Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp tháng 5/2024: Chăn nuôi và thủy sản được giá, trồng rừng tăng nhanh
05 | 06 | 2024
Trong tháng 5/2024, sản lượng thủy sản thu hoạch đạt 801,3 nghìn tấn, tăng 2,8% so với tháng 5/2023; ngành lâm nghiệp trồng được 30,3 nghìn ha rừng, tăng 8,6%, sản lượng gỗ khai thác gần 2,264 triệu m3, tăng 9,2% so với tháng 5/2023…

Nguồn: vneconomy.vn

Sản xuất nông nghiệp đang thuận lợi.

Sản xuất nông nghiệp đang thuận lợi.

Sản xuất nông nghiệp trong tháng 5/2024 trọng tâm là chăm sóc lúa đông xuân tại các địa phương phía Bắc; xuống giống lúa hè thu tại các địa phương phía Nam. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển khá, do giá lợn tăng mạnh, người chăn nuôi đang có lãi cao. Sản xuất lâm nghiệp ổn định, các địa phương tiếp tục trồng rừng mới tập trung theo kế hoạch.

GIEO TRỒNG LÚA HÈ THU CHẬM, TRỒNG RỪNG TĂNG TỐC

Theo Tổng cục Thống kê, vụ lúa đông xuân năm 2024 cả nước gieo cấy được 2.953,6 nghìn ha, tăng 0,9 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước. Các địa phương phía Bắc gieo cấy 1.059,4 nghìn ha, giảm 8,5 nghìn ha, trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 471,3 nghìn ha, giảm 5,6 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2023.

Các địa phương phía Nam gieo cấy 1.894,2 nghìn ha, tăng 9,4 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.487,7 nghìn ha, tăng 9 nghìn ha.

Một số địa phương có diện tích gieo trồng tăng cao so với vụ đông xuân năm trước như Long An đạt 235,7 nghìn ha, tăng 10,6 nghìn ha; Bạc Liêu đạt 45 nghìn ha, tăng 1,8 nghìn ha. Sở dĩ diện tích lúa đông xuân tăng chủ yếu do giá lúa ở mức cao, nên người dân chuyển từ diện tích lúa thu đông sang trồng lúa đông xuân sớm và đông xuân muộn.

Tính đến ngày 15/5/2024, các địa phương phía Nam đã cơ bản thu hoạch xong lúa đông xuân với diện tích đạt 1.885,6 nghìn ha, chiếm 99,5% diện tích gieo cấy và bằng 100,5% cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.487,5 nghìn ha, chiếm gần 100% diện tích gieo cấy. Năng suất lúa đông xuân ước đạt 72,3 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước.

Một số địa phương có năng suất lúa tăng cao như Trà Vinh tăng 6,0 tạ/ha; Sóc Trăng tăng 2,0 tạ/ha; Vĩnh Long tăng 1,9 tạ/ha; Kiên Giang tăng 0,7 tạ/ha; Tiền Giang và Cần Thơ cùng tăng 0,4 tạ/ha.

Cùng với thu hoạch lúa đông xuân, đến trung tuần tháng 5/2024, các địa phương phía Nam gieo trồng được 1.059,4 nghìn ha lúa hè thu, bằng 96,1% cùng kỳ năm trước. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 959,7 nghìn ha, bằng 95,1%. Tiến độ gieo trồng lúa hè thu năm nay chậm hơn so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do thời tiết nắng nóng, thiếu nước và mưa đến muộn.

Hiện lúa hè thu đang ở đang ở giai đoạn đẻ nhánh đến chắc xanh, cây lúa sinh trưởng và phát triển khá. Do lúa hè thu sinh trưởng trong điều kiện nắng nóng, nền nhiệt cao có thể thiếu nước ở đầu vụ nên các địa phương đã khuyến cáo nông dân chọn gieo trồng các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng ngắn ngày và tuân thủ nghiêm ngặt lịch xuống giống, quản lý tốt nguồn nước để hạn chế ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn.

"Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác 5 tháng đầu năm 2024  đạt 7,414 triệu m3, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái".

Tổng cục Thống kê.

