Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
HTX Thuận An: Phát triển sản xuất sạch giúp giảm nghèo cho đồng bào dân tộc
22 | 03 | 2023
Nhận thức được các giá trị bền vững của quá trình sản xuất cà phê sạch, HTX Thuận An, huyện Đắk Mil đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc.

Thay đổi tập quán canh tác

Thuận An là xã biên giới, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của huyện Đắk Mil thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông. Được sự hỗ trợ từ tín dụng chính sách cho thành viên người dân tộc thiểu số, cộng với kinh phí hỗ trợ từ Dự án Ailen, năm 2012 trên địa bàn xã Thuận An đã thành lập HTX nông nghiệp Công Bằng Thuận An (HTX Thuận An), tập hợp những nông dân có tâm huyết với cây cà phê để sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

HTX Thuận An: Phát triển sản xuất sạch giúp giảm nghèo cho đồng bào dân tộc
Thay đổi tập quán canh tác góp phàn nâng cao chất lượng cho cây cà phê

Trước đây, đồng bào ở đây chưa chú trọng sản xuất cà phê sạch nên hiệu quả chưa cao và thường bị tư thương ép giá. Vì vậy, để giúp người dân trong vùng canh tác cà phê theo hướng bền vững, HTX Thuận An đã đăng ký tham gia vào Hiệp hội Thương mại công bằng (Fairtrade). Quá trình sản xuất cà phê sạch góp phần làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đáp ứng được sản lượng cà phê lớn để ký kết các hợp đồng xuất khẩu.

Trong đó, sản phẩm chủ lực của HTX Thuận An hướng đến sản xuất bền vững nhằm đưa ra các sản phẩm cà phê chế lượng cao đáp ứng các yêu cầu cao cấp của thị trường châu Âu, châu Mỹ và đủ sức cạnh tranh với ngành hàng cà phê chất lượng cao của thế giới thông qua việc được cấp chứng chỉ thương mại công bằng (Fairtrade).

Hàng năm, HTX Thuận An hỗ trợ phân bón vi sinh không hoàn lại cho bà con thành viên để cải tạo vườn cây, giảm bón phân vô cơ. Tổ chức các lớp tập huấn đào tạo kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho bà con thành viên. Bên cạnh đó tổ chức cho thành viên đi tham quan, học hỏi, các địa phương có mô hình làm ăn có hiệu quả.

Ngoài tổ chức tập huấn về chăm sóc, bảo vệ cây trồng, Ban Giám đốc HTX Thuận An cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sản xuất cà phê theo quy trình, tiêu chuẩn của Fairtrade. Đồng thời, HTX còn khuyến khích xã viên thu hoạch cà phê chín thông qua chính sách cộng 1.000 đồng/kg, khi cà phê tươi bán cho HTX có độ chín đạt từ 85% trở lên. Đối với sản phẩm đã qua chế biến ướt được HTX Thuận An thu mua cao hơn giá thị trường từ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Nhờ đó, thu nhập và đời sống của nhiều xã viên, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện.

Được sự đào tạo cũng như hướng dẫn, thời gian qua, các thành viên trong HTX Thuận An đã thực hiện các biện pháp như: Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm tự động, bán tự động để tưới nước cho cây cà phê; quả cà phê được thu hái khi chín trên 85%; sử dụng trang thiết bị hiện đại, quy trình công nghệ tiên tiến chế biến sau thu hoạch; môi trường sản xuất bảo đảm vệ sinh, an toàn sinh học, vỏ cà phê được tái sử dụng… Cà phê sau thu hoạch còn được phơi, sấy, đóng bao bì bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thay đổi canh tác, chuyển hướng sản xuất và chăm sóc theo hướng hữu cơ năng suất cà phê tăng cao, ông Đỗ Hoàng Yên, thành viên của HTX Thuận An chia sẻ: Gia đình có 2 ha cà phê liên kết sản xuất cùng HTX theo tiêu chuẩn của Fairtrade với sản lượng đăng ký 6 tấn mỗi vụ. Liên kết với HTX, gia đình được hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, HTX đứng ra nhận ủy thác tín dụng chính sách cho thành viên và được chuyển giao kỹ thuật sản xuất cà phê theo quy trình, tiêu chuẩn của Fairtrade, đã góp phần đưa năng suất cà phê của các thành viên HTX đạt trung bình 5 tấn/ha.

Xây dựng thương hiệu, cải thiện đời sống người dân

Với vai trò “bà đỡ” của HTX Thuận An, các thành viên và các hộ liên kết đã áp dụng các quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, RainForest, UTZ, hữu cơ… để nâng cao giá trị, đáp ứng thị trường. Trong đó, sản phẩm cà phê bột Đắk Đam của HTX được xếp hạng sản phẩm OCOP Đắk Nông đợt I năm 2020, với tiêu chuẩn 4 sao.

HTX Thuận An: Phát triển sản xuất sạch giúp giảm nghèo cho đồng bào dân tộc
Cà phê bột Đắk Đam của HTX Thuận An được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao

Những nỗ lực không ngừng của HTX Thuận An đã xây dựng được thương hiệu cà phê Công Bằng Thuận An; giải quyết việc làm thường xuyên cho các hộ thành viên và bà con đồng bào dân tộc; mang lại thu nhập và cải thiện đời sống; từng bước góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho bà con đồng bào dân tộc tại vùng Tây Nguyên.

Ông Võ Lý, một thành viên của HTX Thuận An phấn khởi: Từ khi gia nhập HTX, cà phê của gia đình luôn được bán cao hơn thị trường. Tôi được hướng dẫn, tập huấn việc sản xuất cà phê an toàn, tiết kiệm và chất lượng nhất. Nhờ thế mà những năm qua, gia đình tôi không còn lo tình trạng thất thường của giá cà phê, kinh tế gia đình ngày càng ổn định.

Giám đốc HTX Thuận An, ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết: Đến nay, HTX đã phát triển lên 58 thành viên chính thức, đa số là người dân tộc thiểu số và 58 thành viên liên kết chuyên sản xuất cà phê chất lượng cao như cà phê bột mang thương hiệu cà phê Đắk Đam. Hiện HTX có 460 ha được chứng nhận Fairtrade. Việc sản xuất cà phê sạch đã mang lại cho HTX Thuận An nhiều lợi thế trong xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ mỗi năm hàng trăm tấn sản phẩm. Nhờ đó đã tạo việc làm cũng như thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình xã nghèo vùng biên.



Theo congthuong.vn
Báo cáo phân tích thị trường