Nguồn: congthuong.vn
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 6/2023 đạt 9,7 nghìn tấn, trị giá 17,1 triệu USD, giảm 21,1% về lượng và giảm 24,1% về trị giá so với tháng 6/2022. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 6/2023 đạt 1.771 USD/tấn, giảm 3,8% so với tháng 6/2022.
|
Xuất khẩu chè nửa đầu năm 2023, thị trường nào ghi nhận tăng trưởng dương?
|
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2023, xuất khẩu chè đạt 48,3 nghìn tấn, trị giá 81,5 triệu USD, giảm 15,7% về lượng và giảm 20,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.689,5 USD/tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, sau nửa đầu năm gặp nhiều khó khăn, dự báo, xuất khẩu chè trong nửa cuối năm 2023 sẽ vẫn phải đối diện với nhiều thách thức bởi sức cầu yếu.
Xuất khẩu chè tới các thị trường chính đều có xu hướng giảm và chưa có tín hiệu tích cực. Chè xuất khẩu tới thị trường lớn nhất là Pakistan trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 18,5 nghìn tấn, trị giá 34,9 triệu USD, giảm 7,4% về lượng và giảm 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Nhu cầu nhập khẩu chè của Pakistan vẫn tiếp tục xu hướng giảm do kinh tế nước này đối mặt với nhiều khó khăn, khi Pakistan hiện đang gánh khoản nợ nước ngoài lên tới 100 tỷ USD, trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) suy giảm sau trận lũ lớn trong năm 2022, cùng với việc khó vực dậy tình trạng xuất khẩu và cải thiện cán cân thanh toán. Cuộc khủng hoảng buộc chính phủ Pakistan phải thắt chặt nhập khẩu.
Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đạt 6,1 nghìn tấn, trị giá 9,9 triệu USD, giảm 44,6% về lượng và giảm 55,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Đài Loan có nhu cầu nhập khẩu lớn mặt hàng chè để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, bởi đây là thị trường đóng vai trò trung gian để xuất khẩu sang các thị trường Âu, Mỹ và Đông Á. Tuy nhiên, lạm phát toàn cầu, áp lực tăng lãi suất kéo dài và nhu cầu người tiêu dùng tiếp tục suy yếu khiến nhập khẩu chè của thị trường Đài Loan từ Việt Nam giảm mạnh.
Chủng loại chè của Việt Nam chủ yếu là chè xuất thô trong chế biến thực phẩm sử dụng các nguyên liệu trà như trà sữa, bột matcha, nên trị giá không cao. Do đó, để gia tăng trị giá xuất khẩu, cần nâng cao chất lượng chè, nếu sản phẩm đạt chất lượng tốt, cơ hội cho chè Việt Nam tại thị trường Đài Loan là rất lớn.
Chè xuất khẩu tới thị trường Nga đạt 3,6 nghìn tấn, trị giá 6,1 triệu USD, giảm 14,3% về lượng và giảm 19% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022; tới Trung Quốc đạt 2,1 nghìn tấn, trị giá 5,1 triệu USD, giảm 14,3% về lượng và giảm 5,6% về trị giá.
Đáng chú ý, xuất khẩu chè tới thị trường Iraq 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao cả về lượng và trị giá, đạt 3,2 nghìn tấn, trị giá 4,8 triệu USD, tăng 37,1% về lượng và tăng 19,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với Iraq, xuất khẩu chè sang thị trường Malaysia tăng trưởng 1,9% về lượng và 0,8% về giá trị so với cùng kỳ. Còn tại thị trường Ấn Độ, xuất khẩu chè sang thị trường này giảm 6,8% về lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, tại thị trường Ả rập Xê út, xuất khẩu chè sang thị trường này tăng 5,5% về lượng nhưng lại giảm 7,6% về giá trị.