá giá thị trường gạo; khi giá lúa gạo rẻ thì nông dân chịu thiệt.

“Quan trọng nhất là cần xác định rõ mục đích sử dụng của lượng gạo nhập khẩu về nước ta. Nếu họ nhập khẩu gạo tấm Ấn Độ hoặc nước khác về sử dụng cho nhu cầu làm bánh, thức ăn chăn nuôi... do rẻ hơn gạo tấm trong nước thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu các doanh nghiệp nhập về, gian lận thương mại, xuất xứ rồi xuất bán sang nước khác để trục lợi thì phải kiểm tra, kiểm soát và phạt nặng để răn đe các đơn vị khác” - ông Bình đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công tyTNHH VRICE, cho rằng VN nhập khẩu gạo từ Ấn Độ hay Campuchia vì đã có ký kết hợp tác thương mại là chuyện bình thường, tuy nhiên cần phải có quy định về tiêu chuẩn, kỹ thuật, chất lượng đối với gạo nhập khẩu. Đặc biệt phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ gạo nhập vào VN.

Ví dụ, doanh nghiệp nhập vào bao nhiêu tấn gạo, nhập về làm gì thì cần phải báo cáo rõ ràng để tránh gian lận. “Khi có hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc rõ ràng thì những doanh nghiệp nhập khẩu gạo về với mục đích trục lợi, gian lận thương mại sẽ không còn cửa” - ông Có nói.

Tuy nhiên, đại diện Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI) lo ngại việc áp dụng các biện pháp quản lý hạn chế nhập khẩu gạo có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác trong nước. Điều này có thể khiến giá thành sản xuất tăng, thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm tính cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm từ VN. Vì thế, cần cân nhắc khi bổ sung quy định về nhập khẩu lúa gạo.

“Các biện pháp quản lý nhập khẩu nếu áp dụng, cần xem xét đến lợi ích của các công ty sử dụng nguyên liệu để sản xuất” - VCCI góp ý.

Chế tài với thương nhân không báo cáo

Bộ Công Thương cho biết dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 107/2018 sẽ bổ sung quy định theo hướng áp dụng biện pháp quản lý nhập khẩu khi xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Lý do là thời gian qua việc nhập khẩu gạo giá thấp quá nhiều, không được quản lý, thống kê đầy đủ, khiến cơ quan quản lý lo ngại ảnh hưởng tới sản xuất trong nước và gián tiếp ảnh hưởng tới an ninh lương thực.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung chế tài với thương nhân không thực hiện chế độ báo cáo, xúc tiến thương mại; quy định ủy thác xuất khẩu lúa gạo. Lý do là thời gian qua ghi nhận nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ tình hình ký và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo, tồn kho hằng quý, năm, gây nhiều khó khăn cho điều hành xuất khẩu gạo.

 



Báo cáo phân tích thị trường