Đối với ngành lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 5/2024 ước đạt 30,3 nghìn ha, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước do thời tiết thuận lợi. Một số tỉnh có tiến độ trồng rừng tăng cao: Quảng Ngãi gấp 2 lần; Quảng Trị tăng 69,7%; Nghệ An tăng 8,1%. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,7 triệu cây, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng gỗ khai thác trong tháng 5/2024 đạt 2.263,9 nghìn m3, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá gỗ nguyên liệu có xu hướng tăng, nên người dân đang đẩy mạnh khai thác gỗ đến tuổi thu hoạch. Một số địa phương có tiến độ khai thác gỗ tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Quảng Trị tăng 56,6%; Yên Bái tăng 15,3%; Bắc Kạn tăng 15,1%; Thừa Thiên - Huế tăng 10,0%; Quảng Ninh tăng 9,5%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 98,2 nghìn ha, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 37,8 triệu cây, tăng 1,2%.

Trong tháng 5/2024, diện tích rừng bị thiệt hại 204,9 ha, giảm 38,6% so với tháng 5/2023. Trong đó, rừng bị chặt, phá là 74,3 ha, tăng 43,9%; diện tích rừng bị cháy là 130,6 ha, giảm 35,1%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 652,2 ha rừng bị thiệt hại, giảm 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: diện tích rừng bị chặt, phá là 376,2 ha, giảm 24,9%; diện tích rừng bị cháy là 285,1 ha, giảm 24,8% so với cùng kỳ năm 2023.

CHĂN NUÔI VÀ THỦY SẢN NUÔI TRỒNG TĂNG 

Đối với ngành chăn nuôi, đàn lợn có xu hướng tăng trở lại do chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp; chăn nuôi trang trại theo chuỗi kết hợp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đồng thời, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh tốt.

Chăn nuôi năm nay thuận lợi hơn năm ngoái nhờ giá thức ăn gia súc gia cầm giảm 10-12% so với năm trước, đã giúp  người căn  nuôi hạ được giá thành sản phẩm. Trong khi đó, giá thịt lợn hơi tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, hiện đã ở ngưỡng cao nhất năm năm qua, nên người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn.

Tính đến ngày 22/5/2024, cả nước không còn dịch tai xanh và dịch cúm gia cầm; dịch lở mồm long móng còn ở Gia Lai; dịch viêm da nổi cục còn ở Quảng Bình, Quảng Ngãi, Lâm Đồng. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn ở 21 địa phương chưa qua 21 ngày.

"Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 3.515,2 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 2.570,1 nghìn tấn, tăng 2,4%; tôm đạt 408,5 nghìn tấn, tăng 4,3%; thủy sản khác đạt 536,6 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước".

Tổng cục Thống kê.

Thông tin về lĩnh vực thủy sản, Tổng cục Thống kê cho biết sản lượng thủy sản thu hoạch trong tháng 5/2024 ước đạt 801,3 nghìn tấn, tăng 2,8% so với tháng 5/2023. Bao gồm: Cá đạt 573,8 nghìn tấn, tăng 2,4%; tôm đạt 110,9 nghìn tấn, tăng 5,8%; thủy sản khác đạt 116,6  nghìn tấn, tăng 1,7%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch trong tháng 5/2024 ước đạt 434,8 nghìn tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 288,1 nghìn tấn, tăng 2,4%; tôm đạt 97,1 nghìn tấn, tăng 6,2%.

Sản lượng cá tra trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do giá cá tra nguyên liệu duy trì ở mức cao ổn định và xuất khẩu cá tra đang có dấu hiệu phục hồi nên hộ nuôi cá và doanh nghiệp điều chỉnh sản lượng nuôi phù hợp để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 155,0 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng tôm trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 68 nghìn tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước đạt 23 nghìn tấn, tăng 3,1%.

Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 5/2024 ước đạt 366,5 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 285,7 nghìn tấn, tăng 2,4%; tôm đạt 13,8 nghìn tấn, tăng 2,9%; thủy sản khác đạt 67 nghìn tấn, giảm 0,5%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 351,3 nghìn tấn, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước.

 



Báo cáo phân tích thị trường