Thiếu đơn hàng xuất khẩu
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vietfores), cho biết xuất khẩu gỗ trong sáu tháng đầu năm 2009 đạt 1,3 tỷ USD, giảm 30% so với năm 2008.
Mới đây, Vietfores đã tìm hiểu tình hình các doanh nghiệp gỗ tại Bình Định, Đồng Nai. Mẫu số chung mà đoàn công tác thu thập được là nhiều doanh nghiệp đang ở trong tình thế khó khăn, sản xuất thu hẹp vì thiếu đơn hàng. Hơn 70% doanh nghiệp gỗ đối diện với nguy cơ thua lỗ.
Theo ông Quyền, khó khăn tiếp theo mà các doanh nghiệp gỗ đang gặp phải là giá xuất khẩu gỗ các đối tác nhập khẩu đưa ra trong thời gian gần đây giảm 10%-15% so với trước trong khi giá nguyên liệu, vận tải, điện có chiều hướng tăng lên.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, cho biết khủng hoảng kinh tế khiến doanh nghiệp gỗ có quy mô nhỏ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngay cả công ty của ông Hạnh nửa năm nay cũng không ký được đơn hàng mà chỉ làm những đơn hàng gia công để duy trì hoạt động của nhà máy.
Thị trường nội địa không dễ xơi
Theo báo cáo của các doanh nghiệp phân phối sản phẩm gỗ trong nước thì sáu tháng qua, sức tiêu thụ gỗ của thị trường nội địa giảm sút so với trước. Lý do, khi khó khăn, việc đầu tiên người tiêu dùng làm là cắt giảm chi tiêu những mặt hàng không cấp thiết, trong đó có sản phẩm gỗ. Ngoài ra, một năm qua thị trường bất động sản đóng băng kéo theo sự giảm sút của các đồ trang trí gỗ nội thất.
Ông Quyền đã chỉ ra khó khăn, thị hiếu tiêu dùng của người dân vẫn chưa thay đổi, tư duy “ăn chắc mặc bền”, thích sử dụng sản phẩm gỗ từ rừng tự nhiên mà không chuộng sản phẩm làm từ gỗ rừng trồng hay gỗ nhân tạo.
Ông Võ Trường Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến gỗ Trường Thành, cho biết chỉ đạo của Bộ Công thương là khi các thị trường xuất khẩu gặp khó khăn thì doanh nghiệp nên quay về thị trường nội địa. Điều này nghe đơn giản nhưng không “dễ xơi” tí nào. Lý do, muốn quay về thị trường nội địa thì doanh nghiệp phải thay đổi kế hoạch sản xuất, kinh doanh từ tiếp thị, thiết kế, kênh phân phối... Để làm được điều này doanh nghiệp phải mất 3-4 năm, trong khi đó khó khăn thì ngày nào cũng chầu chực.
Thị trường Mỹ có dấu hiệu hồi phục
Ông Quyền cho biết tới đây, ngoài việc giữ vững thị trường truyền thống như Nhật, châu Âu, Mỹ thì doanh nghiệp gỗ trong nước sẽ đặc biệt chú ý đến thị trường Nga và Trung Đông.
Bắt đầu từ tháng 3-2009 đến nay, doanh nghiệp gỗ bắt đầu tìm kiếm thị trường mới, trong đó Nga được coi là thị trường khá tiềm năng. Tuy nhiên, cái khó ở thị trường này là việc chuyển đổi từ đồng rúp sang đồng USD, euro. Vì vậy doanh nghiệp đang kiến nghị nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp vấn đề này để xâm nhập thị trường Nga tốt hơn.
Gần đây, Công ty Trường Thành đã bắt đầu tiếp cận với thị trường Trung Đông và Nga. Tuy nhiên, theo con số thống kê trong quý I-2009 thì số lượng hàng mà doanh nghiệp Việt Nam bán vào hai thị trường này rất ít. Vì vậy, để sản phẩm gỗ vào được hai thị trường này thì nhà nước, doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình một chiến lược dài hạn, thậm chí kéo dài 3-4 năm.
Theo ông Thành, điều đáng mừng là thị trường Mỹ có dấu hiệu hồi phục khi số lượng hàng xuất khẩu tăng 12% trong hai tháng 4 và 5. Một số nhà nhập khẩu Mỹ trước đây lấy hàng của Trung Quốc thì nay chuyển sang lấy hàng của doanh nghiệp Việt Nam. Với đà này, nhiều doanh nghiệp gỗ hy vọng thị trường Mỹ sẽ hồi phục sớm hơn thị trường châu Âu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp gỗ cũng đang tập trung vào hai thị trường, dù khó nhưng được xem là tương đối có triển vọng. Thứ nhất là sản xuất bàn ghế, dụng cụ học tập cho các trường học ở vùng sâu vùng xa. Thứ hai là tập trung vào thị trường nông thôn vùng ven đô, có tốc độ đô thị hóa cao và sử dụng nhiều sản phẩm gỗ.