Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành phân bón xin được chịu thuế giá trị gia tăng
17 | 01 | 2024
Hiện nay, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), vì vậy các doanh nghiệp không được kê khai khấu trừ thuế VAT đầu vào của hàng hóa dịch vụ mà phải tính vào chi phí sản xuất sản phẩm khiến giá thành tăng lên.

Nguồn: thitruongtaichinhtiente.vn

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Sản xuất nông nghiệp cần khoảng 11 triệu tấn phân bón mỗi năm, chi phí cho phân bón chiếm gần 1/2 chi phí sản xuất của người nông dân, do suốt nhiều năm qua giá phân bón trong nước luôn xu hướng tăng cao. Cách đây 7 năm, phân NPK có giá khoảng 500.000 đồng/bao (50kg) thì hiện nay có giá 1 triệu đồng/bao. Điều này khiến chi phí sản xuất của bà con tăng cao do phải thêm một khoản chi phí lớn để mua phân bón.

Với mong muốn giúp nông dân có thể tiếp cận được nguồn phân bón giá rẻ, chất lượng, ngày 26/11/2014, Quốc hội đã ban hành Luật số 71/2014/QH13 (Luật 71) nhằm sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) số 13/2008/QH12; trong đó, quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không thuộc diện chịu thuế VAT từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra.

Sau gần 10 năm Luật 71 có hiệu lực, do được miễn thuế VAT chứ không phải giảm xuống 0% nên doanh nghiệp phân bón trong nước vẫn phải đóng thuế VAT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ đầu vào (nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, sửa chữa máy móc, thiết bị…), kể cả thuế VAT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Từ đó, đẩy giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên đáng kể và tạo điều kiện cho phân bón nhập khẩu tràn vào, khó kiểm soát chất lượng. Kết quả này đã đi ngược với mong muốn giúp nông dân có thể tiếp cận được nguồn phân bón giá rẻ, chất lượng tốt.

Hưởng lợi nếu chịu thuế VAT

Theo Bộ Tài chính, hiện nay phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT, vì vậy các doanh nghiệp không được kê khai khấu trừ thuế VAT đầu vào của hàng hóa dịch vụ mà phải tính vào chi phí sản xuất sản phẩm, khiến giá thành tăng lên, lợi nhuận giảm xuống gây bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu và doanh nghiệp không chủ động nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất.

Từ năm 2015 đến nay, số thuế VAT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón theo Luật 71 đã lên tới gần 10.000 tỷ đồng; trong đó, số liệu từ Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho thấy, chỉ riêng khoản thuế VAT đầu vào từ năm 2016-2020 của doanh nghiệp này là 1.857 tỷ đồng, và phải hạch toán vào chi phí, dẫn đến khoản lợi nhuận trước thuế hàng năm giảm tương ứng.

Do không được khấu trừ thuế VAT đầu vào buộc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao phải tính vào giá bán khiến giá thành sản phẩm tăng lên từ 6%-7%, đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người nông dân, còn công ty bị thiệt hại trung bình khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Theo ước tính của Bộ Công Thương, từ khi Luật 71 có hiệu lực giá thành phân đạm tăng từ 7,2 đến 7,6%; phân DAP tăng từ 7,3 đến 7,8%; phân supe lân tăng từ 6,5 đến 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 đến 6,1%.

Do vậy, các doanh nghiệp phân bón cùng Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ Công Thương đã kiến nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất là 5%, lãnh đạo chính phủ cũng có nhiều văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế VAT để tháo gỡ khó khăn cho dự án sản xuất phân bón.

Đề xuất này được dự báo sẽ có tác động tích cực đến ngành sản xuất phân bón trong nước, giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 2.500 tỷ đồng chi phí mỗi năm, tạo sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu, mang lại nguồn thu ngân sách cũng như lợi ích cho người nông dân.

Đề xuất phân bón nhập khẩu cũng phải tính thuế VAT 5%

Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị, sửa đổi Luật 71 (phần liên quan đến phân bón) theo hướng chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế VAT sang mặt hàng chịu thuế VAT mức 5%. Ngoài ra, các sản phẩm phân bón nhập khẩu cũng phải tính thuế VAT 5%, từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngân sách nhà nước cũng có lợi nhờ thu được thuế VAT 5% của các sản phẩm nhập khẩu.

“Đưa mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, đối với công ty chúng tôi sẽ giảm được chi phí khoảng 150 đến 200 tỷ đồng mỗi năm và như vậy sẽ góp phần giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm”, ông Phạm Văn Trung, đại diện Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc nói.

Khi Luật 71 có hiệu lực, mặc dù các nhà máy sản xuất phân bón trong nước có thể đáp ứng đủ nhu cầu phân urê, phân lân, phân NPK và hướng tới xuất khẩu một số sản phẩm, nhưng từ năm 2015-2022, Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn phân bón/năm, chủ yếu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nga, Trung Đông với tổng trị giá khoảng 1,3 tỷ USD/năm.

Số liệu Tổng cục Hải quan cũng cho thấy năm 2023, Việt Nam nhập khẩu trên 4,115 triệu tấn, trị giá trên 1,41 tỷ USD; trong đó Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 48,7% trong tổng lượng phân bón nhập khẩu và chiếm 45,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.

Như vậy là sau gần 9 năm Luật 71 có hiệu lực và bộc lộ nhiều hạn chế, tới đây, việc sửa đổi Luật 71 theo hướng đưa phân bón vào chịu thuế VAT dự kiến sẽ được thông qua vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.



Báo cáo phân tích thị trường