Nguồn: Baobacgiang.com.vn
Ông Phan Chí Thành, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan làm trưởng đoàn. Cùng đi có các ông: Ngô Hướng Nam, Đại sứ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Hồ Văn Lâm, Chủ tịch Hội doanh nhân kiều bào Thái Lan và 57 doanh nhân kiều bào tại Thái Lan
Tiếp đoàn có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Mai Sơn; Phan Thế Tuấn và đại diện một số sở, ngành, Hiệp hội DN tỉnh.
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Mai Sơn thông tin đến đoàn một số thành tựu KT-XH của tỉnh thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 2 dự án của nhà đầu tư đến từ Thái Lan với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 12,8 triệu USD.
Những năm qua, tình hình hợp tác, xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bắc Giang nói riêng sang thị trường Thái Lan rất lớn: Năm 2021 đạt hơn 13,5 triệu USD; 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 16,2 triệu USD bao gồm các sản phẩm chính như: Linh kiện điện tử; tấm module năng lượng mặt trời....
Giá trị nhập khẩu của các DN tỉnh Bắc Giang từ thị trường Thái Lan năm 2021 đạt hơn 105,9 triệu USD; 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 264,2 triệu USD.
Hiện nay, một số nông sản của tỉnh Bắc Giang như ớt, dưa bao tử, bí đóng hộp, đặc biệt là vải thiều đã được xuất khẩu vào thị trường Thái Lan.
Hằng năm, Tập đoàn Central Group, Công ty MM Mega Market Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bắc Giang, các DN vùng vải thiều Bắc Giang để tổ chức các chương trình xúc tiến đưa trái vải vào thị trường Thái Lan. Tuy nhiên sản lượng và giá trị chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Bắc Giang là tỉnh có vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, đứng thứ 3 toàn quốc với nhiều loại trái cây ngon trải dài trong các tháng như vải thiều, nhãn lồng, na, cam, bưởi, ổi… và sản lượng chăn nuôi gà, lợn thường đứng trong top 4 toàn quốc nên dư địa hợp tác, xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm nông sản của Bắc Giang sang thị trường Thái Lan rất lớn.
Tỉnh Bắc Giang với tinh thần luôn rộng mở, mời gọi và cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, các đối tác, DN Thái Lan đến khảo sát, tiến hành đầu tư, hợp tác sản xuất và kinh doanh, tiêu thụ nông sản.
Đồng chí đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, các DN kiều bào tại Thái Lan quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Bắc Giang tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trên các lĩnh vực nhất là chế biến vải thiều và các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Bắc Giang vào thị trường Thái Lan.
Hỗ trợ giới thiệu và kết nối các DN, đối tác có kinh nghiệm, công nghệ và thế mạnh trong lĩnh vực chế biến nông-lâm sản. Quảng bá tiềm năng lợi thế, chính sách ưu tiên thu hút hợp tác đầu tư, phát triển thương mại. Hỗ trợ tỉnh Bắc Giang thông tin về thị trường, chính sách nhập khẩu, các yêu cầu, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật của Thái Lan.
Đại sứ Phan Chí Thành và đoàn công tác thăm chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng).
Phát biểu tại đây, Đại sứ Phan Chí Thành cho biết: Đây là lần đầu tiên Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức một đoàn DN kiều bào với số lượng lớn về quê hương để xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch với các địa phương, DN Việt Nam nhằm kết nối kiều bào với quê hương, đất nước và tìm kiếm đối tác.
Đại sứ đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang quan tâm, có cơ chế, chính sách cụ thể tạo điều kiện tốt nhất cho các DN kiều bào tại Thái Lan trong việc xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; sớm tổ chức đoàn của tỉnh sang Thái Lan để xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch.
Giới thiệu cho các DN kiều bào chính sách xúc tiến, khuyến khích đầu tư, thương mại, du lịch cũng như các dự án đầu tư cần thu hút sự tham gia của các DN kiều bào tại Thái Lan.
Hiệp hội DN tỉnh và Hiệp hội doanh nhân Thái-Việt tìm hiểu, trao đổi, bàn bạc, tiến tới ký kết các bản ghi nhớ hợp tác để thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài.
Các DN tích cực trao đổi cụ thể về tiềm năng và thế mạnh, nhu cầu hợp tác cụ thể để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam chất lượng cao sang Thái Lan, tiến tới tổ chức mạng lưới phân phối hàng hóa Việt Nam tại Thái Lan và phân phối hàng Thái Lan tại Bắc Giang.
Trong chuyến làm việc tại Bắc Giang, Đại sứ và đoàn công tác đi thăm chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) và vùng vải thiều Lục Ngạn.