Nguồn: mekongasean.vn
|
Ngành cà phê Việt Nam cần phải tuân thủ theo quy định chống phá rừng của EU. Ảnh: VGP |
Quy định mới của EU về chống phá rừng bắt buộc các công ty phải đảm bảo các sản phẩm được bán ở Liên minh châu Âu (EU) không dẫn đến nạn phá rừng và làm suy thoái rừng.
Các sản phẩm chịu sự điều chỉnh của quy định mới là: Cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su (kể cả các sản phẩm phái sinh có chứa, được nuôi bằng hoặc đã được tạo ra từ những sản phẩm được sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng) kể từ sau ngày 31/12/2020 từ các quốc gia vào EU. Các sản phẩm thuộc nhóm hàng hóa nêu trên nếu liên quan tới hành động phá rừng đều sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU.
Quy định sẽ đưa ra các yêu cầu bắt buộc mới vào cuối năm 2024. Thời gian chính thức thực hiện dự luật cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến nạn phá rừng của các quốc gia châu Âu không còn nhiều, do đó Việt Nam phải đẩy mạnh việc phổ biến và thực thi quy định trên.
Tại cuộc họp giữa đại diện các hiệp hội với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, chiều 31/5 về quy định mới của EU trong phòng chống phá rừng, hiệp hội các mặt hàng trực tiếp gặp tác động đã có những thông tin về tình hình ngành hàng.
Cụ thể, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, cà phê là mặt hàng xuất khẩu sang EU với số lượng lớn và ổn định, hiện chiếm khoảng 42% sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam hằng năm.
Vì vậy, để ổn định và không biến động thị phần xuất khẩu cà phê sang EU, ngành cà phê Việt Nam cần phải tuân thủ theo quy định chống phá rừng, suy thoái rừng đã được Hội đồng châu Âu thông qua và có hiệu lực từ ngày 16/5/2023.
Cùng chung quan điểm với ông Nam, bà Trần Thị Quỳnh Chi, Giám đốc vùng cảnh quan châu Á, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) cho rằng, hiện Việt Nam có khoảng 1,3 triệu nông hộ trồng cà phê, diện tích phần lớn chỉ từ 0,5 ha trở xuống tại 11 tỉnh trồng cà phê.
Số diện tích này thực tế là hợp pháp, không phải trồng trên đất do phá rừng, suy thoái rừng nhưng thực tế việc chứng minh nguồn gốc theo quy định không phải dễ.
Do đó, bà Chi đề xuất Bộ NN&PTNT, cơ quan chuyên môn và các công ty cung cấp dữ liệu hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng cơ sở dữ liệu về giám sát bảo vệ rừng, dữ liệu rừng trồng.
Đối với ngành hàng cao su, ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam nêu khó khăn khi cây cao su trồng phải 7 năm mới cho thu hoạch mủ.
“Toàn bộ diện tích cao su đã và đang cho thu hoạch hiện nay thì đều trồng trước ngày quy định về chống mất rừng và suy thoái rừng của EU là từ 31/12/2020. Hiện tổng diện tích cao su của cả nước 930.000 ha”, ông An nêu vấn đề.
Ngành NN&PTNT sớm có khung hành động thực hiện quy định mới của EU
Trước các khó khăn của ngành hàng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng đối với sản xuất nông sản, trong đó có cà phê, vừa là thách thức vừa là cơ hội để chúng ta cấu trúc lại các mặt nông sản.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng yêu cầu Vụ Hợp tác Quốc tế sớm trình Bộ trưởng Khung hành động để thực hiện quy định này của EU.
Bộ trưởng NN&PTNT cũng đề nghị các cơ quan tham mưu Bộ điều chỉnh khung hành động, lấy ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng để sớm có chương trình triển khai phù hợp với quy định mới của châu Âu.
“Trong Khung hành động cần phải nhấn mạnh đẩy mạnh truyền thông để các cơ quan chức năng và nông dân hiểu rõ quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng khi sản xuất nông sản, trong đó có cà phê. Đặc biệt, Khung hành động phải phân định rõ ràng trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, chính quyền các cấp và người dân để thực hiện quy định của EU”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ NN&PTNT cũng nhắc nhở các ngành hàng phải tự thay đổi mình để tạo dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm nông sản, trong đó có sản phẩm cà phê nói riêng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh "Đây là cơ hội để chứng minh với thế giới là Việt Nam thực sự tăng trưởng xanh. Yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm nông sản là đòi hỏi tất yếu từ thị trường, trong đó có thị trường EU”.