Theo báo chí Lào, trong thời gian từ tháng 1-5/2023, nước này đã xuất khẩu sắn thô, sắn khô và tinh bột sắn đạt giá trị tổng cộng trên 408 triệu USD. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, ông Khamjane Vongphosy cho biết các thị trường chính của sắn Lào là Trung Quốc, Việt Nam và Italy (I-ta-li-a).
Báo chí Lào cho biết nước này có tiềm năng trở thành nước sản xuất sắn lớn do nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Việc trồng sắn tại Lào trong thời gian qua đã tăng mạnh do nhu cầu của các nước tăng, đặc biệt là từ các nước láng giềng của Lào. Hiện một số lượng lớn nông dân Lào đã bỏ trồng lúa và cao su và hiện đang trồng sắn trên cơ sở thương mại hoàn toàn.
Năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Lào đạt trên 1,73 tỷ USD và năm 2023, xuất khẩu nông sản của nước này dự kiến sẽ đạt trên 2 tỷ USD.
Theo báo chí Lào, trong thời gian từ 1-5/2023, xuất khẩu nông sản của Lào đạt 901 triệu USD, bằng 75,14% kế hoạch năm 2023, với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là sắn, cà phê, chuối, ngô, mía đường.
Để phát huy thế mạnh và tiềm năng nông nghiệp sẵn có, trong những năm qua, Chính phủ Lào tích cực khuyến khích nông dân trồng nhiều loại cây trồng hơn để không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
Để đạt được điều này, bên cạnh việc khuyến khích người nông dân gia tăng canh tác, Chính phủ Lào đã và đang thành lập thêm nhiều nhóm nông dân và hợp tác xã để người dân liên kết sản xuất; tăng cường cải thiện cơ sở hạ tầng và phương pháp sản xuất, chẳng hạn như cung cấp các thiết bị phân tích sản phẩm cho các phòng thí nghiệm, thiết bị tách hạt và các cơ sở cho phép sấy khô hoặc đông lạnh sản phẩm, đồng thời nỗ lực tìm kiếm và phát triển thị trường mới.
Bên cạnh đó, Chính phủ Lào cũng đang quy hoạch các khu vực ưu tiên phục vụ cho an ninh lương thực và trồng các loại cây công nghiệp để xuất khẩu; khuyến khích người dân áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại để có được năng xuất cao hơn.