Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố cho thấy kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 7/2024 ước đạt 5,11 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 2,45 tỷ USD; nhóm lâm sản đạt 1,46 tỷ USD; nhóm thủy sản đạt 880 triệu USD; nhóm chăn nuôi đạt 48 triệu USD…
NGÀNH HỒ TIÊU ĐANG TRỞ LẠI VỚI "CÂU LẠC BỘ TỶ USD"
Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đóng góp vào kết quả chung, nông sản đạt 18,21 tỷ USD, tăng 23,4%; lâm sản đạt 9,41 tỷ USD, tăng 21,1%; thủy sản đạt 5,29 tỷ USD, tăng 7,3%; chăn nuôi đạt 288 triệu USD, tăng 4,8%. Riêng đầu vào sản xuất đạt 1,07 tỷ USD, giảm 4,2%.
Trong 7 tháng qua, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao so với cùng kỳ, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ 8,78 tỷ USD, tăng 21,9%; cà phê 3,54 tỷ USD, tăng 30,9% với lượng 964 nghìn tấn; gạo 3,27 tỷ USD, tăng 25,1% với lượng 5,18 triệu tấn; hạt điều 2,37 tỷ USD, tăng 22,1% với lượng 424 nghìn tấn; rau quả 3,83 tỷ USD, tăng 24,3%; tôm 2 tỷ USD, tăng 7,5%; cá tra 1,02 tỷ USD, tăng 7,1%.
Đáng chú ý, với ngành hồ tiêu, sau nhiều năm rời khỏi nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên cũng đang dần quay trở lại. Cụ thể, trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu hạt tiêu các loại đạt khoảng 162 nghìn tấn, đem về 746 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng hạt tiêu xuất khẩu giảm 7%, tuy nhiên nhờ giá xuất khẩu tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu lại tăng hơn 30%. Giá tiêu xuất khẩu đạt bình quân 4.604 USD/tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), trong niên vụ 2023 -2024, giá hạt tiêu giao dịch trên thị trường nội địa lúc cao nhất là 180 nghìn đồng/kg. Thậm chí có nơi giá từng lên mức 200.000 - 210.000 đồng/kg, vượt qua cả mốc cao kỷ lục của năm 2016, nhưng chỉ xảy ra trong thời gian rất ngắn (khoảng 1 ngày) do lúc ấy có những doanh nghiệp cần mua gấp hạt tiêu cho đơn hàng xuất khẩu. Hiện tại, giá hạt tiêu đang trong tình trạng “rung lắc” lúc lên, lúc xuống.
Ngày 31/7/2024, giá hạt tiêu nội địa tại các vườn trồng được thương lái thu mua ở mức 148.000-150.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn trong xu thế sẽ tiếp tục tăng lên.
“Nguyên nhân khiến giá hạt tiêu tăng cao là bởi nguồn cung hạt tiêu ở Việt Nam hiện đã cạn do sản lượng vụ 2023 - 2024 giảm khá nhiều so với niên vụ trước. Với đà tăng trưởng cao, cộng với giá xuất khẩu đang tiếp tục ở mức cao do cung thấp hơn cầu, nhiều khả năng xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam trong cả năm nay sẽ đạt trên 1 tỷ USD”, ông Bính nhận định.
Trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, cà phê cũng đang ghi dấu ấn tăng trưởng ngoạn mục. Theo đó, trong tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu 62 nghìn tấn cà phê, đem về 340 triệu USD. Lũy kế 7 tháng năm 2024, cả nước đã xuất khẩu 964 nghìn tấn cà phê, kim ngạch 3,54 tỷ USD, giảm 13,8% về lượng, nhưng tăng vọt 30,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 7, giá cà phê ở Tây Nguyên liên tục đứng ở mức cao kỷ lục, trên 120.000 đồng/kg, có thời điểm chạm mức 130.000 đồng/kg. So với cùng thời điểm này năm ngoái, giá cà phê hiện tại đang cao hơn gấp 2 lần.
CÀ PHÊ, RAU QUẢ TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, trong 8 tháng đầu niên vụ 2023/2024 (từ tháng 10/2023 đến hết tháng 7/2024), Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,32 triệu tấn cà phê, giảm hơn 11% so với cùng kỳ niên vụ 2022/2023. Lượng xuất khẩu này tương đương 86% sản lượng niên vụ 2023/2024.
Như vậy, theo tính toán của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 148.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 2 tháng còn lại của niên vụ 2023/2024 (từ tháng 8 đến hết tháng 9), cho đến khi niên vụ mới bắt đầu thu hoạch vào tháng 10 năm nay. Nguồn hàng cà phê cho xuất khẩu đang trông chờ vào niên vụ thu hoạch mới và dự báo xuất khẩu cà phê cả năm có thể thiết lập mốc kỷ lục 5,5 - 6 tỷ USD...