Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội đổi đời nhờ 'báu vật' dưới tán rừng Lai Châu
18 | 04 | 2023
Để bảo tồn và phát triển sâm Lai Châu, nhiều HTX trên địa bàn huyện Sìn Hồ đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, thay đổi phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ.

Nguồn: nongsanviet.nongnghiep.vn

Canh tác thuận tự nhiên

Sâm Lai Châu là loài dược liệu quý hiếm, được đưa vào Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam, tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn, phát triển, khai thác có hiệu quả tiềm năng, giá trị kinh tế của loài cây dược liệu quý hiếm này. 

IMG_0199

Anh Nguyễn Trần Văn, Giám đốc HTX Nông sản Dược liệu Cao nguyên Sìn Hồ tiên phong trồng sâm Lai Châu dưới tán rừng. Ảnh: nongsanviet.nongnghiep.vn.

 

Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ gia đình mạnh dạn đầu tư gây trồng sâm Lai Châu tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ và Tam Đường bằng các hình thức như trồng sâm tự nhiên dưới tán rừng, trồng trong nhà màng, nhà lưới có mái che…

Về huyện Sìn Hồ, chúng tôi tìm đến HTX Nông sản Dược liệu Cao nguyên Sìn Hồ (bản Mao Sao Phìn, xã Sà Dề Phìn). Đây là HTX đầu tiên trong huyện phát triển trồng sâm Lai Châu dưới tán rừng. Theo chân anh Nguyễn Trần Văn, Giám đốc HTX vào thăm khu gây nuôi sâm dưới tán rừng mới thấy hết được sự gian lao, tỷ mẩn, kiên trì trong chăm sóc loài cây quý này. 

Anh Văn chia sẻ, ban đầu, HTX phải tìm mua lại từng cây giống của người dân ở các thôn, bản. Sau nhiều năm gây nuôi, hiện HTX đã có hơn 1.000 cây bố mẹ từ 3 - 5 tuổi, 10.000 cây 2 năm tuổi.

Trồng sâm dưới tán rừng có thể gọi là hình thức canh tác hữu cơ đúng nghĩa, vì ngoài các công đoạn phải làm bằng tay thì không còn sự can thiệp chất hóa học nào khác vào quá trình sinh trưởng và phát triển của cây sâm.

Anh Văn hào hứng phân tích: Điều kiện tự nhiên, khí hậu ở Sìn Hồ thì đã quá lý tưởng với cây sâm. Đất trồng được HTX sử dụng là loại đất mùn trong tự nhiên (không dùng phân bón để tăng dinh dưỡng cho đất vì khi dùng cây rất dễ nhiễm khuẩn). Cây sâm để lấy hạt giống được chọn lọc kỹ lưỡng, phải đạt từ 4 năm tuổi trở lên (đối với cây gieo từ hạt), 2 năm trở lên (đối với cây trồng từ đầu mầm), không bị sâu bệnh, tổn thương cơ giới hoặc các tổn thương khác...

Sâm không đòi hỏi quá nhiều nước, nếu gặp mưa lớn, ngập úng dễ bị thối củ. Do đó, khi trồng dưới tán rừng sẽ tận dụng được bóng che tự nhiên, độ thoát nước tốt. Bên cạnh đó, khi trồng tự nhiên, cây sâm có điều kiện “ăn gió, ăn sương” nên bộ rễ phát triển khỏe mạnh, hàm lượng saponin cao.

IMG_0213

Sâm Lai Châu là cây trồng rất "đỏng đảnh", đòi hỏi phải có hình thức canh tác phù hợp, thuận tự nhiên. Ảnh: nongsanviet.nongnghiep.vn.

Tiếp mạch cảm xúc, anh Văn bật mí, hiện tại, HTX cũng đang thử nghiệm một diện tích nhỏ việc trồng sâm sử dụng phân bón hữu cơ. Khi có kết quả sẽ so sánh đối chiếu với sâm trồng tự nhiên, nếu chất lượng, các dược tính không thay đổi thì sẽ nghiên cứu nhân rộng cho các thành viên và các hộ liên kết trồng.

“Sâm Lai Châu mặc dù thời gian cho thu hoạch có thể dài, nhưng tiềm năng, giá trị kinh tế lại rất lớn. Nếu nhân rộng thành công thì chẳng những HTX có điều kiện lớn mạnh mà đời sống của từng hộ dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng sẽ đổi khác”, vị Giám đốc HTX khẳng định chắc nịch khi chia tay, tiễn chúng tôi ra về.

Đưa sâm quý về trồng bên hiên nhà

Rời HTX Nông sản Dược liệu Cao nguyên Sìn Hồ, chẳng hiểu có phải khi nghe được những lời nói của vị giám đốc trẻ mà trong tôi bỗng dưng dấy lên một niềm tin mãnh liệt lạ thường. Tôi tin không lâu nữa cây sâm Lai Châu sẽ được nhân rộng, người dân sẽ có nguồn thu nhập cao, ổn định. Sẽ chẳng còn cảnh người người, nhà nhà thiếu lương thực vào thời điểm giáp hạt...

Dẫu vậy, tôi vẫn băn khoăn, bây giờ số lượng sâm còn ít, nhưng khi tăng lên gấp 10, gấp 100 lần thì đất canh tác dưới tán rừng liệu có đủ để đáp ứng không. Có giải pháp nào khác để vừa thuận lợi mở rộng diện tích mà vẫn đảm bảo được chất lượng sâm?

