Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu hạt điều vẫn đối diện rủi ro bị lừa đảo
10 | 08 | 2023
Trong đó 2 năm trở lại đây, doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều, hồ tiêu liên tục gặp sự cố lừa đảo. Dù có sự cảnh giác song với những trở ngại về thủ tục giao dịch khiến tình trạng xuất khẩu hạt điều của doanh nghiệp Việt Nam đang ở tình trạng trông chờ vào sự may rủi.

Nguồn: vov.vn

Doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro

Vụ lừa gạt xuất khẩu 100 container hạt điều sang Ý, trị giá 20 triệu USD vào đầu năm 2022 chưa kịp lắng xuống thì doanh nghiệp Việt Nam lại dính tiếp vụ lừa xuất khẩu 5 container hạt điều sang Algeria. 

Theo Hiệp hội điều Việt Nam, 5 container hạt điều được xuất khẩu thông qua một doanh nghiệp trung gian đặt tại Nam Phi và công ty này đã đặt cọc 10% giá trị tiền hàng. Tuy nhiên, khi hàng đến cảng Mostaganem (Algeria), khách hàng là Công ty Eurl ATS Food không thể làm thủ tục thông quan vì công ty này bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách các doanh nghiệp gian lận thương mại từ tháng 6/2022 (danh sách này không được phía Algeria công bố).

Chủ hàng là doanh nghiệp Việt Nam và hãng tàu đã làm thủ tục đổi người nhận hàng là Công ty Eurl Azur Oran (Algeria) theo đề nghị của trung gian tại Nam Phi, song hải quan Algeria không chấp nhận với lý do công ty này mất năng lực pháp lý để thực hiện các thủ tục nhập khẩu, đổi doanh nghiệp nhận hàng thay thế hay tái xuất hàng.

Ông Trần Khánh Toàn, một doanh nghiệp xuất khẩu điều tại TP.HCM cho biết, theo quy định, hàng hóa nằm tại cảng 4,5 tháng kể từ khi được dỡ khỏi tàu mà không có doanh nghiệp đủ điều kiện nhận hàng thì hải quan tiến hành bán đấu giá để sung công quỹ.

"May mắn là, khi nhận được thông tin từ phía hải quan Algeria, với sự hỗ trợ của Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS), Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã cung cấp hồ sơ chứng minh chủ hàng hợp pháp và đề nghị hủy đấu giá sung công quỹ, hoàn trả hàng cho doanh nghiệp Việt Nam" - ông Trần Khánh Toàn nói.

Theo ông Nguyễn Tuấn Kiệt, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu tại TP.HCM, doanh nghiệp xuất khẩu điều tại Việt Nam đều có thâm niên trên 20 năm, cho nên đều biết khi xuất khẩu phải thực hiện giao dịch qua LC (thư tín dụng thanh toán).

Đây là giao dịch đảm bảo sự an toàn, bởi người mua phải có trách nhiệm yêu cầu ngân hàng ký phát ra một thư tín dụng để cam kết thanh toán cho bên bán. Sau khi LC được phát hành, phía nhà nhập khẩu phải ký quỹ 100% trị giá hoặc một số tiền tương ứng tại một thời điểm cụ thể để đảm bảo nhà xuất khẩu được thanh toán đúng hợp đồng.

Song từ trước nay, các doanh nghiệp đều gặp khó vì phía đối tác thường giao dịch số lượng lớn và không muốn phối hợp giao dịch, ký quỹ với hình thức LC. Chính vì vậy dù chứng từ gốc đã được gửi đến ngân hàng, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn bị lừa như vụ mất trắng lô hàng hồ tiêu, quế, điều tại cảng Dubai tháng 7/2023. 

Ông Nguyễn Tuấn Kiệt chia sẻ: "Khi thực hiện LC thì chỉ số lượng rất nhỏ thì đối tác họ làm. Còn những đơn vị mua hạt điều chuyên nghiệp thì họ mua mỗi tháng hàng trăm container. Khi mở LC thì họ phải ký quỹ, phải “chôn” tiền ở ngân hàng. Thực tế làm gì có doanh nghiệp chịu “chôn” tiền một nơi, họ còn kinh doanh nhiều mặt hàng khác nữa. Nên trước nay việc thỏa thuận giữa 2 bên đều không có kết quả, chỉ thực hiện giao dịch trực tiếp thông thường".

Bị lừa đảo ngay tại ngân hàng

Dù biết có nhiều rủi ro, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải "nhắm mắt" thực hiện, để đạt được giao dịch xuất khẩu. Đây cũng là kẽ hở để phía đơn vị nhập khẩu có cơ hội lợi dụng. Những rủi ro liên tục xảy ra cho thấy, phía nhà nhập khẩu dễ dàng “bẻ kèo” doanh nghiệp Việt Nam bất cứ lúc nào.

Ngay cả khi bộ chứng từ gốc của lô hàng được gửi đến nhân viên an ninh ngân hàng bên mua thì doanh nghiệp Việt vẫn bị lừa đảo, nếu có dấu hiệu bắt tay hợp tác lừa đảo giữa ngân hàng và người mua. Chỉ cần người mua tiếp cận được bộ chứng từ gốc của lô hàng thì dễ dàng lấy lô hàng, cắt đứt liên lạc với chủ hàng mà không cần thanh toán.

Khi phía Việt Nam phản ánh, hầu như phía nước sở tại ít chịu hợp tác truy cứu trách nhiệm.

Ông Bạch Khánh Nhật, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp Hội Điều Việt Nam cho biết: "Ngay vụ bị lừa tại Dubai, chứng từ tới ngân hàng, sau khi kiểm tra thì chứng từ đã được giao tận tay nhân viên an ninh ngân hàng. Rồi người này không nộp vào bên trong, phía ngân hàng có thông tin lại là không nhận được bộ chứng từ. Trong khi đó phía chuyển fax nhanh DSL có bằng chứng đã giao cho nhân viên an ninh ngân hàng… Như vậy có thể khẳng định lừa đảo luôn có thể xảy ra ngay cả trong khuôn viên ngân hàng".

Theo VINACAS, số vụ lừa đảo xảy ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Việc dễ dàng bị lừa ngay cả hồ sơ đến ngân hàng phía người mua cho thấy cần phải tính toán, xem xét lại phương án giao dịch mỗi khi thực hiện hợp đồng.

Với tình hình hiện nay, VINACAS khuyến cáo doanh nghiệp cần chọn lọc đối tác để bán hàng. Đối với khách hàng mới, doanh nghiệp xuất khẩu nên trao đổi với VINACAS để phối hợp với thương vụ Việt Nam tại nước sở tại thẩm định năng lực, cũng như thông tin khách hàng để đảm bảo đó là giao dịch an toàn.



Báo cáo phân tích thị trường