Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chi phí thức ăn chăn nuôi - Nút thắt lớn của ngành chăn nuôi
24 | 01 | 2024
Chi phí thức ăn chăn nuôi (TĂCN) hiện vẫn là nút thắt lớn, đang chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành chăn nuôi ở Việt Nam.

Nguồn: stockbiz.vn

Tính đến thời điểm giữa tháng 1/2024, giá lợn hơi vào khoảng 49.000 - 51.000 đồng/kg. Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn vào thời điểm cận Tết dự kiến cũng chỉ tăng khoảng 5 - 10%, thấp hơn so với mức khoảng 15% của các năm. 

 

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Thủy sản

Dự đoán giá lợn hơi khó đạt mức 60.000 đồng/kg trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 khi thị trường tiêu thụ vẫn trầm lắng do tình hình thu nhập của nhiều người dân vẫn chưa cải thiện.

Trong khi đầu ra vào mùa tiêu thụ Tết Nguyên đán đang gặp không ít thách thức, giá cả phập phù thì giá thành chăn nuôi ở mức cao vẫn tiếp tục là mối lo của nông hộ và các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi.

Trong đó, chi phí thức ăn chăn nuôi (TĂCN) hiện vẫn là nút thắt lớn, đang chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành chăn nuôi ở Việt Nam. Như với chăn nuôi lợn, thức ăn hiện chiếm khoảng 60% chi phí. Giá TĂCN năm 2023 tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao đã khiến nhiều nông hộ băn khoăn và từ bỏ tái đàn.

Với lĩnh vực thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, chi phí thức ăn trong lĩnh vực tôm chỉ chiếm 30-40% chi phí nuôi. Nhưng do giá thức ăn tôm cao, hơn 30.000đ/kg nên khi tăng 3.000 - 5.000đ/kg thì xem như tăng 10-15%.

Còn với cá tra, chi phí thức ăn chiếm từ 70-80% chi phí sản xuất nguyên liệu, bình quân mỗi năm tăng từ 10-15% và hiện nay tăng 30-40% so với thời điểm trước COVID-19. Bên cạnh nhiều vấn đề, thì giá nhập khẩu bã đậu tương sản xuất TĂCN tăng được cho là một cấu thành khiến chi phí thức ăn tăng.

Theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect, để kéo giảm giá TĂCN đòi hỏi giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu là nhập khẩu) phải giảm. 

Gần đây, theo dự phóng của Ngân hàng Thế giới (WB), giá nông sản toàn cầu (nguyên liệu chính làm TĂCN) sẽ giảm 6,5% trong năm 2024. Trong đó, nguồn cung ngô toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi đáng kể trong năm 2024 do điều kiện thời tiết thuận lợi hơn ở Argentina, Brazil và Mỹ, trong khi nguồn cung lúa mì sẽ ổn định ở mức ngang với năm 2023.

Mặc dù vậy, do nguyên liệu TĂCN phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nên giá cả sẽ khó tránh có những diễn biến khó lường, đòi hỏi các nông hộ và DN chăn nuôi cần theo dõi sát sao.

Trong việc kiểm soát giá thành TĂCN hiện nay, các DN sản xuất TĂCN vẫn còn loay hoay tìm lời giải cho bài toán nguyên liệu đầu vào. Chính vì vậy, trong kết quả khảo sát gần đây của Vietnam Report, có 66,7% DN sản xuất TĂCN được hỏi đã đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa trong việc tổ chức và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN. Bên cạnh đó, có 57,1% DN được hỏi đã đề xuất tiếp tục giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất để đảm bảo kiểm soát được chi phí sản xuất TĂCN hiện nay.



Báo cáo phân tích thị trường