Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính
02 | 04 | 2024
Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Nguồn: nongnghiep.vn

TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI). Ảnh: Thanh Sơn.

TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI). Ảnh: nongnghiep.vn

Thị trường ngành mía đường còn mênh mông

Cách đây chưa lâu, cây mía ở nước ta đã suy giảm nặng nề về diện tích, khiến sản lượng đường giảm mạnh. Nhưng mấy niên vụ gần đây, sản xuất mía đã có sự hồi phục nhất định nhờ giá đường, giá mía tăng và các biện pháp phòng vệ thương mại. Ông đánh giá thế nào về triển vọng của cây mía ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với những cây trồng khác?

Nếu tính hiệu quả kinh tế trực tiếp thì hiệu quả từ cây mía là không cao. Tuy nhiên so với nhiều cây trồng chủ lực khác thì mía đường vẫn có những lợi thế nhất định. Về thị trường, ít có cây trồng chủ lực nào đang có một thị trường nội địa rộng mở như cây mía.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ đường ở nước ta vào khoảng 2 triệu tấn/năm. Trong khi đó, sản lượng đường niên vụ 2021 - 2022 là hơn 900 nghìn tấn. Niên vụ 2023 - 2024, ngành mía đường đặt ra mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn đường. Như vậy, sản lượng đường trong nước hiện chỉ đáp ứng được một nửa so với nhu cầu. Vì vậy, chưa cần phải tính đến chuyện xuất khẩu, chỉ riêng thị trường nội địa hiện đã giúp cho ngành mía đường không phải lo lắng về đầu ra.

Ngành mía đường có một lợi thế lớn là mức độ cơ giới hóa khá cao nếu so với nhiều cây công nghiệp khác. Cơ giới hóa đã có ở gần như mọi công đoạn canh tác. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa đang giúp cho ngành mía đường giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận và nhất là giảm áp lực về công lao động khi lao động nông nghiệp ngày càng khan hiếm và giá nhân công ngày càng tăng cao.

Theo TS Cao Anh Đương, cây mía vẫn đang có khả năng cạnh tranh tốt so với một số cây trồng chủ lực. Ảnh: TS.

Theo TS Cao Anh Đương, cây mía vẫn đang có khả năng cạnh tranh tốt so với một số cây trồng chủ lực. Ảnh: nongnghiep.vn

Mức độ liên kết, hình thành chuỗi giá trị cung ứng trong ngành mía đường cũng cao hơn nhiều so với nhiều cây công nghiệp khác, bởi đặc thù của ngành mía đường là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa người trồng mía và nhà máy đường. Nông dân trồng mía nếu không bán mía cho các nhà máy đường thì sẽ không thể bán đi đâu khác, còn các nhà máy đường nếu không mua mía của nông dân thì sẽ không có nguyên liệu sản xuất. Vì vậy, người trồng mía gần như không phải lo về đầu ra khi ngay từ đầu vụ, các nhà máy đã đầu tư ứng trước cho nông dân và có hợp đồng thu mua mía.

Trên bình diện chung của cả nước, sức cạnh tranh của cây mía hiện không cao so với nhiều cây trồng chủ lực khác. Nhưng ở nhiều nơi, cây mía vẫn đang có khả năng cạnh tranh tốt. Như ở Đông Gia Lai, cây mía đang gần như đánh bại các cây khác vì có hiệu quả kinh tế tốt hơn. Hay tại Sơn La, cây mía chỉ phải cạnh tranh với cây ngô, mà ngô sản xuất trong nước lại đang lép vế trước ngô nhập khẩu.

Người trồng mía chưa được chia sẻ lợi ích xứng đáng

Không phải lo về đầu ra, được nhà máy đầu tư ứng trước và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhưng tại sao ở nhiều vùng mía đường, nông dân không còn mặn mà với cây mía, kể cả khi giá mía đang tăng trở lại trong mấy niên vụ gần đây, thưa ông?

Trong báo cáo “Chuỗi cung ngành mía đường Việt Nam” được hoàn thiện vào đầu năm 2022, nhóm tác giả đến từ Tổ chức Forest Trends và SRI đã đánh giá, việc chia sẻ lợi ích giữa các khâu trong chuỗi cung hiện đang mất cân đối nghiêm trọng khi người trồng mía có vai trò lớn nhất nhưng lợi ích nhận được lại ít nhất.

TS Cao Anh Đương cho rằng trong mối liên kết sản xuất mía, doanh nghiệp luôn đang ở thế tay trên. Ảnh: TS.

TS Cao Anh Đương cho rằng trong mối liên kết sản xuất mía, doanh nghiệp luôn đang ở thế tay trên. Ảnh: nongnghiep.vn

Người trồng mía, chủ yếu là các nông hộ đang đóng vai trò chủ đạo ở đầu chuỗi cung ngành mía đường. Họ đang cung ứng phần lớn lượng mía nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Tuy nhiên, vai trò, vị thế và đặc biệt là lợi ích của hộ trồng mía thu được từ việc tham gia chuỗi cung ứng là nhỏ nhất so với các nhóm khác tham gia trong chuỗi.

Hộ trồng mía tham gia liên kết, cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường. Tuy nhiên, trong liên kết này, các nhà máy luôn ở thế tay trên, là người đưa ra quyết định về chất lượng và giá mía nguyên liệu. Người trồng mía hầu như không có tiếng nói trong việc hình thành các quyết định này.

Ngành mía đường đã cơ giới hóa ở nhiều khâu sản xuất. Ảnh: Thanh Sơn.