Mang băn khoăn đó tới UBND xã Sà Dề Phìn, ông Giàng A Tùng, Chủ tịch UBND xã vui vẻ nói: “Chú việc gì phải đi đâu xa tìm câu trả lời, chạy xe máy khoảng 1 cây số từ trung tâm xã tới bản Sảng Phìn là thấy mô hình trồng sâm Lai Châu trong nhà màng, nhà lưới công nghệ cao do Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh (Công ty Thái Minh) đang triển khai, tha hồ mà khám phá”.

z4202562938328_f5749c8e03e22d7982e1b5c5f2390b45

Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh đang chuẩn bị đất gieo trồng sâm Lai Châu. Ảnh: nongsanviet.nongnghiep.vn..

Như bắt được vàng, tôi chào vội vị chủ tịch xã và lên đường. Tới nơi, tôi thực sự bất ngờ khi giữa vùng núi đá sỏi lại có thể hình thành một khu trồng dược liệu trong hệ thống nhà màng kiên cố, hiện đại.

Ông Dương Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Thái Minh hào hứng chia sẻ: Sâm Lai Châu là loài dược liệu quý hiếm, giá trị kinh tế cao. Các loại dược liệu đa phần khi sử dụng muốn đạt hiệu quả thường phải phối hợp với nhau trong từng thang thuốc. Tuy nhiên, sâm Lai Châu lại rất dễ dàng sử dụng độc lập hoặc chế biến thành các loại sản phẩm thông dụng như trà, cao cô đặc, nước uống... mà vẫn cho hiệu quả tối ưu.

Trước tiềm năng, lợi thế đó, được sự đồng ý và tạo điều kiện của tỉnh Lai Châu, UBND huyện Sìn Hồ, Công ty đã đầu tư mua sắm thiết bị, phát triển trồng sâm Lai Châu trong hệ thống nhà màng. Mục tiêu của Công ty là đưa sâm Lai Châu từ chỗ chỉ trồng ở dưới tán rừng trở thành loại cây có thể trồng đại trà ở độ cao trên 1.500m. Từ đó, góp phần từng bước hình thành vùng nguyên liệu ổn định, tạo sinh kế bền vững cho người dân các xã vùng cao biên giới. Đồng thời, giảm giá thành nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi để mọi đối tượng tiêu dùng có thể tiếp cận và sử dụng loài thảo dược quý này.

Ông Lâm bật mí, hiện Công ty đã triển khai trồng được 1ha sâm trong nhà màng với nhiều độ tuổi khác nhau. Song song đó, trồng thử nghiệm 200m2 sâm dưới tán rừng để so sánh, đánh giá tốc độ sinh trưởng và phát triển, chất lượng của sâm khi trồng ở hai môi trường khác nhau. Từ đó, làm cơ sở để triển khai liên kết, nhân rộng với người dân trong vùng.

Theo đánh giá cảm quan ban đầu, khi trồng trong nhà màng, mặc dù chi phí đầu tư lớn nhưng giúp thuận lợi kiểm soát được các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển của sâm như đất trồng, nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng. Đặc biệt, tránh được những tác động tiêu cực từ bên ngoài như sương muối, mưa đá, côn trùng, vật nuôi phá hoại... Từ đó, không cần dùng tới bất kỳ tác động hóa học nào mà cây sâm vẫn có được môi trường tốt nhất để phát triển, tích lũy hoạt chất.

z4249662503865_71e9014b3610e8d54d59e8e689ccffd5

Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh cùng các chuyên gia Hàn Quốc trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng sâm. Ảnh: nongsanviet.nongnghiep.vn..

“Năm nay, công ty sẽ mở rộng thêm 2ha sâm trồng trong nhà màng. Bên cạnh đó, khi có kết quả đánh giá chi tiết tất cả các yếu tố, công ty sẽ tiến hành phát triển liên kết với người dân để mở rộng diện tích. Sở dĩ phải làm cẩn thận, đi từng bước như vậy vì người dân miền sơn cước vốn đã gặp nhiều khó khăn, trong khi chi phí đầu tư trồng sâm không hề nhỏ, nếu không làm chặt chẽ, khi đưa giống trồng đại trà rất dễ xảy ra tình trạng chết hàng loạt, vừa tốn kém chi phí vừa làm cho người dân mất niềm tin đối với công ty”, ông Lâm bộc bạch.

Theo ông Ma Khánh Toàn, Trưởng phòng NN-PTNT Sìn Hồ, đến nay, toàn huyện Sìn Hồ có hơn 600ha cây dược liệu các loại. Trong đó, diện tích sâm Lai Châu khoảng 4ha.

Những năm qua, UBND huyện đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, lồng ghép nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu theo chuỗi liên kết, phát triển mô hình cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể có điều kiện phát triển chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm đặc sản, OCOP để nâng cao giá trị (toàn huyện hiện có 23 sản phẩm OCOP 3 sao, trong đó dược liệu có 17 sản phẩm).

Ông Toàn cũng cho rằng, tiền năng, giá trị mà cây dược liệu nói chung, sâm Lai Châu nói riêng thì ai cũng nhìn thấy, nhưng để người dân thực sự đổi đời với loại cây trồng này vẫn phải gỡ nhiều điểm nghẽn. Cụ thể, nhiều hộ dân vẫn chưa thay đổi được tập quán chăn thả gia súc tự do, dẫn tới nhiều diện tích dược liệu bị phá hỏng.

Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa hay có mưa đá cường độ lớn nên cần có giải pháp điều chỉnh cơ cấu mùa vụ cho hợp lý. Nguồn vốn của người dân hạn chế nên khó đầu tư chế biến sâu, chủ yếu bán nguyên liệu thô nên dễ bị thương lái ép giá...

 



Báo cáo phân tích thị trường