Nguồn: cafebiz.vn
Theo hãng tin CNN, các nhà khoa học Trung Quốc đã nhân bản thành công 3 con “siêu bò sữa”, qua đó đạt những bước tiến mới trong công cuộc hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu bò từ nước ngoài.
Ba con bò này được nhân bản tại Trường đại học Kỹ thuật Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Bắc (NUAFST), ra đời tại vùng Ningxia chỉ vài tuần trước Tết Nguyên Đán.
Chúng được nhân bản từ những giống bò Holstein Friesian cho sản lượng sữa cao tại Hà Lan. Giống bò này có thể sản xuất 18 tấn sữa mỗi năm và 100 tấn sữa trong suốt vòng đời. Bình quân mỗi con bò cái Holstein Friesian có cân nặng khoảng 580 kg, cá biệt có những con lên đến 1.400kg.
Con số này cao gấp 1,7 lần so với lượng sữa bình quân của một con bò tại Mỹ sản xuất trong năm 2021.
Truyền thông tại Ningxia cho biết con bò nhân giống đầu tiên được ra đời vào ngày 30/12/2022, nặng 56,7 kg lúc mới ra đời.
Ngoài ra, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã tạo nên được 120 phôi thai siêu bò sữa nhân bản và đang đặt vào những con bò cái để chờ kết quả.
Theo nhà khoa học đứng đầu dự án là Jin Yaping, thành công nhân bản siêu bò sữa là bước đột phá giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào nguồn cung bò cũng như sữa từ nước ngoài.
Hiện chỉ có 5/10.000 con bò tại Trung Quốc là có thể sản xuất 100 tấn sữa trong suốt vòng đời của mình, khiến các siêu bò sữa trở thành tài nguyên cực kỳ quý giá.
Dẫu vậy, việc xác định các giống siêu bò sữa gặp khá nhiều khó khăn trong tự nhiên bởi cần phải chờ đến cuối vòng đời để xác định số sữa sinh sản, nhưng lúc đó con bò đã qua thời gian phối giống tốt nhất.
Theo Global Times, hiện 70% số bò sữa tại Trung Quốc là phải nhập khẩu từ nước ngoài.
“Chúng tôi có kế hoạch nhân bản hơn 1,000 siêu bò sữa trong 2-3 năm tới nhằm giảm sự phụ thuộc từ nguồn nhập khẩu nước ngoài cũng như những rủi ro khi chuỗi cung ứng bò bị gián đoạn”, chuyên gia Jin cho biết.
Tại nhiều quốc gia như Mỹ, nông dân thường nhân bản siêu bò rồi cho lai giống với bò thường để thêm các mã gen tốt như năng suất cao, kháng chịu bệnh tật vào trong nguồn gen của đàn.
Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc cũng đang thực hiện các biện pháp nhân bản nhằm đảm bảo an ninh lương thực cũng như tạo bước đột phá cho nền nông nghiệp phục vụ 1,4 tỷ dân.
Năm 2021, nước này đã nhân bản thành công loài sói Arctic đầu tiên trên thế giới. Trước đó vào năm 2017, các nhà khoa học Trung Quốc đã nhân bản thành công siêu trâu, có khả năng kháng bệnh lao trâu vốn thường phổ biến ở nhiều nước.