Nguồn: Vietnamnet.vn
Báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho thấy, diện tích và sản lượng sầu riêng của nước ta tăng mạnh qua các năm. Cụ thể, năm 2015, diện tích cây ăn quả này chỉ dừng ở con số 31.900ha, sản lượng 366.300 tấn; đến năm 2023 diện tích sầu riêng vọt lên 150.800ha, sản lượng gần 1,2 triệu tấn.
Hiện, sầu riêng quả tươi của Việt Nam được xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ; sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang 23 thị trường. Kim ngạch xuất khẩu từ gần 178 triệu USD năm 2021 tăng lên 2,24 tỷ USD năm 2023.
Với kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục lịch sử, sầu riêng vượt qua thanh long để trở thành loại trái cây ăn quả đắt giá nhất của Việt Nam.
Đại diện Cục Trồng trọt nhận định, sầu riêng có nhiều cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu khi sản lượng năm nay dự kiến lên tới 1,5 triệu tấn, tăng 25% so với năm ngoái.
Ngoài ra, so với các quốc gia sản xuất sầu riêng khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia,... Việt Nam có lợi thế là được thu hoạch quanh năm. Cùng với đó, dư địa cho sản phẩm chế biến còn nhiều, chi phí sản xuất không quá cao.
Với thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam có lợi thế lớn bởi thời gian vận chuyển nhanh hơn nên giá thành cạnh tranh hơn so với một số nước khác. Chưa kể, chúng ta còn chuẩn bị ký nghị định thư xuất khẩu sản phẩm sầu riêng đông lạnh vào thị trường này.
Song, đại diện Cục Trồng trọt cũng chỉ rõ những hạn chế của ngành hàng tỷ USD này. Đơn cử, ngành sầu riêng chưa có quy trình chuẩn cho toàn bộ chuỗi sản xuât từ giống tới sau thu hoạch; liên kết sản xuất chưa bền vững, chưa hình thành được vùng nguyên liệu gắn với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Trong quá trình thu hoạch và sau thu hoạch còn thiếu các tiêu chuẩn về xác định độ chín ảnh hưởng tới chất lượng sầu riêng. Đặc biệt, chúng ta vẫn còn tình trạng mua sầu riêng non, tranh mua tranh bán, hủy cọc, bẻ kèo... ảnh hưởng đến tính bền vững của thị trường.
Tại Hội nghị sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững ngày 10/5, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết, cả nước hiện có 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tươi được cấp.
Điều này đồng nghĩa vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc được mở rộng, vì mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là điều kiện bắt buộc để được xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc.
Song, trong bối cảnh sầu riêng của Việt Nam có giá trị xuất khẩu ngày càng tăng, yêu cầu đặt ra là phải duy trì phát triển ngành hàng bền vững và nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng này trên thị trường quốc tế, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc đảm bảo đủ sản lượng cung ứng, vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm cũng là yếu tố then chốt.
Cục Bảo vệ thực vật đưa ra nhiều cảnh báo và yêu cầu thực hiện ngay biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, vẫn nhiều địa phương vi phạm nghị định thư, đặc biệt ở các tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn vi phạm nhiều lần.
Do đó, phải làm quyết liệt hơn trong vấn đề kiểm dịch thực vật và vấn đề chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm ở trái sầu riêng. Bởi, việc này không chỉ ảnh hưởng đến lô hàng bị cảnh báo mà còn có nguy cơ khiến ngành hàng sầu riêng của Việt Nam bị nước nhập khẩu xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, hơn thậm chí là tạm dừng nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Khi đó không chỉ việc sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh.