Nguồn: nongsanviet.nongnghiep.vn
"Thuyền trưởng" của HTX nông nghiệp tuần hoàn
Những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp thăm HTX Thuận Thới, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Đây là nơi khởi nghiệp của 23 hộ nông dân địa phương, trong đó có anh Nguyễn Văn Thảo (sinh năm 1990), Giám đốc HTX. Anh tốt nghiệp thạc sĩ ngành Công nghệ sinh học (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) năm 2018. Với tình yêu nông nghiệp ấp ủ, anh quyết định bỏ phố hồi hương khởi nghiệp.
Anh Thảo chia sẻ, vùng quê Thuận Thới có truyền thống chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, chất thải chăn nuôi chưa được bà con tận dụng, rất ô nhiễm. Tháng 8/2018, với ý định "biến chất thải thành vàng", anh quyết định vận động một số bạn bè, bà con nông dân xung quanh thành lập HTX Nông nghiệp Thuận Thới để cùng khởi nghiệp.
Lĩnh vực hoạt động chính của HTX là nuôi bò, nuôi trùn quế và sản xuất phân hữu cơ. HTX sẽ chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò, trồng cỏ và dùng phân bò nuôi trùn quế. Sau đó, HTX thu mua phân trùn quế của thành viên làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ.
Với mô hình nuôi 2 con bò, hàng tháng hộ thành viên có thêm thu nhập từ 700.000 đồng tiền bán phân trùn quế. Đây là mô hình chăn nuôi khép kín, giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường và tận dụng tốt phế phẩm trong chăn nuôi.
“Các hộ chăn nuôi gia súc ở địa phương sẽ có thêm thu nhập từ việc bán phân trùn cho HTX. Bà con có thể tự ủ phân trùn quế tại nhà. Sau hơn 3 tháng có thể xuất bán với giá 1.500 - 2.000 đồng/kg. Nếu nuôi, trùn thịt sẽ được HTX thu mua với giá 40.000 đồng/kg”, anh Thảo cho hay.
Đến nay, sau 3 năm hoạt động, HTX Thuận Thới đang có những bước tiến vững chắc. HTX đang thuê 2ha của bà con trồng cỏ chăn nuôi bò, dê, trùn quế và nhận nuôi bò ký gửi của bà con nông dân. Từ 200m2 ban đầu, đến nay diện tích trang trại được mở rộng hơn 4.000m2.
Bên cạnh trùn thịt, doanh thu của HTX còn đến từ việc kinh doanh phân hữu cơ. Sản phẩm được xử lý theo quy trình nghiêm ngặt do anh Thảo quản lý, bổ sung thêm các dưỡng chất, vi sinh vật có lợi tạo nên sự khác biệt so với phân trùn quế thông thường.
Hiện nay, các dòng sản phẩm phân bón dạng khô, dạng lỏng của HTX đều được cấp phép lưu hành trên toàn quốc. Năm 2022, doanh thu từ kinh doanh phân bón hữu cơ của HTX đạt 2,3 tỷ đồng; lợi nhuận đạt trên 350 triệu đồng. Lợi nhuận hàng năm đều được HTX dùng vào việc tái đầu tư, đầu tư mới mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động.
“Mục tiêu ban đầu của mình là liên kết nông dân tạo thành tổ hợp tác cùng nhau phát triển, đầu ra sản phẩm ổn định hơn. Bên cạnh đó, giải quyết vấn đề môi trường ô nhiễm và tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân”, thuyền trưởng của HTX Nông nghiệp Thuận Thới chia sẻ.
Về những dự án sắp tới, anh Thảo thổ lộ, HTX đang có kế hoạch sản xuất nước cam ép và dự kiến ra mắt vào tháng 3 tới. Ngoài ra, HTX đang nghiên cứu đưa vào dự án du lịch sinh thái, trải nghiệm tại cộng đồng địa phương.
Thạc sỹ luật làm nông sản hữu cơ
Tương tự anh Thảo ở Vĩnh Long, anh Trầm Minh Thuần (sinh năm 1993) quê ở xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cũng là trí thức trẻ khởi nghiệp thành công với mô hình HTX. Hiện nay, anh đang giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Hiệp.
Anh Thuần vốn là cử nhân luật, sau anh học lên cao học và tốt nghiệp thạc sỹ luật tại Trường Đại học Trà Vinh. Ra trường, anh làm việc cho Văn phòng đăng ký đất đai huyện Duyên Hải. Tuy nhiên, với khát khao được tự chủ, anh quyết định rẽ ngang khởi nghiệp với mô hình HTX.
Tháng 7/2018, HTX Nông nghiệp Long Hiệp được thành lập với hơn 60 thành viên tham gia. Nổi bật trong 6 thành viên tham gia Ban điều hành là những con người trẻ tuổi và có trình độ chuyên môn cao gồm 4 thạc sỹ và 2 đại học.
HTX hoạt động trong lĩnh vực nuôi trùn quế sản xuất phân hữu cơ, sản xuất gạo sạch và kết hợp nuôi tôm đạt chuẩn hữu cơ. Hiện nay, HTX thành công với vùng nguyên liệu sản xuất lúa kết hợp nuôi tôm đạt chuẩn hữu cơ trên diện tích hơn 30ha để sản xuất gạo sạch mang thương hiệu “Hạt Ngọc Rồng”.
