Nguồn: tapchitaichinh.vn
Dồn dập đơn hàng mới
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, tại thời điểm này, Trung An đã ký kết đơn hàng giao trong năm 2023 lên đến 30.000 tấn gạo các loại. Đặc biệt thương nhân thị trường Mỹ đã ký hợp tác chiến lược với Công ty Trung An để phân phối gạo thơm và bún, phở mang thương hiệu Trung An trên đất Mỹ.
"Với động thái tích cực của thị trường ngay từ những ngày đầu năm, tôi tin rằng năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục thuận lợi. Giá gạo xuất khẩu đầu năm 2023 đang rất cao, chúng tôi bán với giá từ 600 - 1.250 USD/tấn, ngay cả gạo 100% tấm cũng bán với giá lên đến 468 USD/tấn", ông Phạm Thái Bình cho hay.
Là một doanh nghiệp xuất khẩu gạo khá thành công, với sản lượng tăng 200% trong năm 2022, đại diện Tập đoàn Lộc Trời cũng thông báo tin vui đến thời điểm này Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 40.000 tấn gạo cho thị trường EU giao hàng trong năm 2023 này.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), do những bất ổn về kinh tế, chính trị, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết, các quốc gia có nhu cầu dự trữ lương thực nhiều hơn. Do vậy, dự báo xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi trong năm 2023.
"Nhiều nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, châu Phi…vẫn đang có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ Việt Nam. Riêng Philippines - thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu cho năm 2023 khi nước này quyết định duy trì thuế nhập khẩu ở mức 35%.
Những tín hiệu tích cực từ thị trường đã thúc đẩy nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết. Nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có lợi nhuận tốt hơn, ngay trong vụ Đông xuân này", ông Nam nhận định.
Theo số liệu tổng hợp của VFA, lượng xuất khẩu gạo trong nửa đầu tháng 1/2023 đạt 226.105 tấn, trị giá 114,744 triệu USD, tăng trên 41% về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Từ ngày 1 - 19/01 có 27 tàu cập các cảng hàng với số lượng xuất khẩu dự kiến 157.430 tấn gạo các loại, trong đó có 21 tàu cập cảng TP. Hồ Chí Minh và 06 tàu cập cảng Mỹ Thới (An Giang).
Đại diện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đưa ra dự báo giá lúa gạo của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng khi các doanh nghiệp đồng loạt hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Thiết lập mặt bằng giá mới
Trong những ngày qua, nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt tay thu hoạch dứt điểm trà lúa Thu đông và bắt đầu thu hoạch được khoảng 100.000ha/1,5 triệu ha lúa Đông xuân.
Với tín hiệu tốt đầu ra, Tại các tỉnh Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp…thương lái mua lúa tươi tại ruộng với mức giá từ 6.500 đồng/kg trở lên, tăng 500 đồng/kg so với vụ trước. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân trồng lúa cho biết, do giá nhiều loại vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí nhân công tăng nên mặc dù giá lúa tăng nhưng lợi nhuận của người trồng lúa không tăng.
Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành IV, sau thời gian chuyển đổi giống, áp dụng các biện pháp tiên tiến trong gieo trồng, chế biến, bảo quản, hạt gạo Việt Nam đã có sự cải thiện mạnh mẽ cả về chất lượng, lẫn hình thức như bao bì đóng gói.
Hiện nay bên cạnh dòng sản phẩm gạo thơm cao cấp, gạo Organic, Việt Nam còn có loại gạo trắng hạt dài, dẻo cơm rất ngon. Phân khúc gạo trắng của Việt Nam tuy không thể sánh với gạo thơm của Thái Lan nhưng có chất lượng tốt hơn sản phẩm cùng loại của các quốc gia xuất khẩu gạo. Do vậy mà trong thời gian qua gạo trắng của Việt Nam luôn được khách hàng trả giá cao hơn vì giá thành sản xuất loại gạo này hiện nay phải từ 500 USD/tấn trở lên.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA cho biết, thường cuối vụ giá gạo rất thấp, nên đối tác nhập khẩu căn cứ vào giá đó để đàm phán cho vụ tiếp theo. Tuy nhiên, do giá lúa gạo đã thiết lập mặt bằng giá mới vào vụ trước (do chi phí đầu vào tăng) nên các hợp đồng ký kết cho vụ Đông xuân năm 2023 khó giảm và sẽ có giá tốt hơn.