Nguồn: laodong.vn
Dấu hiệu hồi phục
Những tháng đầu năm, xuất khẩu các nhóm hàng của ngành gỗ hầu như tháng nào cũng sụt giảm về lượng lẫn giá trị.
Số liệu của Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho thấy, giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 6,42 tỉ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,96 tỉ USD, giảm 29%; lâm sản ngoài gỗ đạt 455,7 triệu USD, giảm 26,2%.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi tình trạng thiếu đơn hàng khiến các nhà máy phải giảm công suất, giảm lao động thậm chí là làn sóng trả mặt bằng, nhà xưởng... Tuy nhiên, bước sang tháng 6, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã tăng trở lại, khi đạt 1,1 tỉ USD, cao hơn 3,7% so với tháng 5. Trong tháng 7.2023, các doanh nghiệp trong ngành đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới.
Giới chuyên gia nhận định, ngành gỗ nước ta vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển. Thực tế, xuất khẩu gỗ những tháng đầu năm vẫn có những nhóm hàng tăng trưởng đáng kể như mặt hàng ván sợi có kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ tăng 3 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 31,7 triệu USD; sản phẩm dăm gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD, tăng 3%.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai, tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu ngành gỗ trong nửa đầu năm chỉ là tạm thời và tin rằng, ngành nội thất Việt Nam vẫn còn dư địa để phát triển trong 5 đến 10 năm tới.
Xuất khẩu lâm sản cần được quan tâm nhiều hơn
Thực tế để đạt được phục hồi, Bộ NNPTNT đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt. Các hiệp hội, doanh nghiệp ngành gỗ cũng tích cực đẩy mạnh tìm kiếm đơn hàng mới, tận dụng thời cơ đưa xuất khẩu gỗ phục hồi trở lại.
Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương - cho biết, ngành gỗ tỉnh này đã vận dụng các cơ hội xúc tiến thương mại, giao thương bằng cách tổ chức các hội chợ trong nước, tham gia các hội chợ nước ngoài, đặc biệt là tận dụng những thị trường mà lâu nay ngành gỗ không xâm nhập như Trung Đông. Từ đó sẽ có những đơn hàng, tuy không lớn nhưng đủ để các doanh nghiệp chống chịu trong thời gian này.
Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho biết, đơn vị này đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thông qua việc tổ chức rất nhiều sự kiện, hội chợ để tạo ra môi trường, khả năng tiếp cận thị trường nhằm tăng năng lực bán hàng cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị đề nghị Cục Lâm nghiệp nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ về đổi mới công nghệ, thuế và tín dụng cho các làng nghề dừng sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các thị trường rủi ro.
Đồng thời kêu gọi các hiệp hội, doanh nghiệp ngành gỗ tiếp tục duy trì sự đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Doanh nghiệp nên nghiên cứu phối hợp xây dựng các cửa hàng tại các nước xuất khẩu.