“Lúa nguyên liệu HTX thu mua của bà con về chế biến thành gạo hữu cơ mang nhãn hiệu Hạt Ngọc Rồng, gạo Gia Đình. Hai sản phẩm đều được công nhận sản phẩm OCOP. Riêng gạo Hạt Ngọc Rồng được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao”, anh Thuần cho biết.
Đến nay, HTX có 72 thành viên, trong đó có 32 thành viên là đồng bào dân tộc Khmer. Ngoài bao tiêu lúa hữu cơ cho bà con ở xã Đông Xuân, HTX còn bao tiêu hàng trăm ha lúa cho nông dân ở xã Long Hiệp, huyện Trà Cú và sản xuất, bán phân bón hữu cơ.
Những năm qua, nhờ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, HTX đã 3 lần tăng vốn điều lệ, từ 700 triệu đồng ban đầu đã phát triển lên 2 tỷ đồng. Doanh thu cũng tăng trưởng đều đặn, năm 2021 đạt trên 9 tỷ đồng, năm 2022 đạt khoảng 12 tỷ đồng.
Gây sốt thị trường với dừa sáp
Năm 2020, anh Trần Duy Linh (sinh năm 1987) có chuyên môn ngành luật nhưng rất thành công khi chọn trái dừa sáp đặc sản để khởi nghiệp.
Công ty TNHH Chế biến dừa sáp cầu Kè (Vicosap) do anh vận hành đã cho ra nhiều sản phẩm độc lạ, gây sốt trên thị trường như kẹo dừa sáp 3 hương vị, cơm dừa sáp sợi, dừa sáp sấy giòn và sữa chua dừa sáp sấy giòn tan nhiều hương vị.
Sản phẩm không chỉ được chấp nhận tại thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu đi các quốc gia và vùng lãnh thổ như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Mỹ. Hiện nhiều sản phẩm của Vicosap đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và có tiềm năng đạt 5 sao.
“Khi thấy trái dừa sáp đặc sản quê hương chưa được khai thác hết giá trị, Linh rất đau đáu. Khi đưa ra các dòng sản phẩm cao cấp, mong muốn của Linh là sản phẩm phải đạt chất lượng và đẹp về mẫu mã. Hiện các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn organic, hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất”, anh Trần Duy Linh chia sẻ.
Tâm huyết và kiên trì, anh đã dành 3 năm ròng để nghiên cứu tìm hiểu công nghệ chế biến dừa sáp. Từ khi thành lập đến khi có sản phẩm đầu tiên phải mất thêm 4 tháng. “Ngoài chất lượng ra, sản phẩm còn thể hiện ước mơ, tình cảm của mình đến với người tiêu dùng”, anh thổ lộ.
Thời gian tới, anh Linh cho biết sẽ làm việc với các HTX, hộ dân, đặc biệt là đồng bào Khmer định hướng phát triển vùng nguyên liệu, phát triển diện tích dừa sáp đặc sản của địa phương.
Cũng như anh Linh, anh Nguyễn Hoàng Khang (sinh năm 1991 ở Thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cũng đang khởi nghiệp với mô hình chế biến, nâng cao giá trị trái xoài cát núm, một loại xoài được trồng nhiều tại huyện Vũng Liêm và được đánh giá ngon chỉ sau xoài cát Hoà Lộc.
Tuy nhiên, xoài cát núm chỉ được dùng ăn tươi mà chưa có nhiều sản phẩm chế biến. Bên cạnh đó, giá cả xoài cũng bấp bênh khiến thu nhập của bà con trồng xoài không ổn định và cũng không mặn mà mở rộng diện tích.
Dự án khởi nghiệp của Khang với ý tưởng đầu tiên là tạo được tiếng vang, gây sự chú ý của người tiêu dùng, nông dân thông qua sản phẩm mứt xoài do anh chế biến.
Nói là làm, anh đã cùng với các cộng sự nghiên cứu, tìm tòi học hỏi đưa vào vận hành quy trình chế biến mứt xoài mang thương hiệu Foodo. Sản phẩm đã được đưa ra thị trường từ tháng 8/2022. Đến nay, sau nhiều chuyến quảng bá tại các hội chợ, sản phẩm đã được người tiêu dùng chú ý dùng thử, được thị trường chấp nhận.
Anh Nguyễn Hoàng Khang có trình độ thạc sỹ nông nghiệp hữu cơ tại Canada. Từ năm 2019, lô xoài đầu tiên của Vĩnh Long xuất khẩu qua Mỹ đã gây được sự chú ý của anh đối với cây trồng này. Từ đó, anh tìm hiểu và ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị cho trái xoài cát núm và người dân trồng xoài tại địa phương.
Anh cũng từng công tác tại Phòng NN-PTNT huyện Vũng Liêm. Đầu năm 2022, anh quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp với dự án chế biến mứt xoài cát núm. Hi vọng dự án của Khang sẽ mở ra hướng đi mới cho gần 400ha cây xoài cát núm tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.