Nguồn: Vietnambiz.vn
Theo Bộ Công Thương, gần đây các hiệp hội ngành hàng công nghiệp phản ánh về sự thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách của các địa phương làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh này, nhưng không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh khác nên các doanh nghiệp sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý.
Bên cạnh đó, đồ uống không được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu nên không được lưu chuyển đến đại lý bán hàng.
"Trong khi đó đồ uống thường có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng 2 - 3 tháng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hóa không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp", các hiệp hội cho biết.
Đặc trưng của ngành công nghiệp đó là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính.
Do đó, việc các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hóa, quy định về thực phẩm thiết yếu… gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng thời sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp xuất khẩu, thủ tục khai báo hải quan và tình hình tắc nghẽn tại các cảng biển là những điểm nghẽn cần được giải quyết cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải đưa hàng ra phao số 0 để đưa hàng lên tàu thay vì tại cảng do không kịp tiến độ giao hàng.
Sự ngăn cách, kiểm soát chặt chẽ giữa các tỉnh và những quy định không đồng nhất của cơ quan hải quan càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm đòi hỏi điều kiện bảo quản khắt khe, thời hạn sử dụng ngắn.
Nếu không có giải pháp giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất ngay cả khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, khách hàng sẽ dừng, huỷ đơn hàng, nhất là các đơn hàng xuất khẩu.
Đại diện hiệp hội cho biết: "Đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất".
Trước những khó khăn đó, các hiệp hội ngành hàng đề xuất cần ưu tiên cho các doanh nghiệp sớm được tiêm vắc xin hoặc mua vắc xin nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động.
Đồng thời đề nghị bổ sung các mặt hàng thực phẩm kể cả đồ uống, sữa…và các nguyên liệu, dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa…) phục vụ sản xuất kinh doanh trong ngành chế biến chế tạo là các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất
Ngoài ra, đề xuất các địa phương nên trao đổi với các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn và thống nhất các quy định giữa các địa phương nhằm tránh tình trạng cát cứ gây ách tắc lưu thông hàng hóa, gián đoạn chuỗi sản xuất.
Đặc biệt, gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ra vào địa phương, cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả PCR.
Theo các hiệp hội ngành hàng, bên cạnh giải pháp "3 tại chỗ", "một cung đường, hai địa điểm", cần có những biện pháp thay thế linh hoạt hơn, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, trên cơ sở đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ sở sản xuất đủ điều kiện về phòng chống dịch và an toàn cho người lao động.