Nguồn: markettimes.vn
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024 Việt Nam nhập khẩu 212.228 tấn đậu tương, tương đương 122,08 triệu USD, tăng 4,4% về lượng, tăng 0,9% về kim ngạch so với tháng 12/2023; còn so với tháng 1/2023 thì tăng mạnh 208,9% về khối lượng, tăng 164,5% về kim ngạch.
Giá xuất khẩu trung bình đạt 575,3 USD/tấn, giảm 3,4% so với tháng 12/2023, giảm mạnh 14,4% so với tháng 1/2023.
Mỹ tiếp tục đứng đầu về thị trường cung cấp đậu tương cho Việt Nam, chiếm gần 61% trong tổng lượng và tổng kim ngạch đậu tương nhập khẩu của cả nước, đạt 129.210 tấn, tương đương trên 73,53 triệu USD, tăng 29,3% về lượng, tăng 25% về kim ngạch so với tháng 12/2023; so với tháng 1/2023 tăng mạnh 128,4% về lượng, tăng 96% về kim ngạch. Giá xuất khẩu trung bình tháng 1/2024 đạt 569 USD/tấn, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp sau đó là thị trường Brazil chiếm trên 32% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 68.865 tấn, tương đương gần 39,49 triệu USD, giảm 25,4% về lượng và giảm 28,6% về kim ngạch so với tháng 12/2023; trong tháng 1/2023 Việt Nam không nhập khẩu đậu tương từ thị trường này.
Thị trường Canada đứng thứ 3 đạt 11.609 tấn, tương đương 7,3 triệu USD, giá 629 USD/tấn, tăng 27,9% về lượng, tăng 28% về kim ngạch so với tháng 12/2023; tăng 12,7% về lượng, nhưng giảm 1,4% kim ngạch so với tháng 1/2023, chiếm 5,5% trong tổng lượng và chiếm 6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước.
Đáng chú ý, nhập khẩu từ thị trường Campuchia trong tháng 1/2024 đạt 742 tấn, tương đương 543.710 USD, giá trung bình 732,8 USD/tấn, so với tháng 1/2023 tăng mạnh 1.384% về lượng, tăng 1.259% về kim ngạch nhưng giảm 8,4% về giá.
Trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta tiêu thụ trung bình gần 2 triệu tấn đậu tương. Năm 2022, Việt Nam mua khoảng 5,3 triệu tấn từ thị trường quốc tế và đứng thứ 3 trên bản đồ nhập khẩu thế giới.
Khoảng 70% trong số này được sử dụng cho hoạt động ép dầu để sản xuất khô đậu tương - thành phần chính trong hỗn hợp thức ăn chăn nuôi. Phần lớn nhu cầu tiêu thụ đậu tương tại nước ta vẫn được đáp ứng bởi nguồn hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, sản lượng nhập khẩu lớn những tháng gần đây đang đẩy giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi lên cao, khiến người chăn nuôi không có lãi.
Tình hình thời tiết không ổn định tại các khu vực sản xuất đậu tương quan trọng như Hoa Kỳ, Brazil và Argentina đang gây ra lo ngại đối với nguồn cung đậu tương trên thị trường toàn cầu. Các yếu tố như hạn hán, lũ lụt và cơn bão đã gây ra những tác động tiêu cực đối với quá trình trồng trọt và thu hoạch. Ở một số khu vực, mưa lớn kéo dài đã làm ngập úng ruộng đậu tương, gây thiệt hại nặng nề cho cây trồng và gây trì trệ trong việc thu hoạch.
Trong khi đó, ở những khu vực khác, hạn hán kéo dài đã làm giảm nguồn nước cần thiết cho cây trồng, ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng của đậu tương. Điều này dẫn đến sự không chắc chắn về lượng sản lượng đậu tương sẽ được thu hoạch trong năm nay, và dự báo về nguồn cung đậu tương trên thị trường quốc tế trở nên khó khăn.
Sự biến động không ổn định của thời tiết tại các khu vực này đang tạo ra áp lực lớn đối với các nhà sản xuất và nhà xuất khẩu đậu tương, cũng như đưa ra những thách thức mới trong việc quản lý rủi ro và ổn định giá cả trên thị trường toàn cầu.