Nguồn: congthuong.vn
Thương vụ Việt Nam tại Campuchia dẫn báo cáo của Hiệp hội hạt điều Campuchia cho biết năm 2022, nước này đã xuất khẩu 670.000 tấn hạt điều thô ra thị trường quốc tế trị giá 1,07 tỉ USD vào năm 2022, giảm 34,65%. Đáng chú ý, tới 98,5% sản lượng điều xuất khẩu của Campuchia được bán sang Việt Nam, tương đương 660.000 tấn, trị giá hơn 1 tỉ USD.
Báo cáo cho biết, năm vừa qua Campuchia đã ban hành chính sách quốc gia về hạt điều với các mục tiêu: nâng cao năng suất sản xuất và chất lượng hạt điều để nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy công nghiệp hóa để tăng giá trị sau thu hoạch và chế biến điều lên 25% vào năm 2027 và thúc đẩy xuất khẩu thông qua đa dạng hóa thị trường.
|
Campuchia xuất khẩu 98,5% sản lượng hạt điều thô sang Việt Nam |
Hiện nay, diện tích trồng điều của Việt Nam chỉ khoảng 300.000 ha, cung cấp khoảng 30% nguyên liệu cho nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy ngành điều Việt Nam đang có một mâu thuẫn lớn cần được giải quyết là: khâu chế biến phát triển mạnh mẽ, thị trường rộng mở toàn cầu, hạt điều Việt Nam có chất lượng tốt vào tốp đầu thế giới nhưng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ cho chế biến.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2022, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,9 triệu tấn nguyên liệu điều, với đơn giá bình quân 1.400 USD/tấn; tổng cộng các doanh nghiệp điều đã chi ra khoảng 2,66 tỉ USD để nhập nguyên liệu. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về sản lượng nhập khẩu điều thô trên toàn thế giới. Nguồn cung hạt điều cho Việt Nam chủ yếu là: Campuchia và các nước châu Phi (Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria, Tanzania,…).
Một mặt do ngành chế biến hạt điều phát triển quá nhanh với công suất chế biến của ngành điều trong khi nguồn cung trong nước khoảng 30% nên mỗi năm Việt Nam cần nhập hàng triệu tấn điều thô. Đáng chú ý, thời gian qua, diện tích điều bị thu hẹp, nhiều vùng nguyên liệu lớn không còn vì sự cạnh tranh của những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đánh giá, quy hoạch ổn định và lâu dài các vùng trồng điều. Trong điều kiện khó gia tăng diện tích trong nước, Vinacas đề nghị giải pháp hợp tác khai thác, phát triển vùng nguyên liệu điều tại Campuchia và Nam Lào.