Nguồn: markettimes.vn
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón các loại của Việt Nam trong tháng 8/2023 đạt 158.088 tấn với kim ngạch hơn 58,8 triệu USD, tăng 12,1% về lượng và tăng 7,7% về kim ngạch so với tháng 7/2023. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn phân bón các loại và thu về hơn 449,9 triệu USD, giảm 10,3% về lượng và giảm 43,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số các thị trường xuất khẩu phân bón của Việt Nam, Campuchia là thị trường lớn nhất, đồng thời cũng đang ghi nhận sản lượng xuất khẩu tăng vọt trong 8 tháng đầu năm 2023. Cụ thể trong tháng 8/2023, xuất khẩu phân bón các loại vào thị trường này đạt 60.723 tấn với kim ngạch hơn 25,1 triệu USD, tăng 22% về lượng và tăng 27% về trị giá so với tháng trước. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, nước ta thu về hơn 167,7 triệu USD từ xuất khẩu phân bón các loại sang Campuchia với 401.941 tấn, tăng 20% về lượng nhưng giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý giá xuất khẩu mặt hàng này đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Trong 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu phân bón các loại bình quân sang Campuchia đạt 417 USD/tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 8 tháng đầu năm, Campuchia chiếm tỷ trọng hơn 36% về sản lượng trong cơ cấu xuất khẩu phân bón các loại của Việt Nam.
Sau một thời gian lập đỉnh trong đầu năm 2022 và giảm sâu từ cuối năm 2022 đến nay thì gần đây, phân bón bắt đầu gây sốt trở lại. Nguyên nhân là bởi Trung Quốc mới đây đã thông báo hạn chế xuất khẩu phân bón ure sau khi giá trong nước tăng vọt. Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ ure hàng đầu thế giới, vì vậy bất kỳ sự sụt giảm đáng kể nào trong xuất khẩu đều có nguy cơ thắt chặt nguồn cung và đẩy giá toàn cầu tăng cao. Trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất chất dinh dưỡng cây trồng của quốc gia này là Ấn Độ, Hàn Quốc, Myanmar và Australia.
Các hạn chế này tạo thêm một yếu tố bất ổn khác cho thị trường nông nghiệp toàn cầu, vốn bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt trên khắp các khu vực đang phát triển, hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ và xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ngay lập tức, Nga cũng đã dừng xuất khẩu mặt hàng này với giá ưu đãi đến các vị "khách ruột" của mình. Trước đó, Nga đã chiết khẩu giá phân bón lên đến 80 USD/tấn cho Ấn Độ khiến nhập khẩu phân bón của Ấn Độ từ Nga đã tăng 246% lên mức kỷ lục 4,35 triệu tấn trong năm tài chính 2022/23 kết thúc vào ngày 31 tháng 3.
Theo dự báo của các công ty nghiên cứu thị trường, giá phân ure trong nước sẽ tăng nhẹ trở lại trong những tháng cuối năm nay do cả nước sẽ bước vào cao điểm mùa vụ, nhất là khu vực miền Bắc bước vào vụ Đông – Xuân – thời điểm tiêu thụ phân bón lớn nhất của năm.
Bên cạnh đó, việc giá gạo xuất khẩu tăng cao sẽ kéo theo việc người nông dân tích cực mở rộng canh tác lúa gạo, kèm theo đó nhu cầu nhập khẩu phân bón cũng sẽ tăng cao kèm theo giá tăng nhẹ. Tuy nhiên mức tăng sẽ không thể tạo ra “cơn sốt” giống như giai đoạn năm 2021 – 2022.