Ngành mía đường đã cơ giới hóa ở nhiều khâu sản xuất. Ảnh: nongnghiep.vn

Cần gỡ 2 nút thắt của ngành mía đường

Ngành mía đường cần phải giải quyết những vấn đề gì để nông dân yên tâm gắn bó lâu dài với cây mía và cả ngành hàng phát triển bền vững, thưa ông?

Để ngành mía đường phát triển ổn định, bền vững, trước hết phải tháo gỡ ngay 2 điểm nghẽn chính là phân chia lợi ích và minh bạch chữ đường.

Để phân chia lợi ích một cách công bằng thì nông dân phải có tiếng nói trong việc hình thành giá thu mua mía thông qua việc hiệp thương giá giữa nông dân và nhà máy. Hiện nay, hành lang pháp lý của nhà nước đã có và quy định khá rõ ràng về hiệp thương giá trong Luật Giá 2012: Mía nguyên liệu hội đủ điều kiện để phải hiệp thương giá trước mỗi vụ thu hoạch giữa nông dân và nhà máy đường.

Trong trường hợp hiệp thương giá không thành công, Thông tư số 56/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính đã quy định “Trường hợp đã tổ chức hiệp thương giá nhưng các bên chưa thống nhất được mức giá thì cơ quan tổ chức hiệp thương giá (Cục Quản lý giá/Sở Tài chính) quyết định giá tạm thời để hai bên thực hiện”.

Quy định đã có và rõ ràng như vậy, nhưng không hiểu sao việc hiệp thương giá mía giữa nông dân và nhà máy đường trước mỗi vụ ép đều không được thực hiện hoặc thực hiện không thành công, nên giá mua mía chủ yếu vẫn do các nhà máy đường tự quyết định, trái với Luật giá. Tình trạng này đã kéo dài gần 10 năm mà không ai, tổ chức nào bị xử phạt.

Chia sẻ lợi ích hài hòa trong chuỗi liên kết sản xuất sẽ giúp nông dân gắn bó hơn với cây mía. Ảnh: TS.

Chia sẻ lợi ích hài hòa trong chuỗi liên kết sản xuất sẽ giúp nông dân gắn bó hơn với cây mía. Ảnh: nongnghiep.vn

Vì vậy, vấn đề giá mía cần sớm được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương lưu tâm xem xét, giải quyết dứt điểm. Có đảm bảo được sự công bằng trong chia sẻ lợi ích thì các bên tham gia trong chuỗi cung ứng mía đường mới có thể tiếp tục đồng hành, hợp tác, phát triển lâu dài được.

Bên cạnh đó, nhà nước cần quy định việc phân tích chữ đường phải do một đơn vị độc lập thực hiện, tránh để cho các nhà máy tự thực hiện. Hiện nay, nhiều trung tâm phân tích, thí nghiệm đã có đủ năng lực phân tích chữ đường, chỉ cần đầu tư một số máy móc, thiết bị là có thể thực hiện dịch vụ phân tích chữ đường.

Trong khi chưa có quy định của nhà nước, các nhà máy có thể thực hiện các giải pháp minh bạch nhất có thể về chữ đường để tạo niềm tin cho nông dân. Ví dụ tiêu biểu là Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU) đã áp dụng công nghệ cận hồng ngoại (NIR) để phân tích chữ đường tự động chính xác và minh bạch nhất hiện nay.

Dữ liệu về kết quả phân tích chữ đường của từng xe mía, cùng với số lệnh thu hoạch đã cấp, trọng lượng và tỷ lệ trừ tạp chất sẽ được phần mềm ứng dụng My NASU tự động kết nối, truyền đến điện thoại di động của nông dân trồng mía để nông dân biết được ngay số tiền mía được nhận. Nhờ vậy, NASU đã tạo được sự tin tưởng của nông dân và diện tích vùng mía nguyên liệu của công ty vẫn tăng lên trong thời gian diện tích mía cả nước giảm mạnh.

Nông dân phải có tiếng nói trong việc hình thành giá thu mua mía thông qua việc hiệp thương giá giữa nông dân và nhà máy. Ảnh: TS.

Nông dân phải có tiếng nói trong việc hình thành giá thu mua mía thông qua việc hiệp thương giá giữa nông dân và nhà máy. Ảnh: nongnghiep.vn

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các giải pháp gia tăng khả năng cạnh tranh của ngành mía đường, tăng sức cạnh tranh của cây mía trước các cây trồng khác. Trong đó, cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH-CN) về mía đường. Năm 2024, Viện Nghiên cứu Mía đường (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) - cơ quan nghiên cứu KH-CN chuyên ngành mía đường duy nhất ở Việt Nam chỉ được giao thực hiện 2 nhiệm vụ KH-CN với tổng kinh phí chỉ 670 triệu đồng. Đây là con số rất thấp, bình quân mới chỉ đạt chưa tới 26 triệu đồng/cán bộ khoa học/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức tối thiểu cần đạt là 100 triệu đồng/cán bộ khoa học/năm mà lãnh đạo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã đề ra.

Xin cảm ơn ông!

Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho KH-CN ngày càng khó khăn và có xu hướng cắt giảm như hiện nay, Chính phủ có thể xem xét, ban hành một quy định trích nộp một phần lợi nhuận trên đầu tấn mía hoặc đường sản xuất ra để đầu tư trở lại cho công tác nghiên cứu KH-CN, tương tự như cách mà nhiều quốc gia sản xuất mía đường trên thế giới đang áp dụng. Có như vậy, công tác nghiên cứu KH-CN về mía đường ở Việt Nam mới được cung cấp đủ nguồn kinh phí, hoạt động hiệu quả, tạo ra các sản phẩm giống mía và tiến bộ kỹ thuật mới, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của ngành mía đường Việt Nam.



Báo cáo phân tích thị trường