Nhận định trên không hẳn là không có lý bởi nó dựa trên những căn cứ chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, là một nền kinh tế có độ mở ở đầu vào NK rất lớn, cho nên sốt nóng giá cả thế giới đương nhiên được NK với quy mô rất lớn vào thị trường trong nước.
Trước hết, các số liệu thống kê cho thấy, nếu như tỷ trọng của hàng hoá NK so với GDP của nước ta năm 2001 mới là 51%, thì năm 2006 vừa qua đã là 73,3%. Cần nhấn mạnh rằng, đây là một đặc thù rất nổi bật. Bởi lẽ, tỷ lệ này không chỉ cao hơn rất nhiều so với những nước có cùng trình độ phát triển kinh tế như nước ta (tính theo GDP bình quân đầu người) như Georgia, Hondurad, Bolivia.., mà hiện còn cao gấp hơn 2,5 lần so với "người khổng lồ" Trung Quốc (tỷ lệ tương ứng là 25,1% và 29,3%), một quốc gia đã trở thành cường quốc XNK thứ ba thế giới và GDP bình quân đầu người đã cao gấp hơn 2,8 lần.
Hơn thế, bộ phận làm cho độ mở ở đầu vào của nền kinh tế nước ta lớn như vậy chính là nguyên liệu NK. Các số liệu thống kê 4 tháng đầu năm nay cho thấy, chỉ riêng kim ngạch NK 29 mặt hàng nguyên liệu đã lên tới trên 10,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 63,5% trong "rổ hàng hoá NK" của nền kinh tế.
Trong bối cảnh như vậy, sốt nóng giá nguyên liệu thế giới đương nhiên tác động đối với nền kinh tế nước ta lớn hơn hẳn so với những nước có độ mở không thể sánh được với nước ta.
Các số liệu thống kê của Ngân hàng thế giới cho thấy, chỉ số giá của nhóm hàng năng lượng chiếm tỷ trọng 47,8% trong "rổ hàng hoá nguyên liệu thế giới" trong tháng 4 vừa qua đã tăng 20,2 điểm so với cuối năm 2006 (352,9 điểm so với 332,7 điểm), còn chỉ số giá của nhóm hàng phi năng lượng chiếm tỷ trọng 52,2% còn lại cũng đã tăng 13,7 điểm (163,3 điểm so với 149,6 điểm).
Tính toán từ các số liệu thống kê trong bốn tháng của nước ta cũng cho thấy sốt nóng giá nguyên liệu thế giới đã khuếch đại tương ứng hoạt động NK của nước ta. Đó là, kim ngạch NK trong 4 tháng vừa qua của 13 mặt hàng có số liệu thống kê về khối lượng và giá trị NK (như thép, phôi thép, phân bón...) tuy tăng bùng nổ 34,49%, nhưng nếu quy về giá năm 2006 thì chỉ tăng 18,63%. Điều này có nghĩa là, yếu tố tăng khối lượng hàng NK tăng chỉ chiếm 54% trong tổng mức tăng, còn lại 15,86% hay 46% trong tổng mức tăng là do sốt nóng giá nguyên liệu thế giới khuếch đại lên. Có thể khẳng định chắc chắn rằng, đây chính là yếu tố giữ vai trò chủ yếu khiến cho tỷ lệ lạm phát của nước ta liên tục cao gấp nhiều lần so với những có trình độ phát triển cao hơn trong khu vực và cao hơn hẳn so với những nước có cùng trình độ phát triển trên thế giới, nhưng ít phụ thuộc vào nguyên liệu NK, bởi quy mô NK sốt nóng giá cả của nước ta trong điều kiện sốt nóng giá cả thế giới rất lớn.
Thứ hai, ở phía đầu ra của nền kinh tế, do nguyên liệu vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong cơ cấu hàng hoá XK của nước ta, cho nên đây cũng chính là kênh dẫn sốt nóng giá cả thế giới lan truyền vào thị trường trong nước.
Điển hình nhất trên phương diện diện này có lẽ là những tác động cơn sốt nóng giá gạo thế giới có nhiều dấu hiệu là sẽ vẫn tiếp tục cho đến hết năm nay. Đó là, theo số liệu thống kê của IMF, giá gạo 5% tấm của Thái lan đã tăng từ 309,3 USD/tấn tháng 12/2006 lên 322,3 USD/tấn trong tháng 4 vừa qua.
Qua thực tiễn của nền kinh tế nước ta rất nhiều năm qua cho thấy, kèm theo bất kỳ đợt điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu nào cũng là tình trạng "tát nước theo mưa" hầu như ở mọi nơi đối với hầu hết các loại mặt hàng. Đây cũng chính là nhân tố chủ yếu khiến nhà quản lý nước ta thường xuyên rơi vào tình trạng phải "rượt đuổi" thực tế thị trường khi đưa ra dự báo về tác động của giải pháp tăng giá các mặt hàng thiết yếu.
Các số liệu thống kê về XK gạo của nước ta càng cho thấy rõ điều này. Cụ thể là, giá gạo XK bình quân trong bốn tháng qua của nước ta đã đạt kỷ lục 312,85 USD/tấn, tăng 14,28% so với cùng kỳ năm 2006. Đây hiển nhiên cũng là lý do chủ yếu khiến cho giá lương thực trong nước 4 tháng qua tăng tổng cộng 4,46%. Xét trên bình diện rộng hơn, trong bối cảnh "hậu El' Nino" hiện nay, việc giá gạo nói riêng và giá nông sản thế giới nói chung sẽ còn tiếp tục leo thang là điều khó tránh khỏi. Trong điều kiện như vậy, "kịch bản" giá nông sản trong nước liên tục nóng lên giống như năm "El' Nino thế kỷ" 1998 và cũng chính là năm giá tiêu dùng sốt nóng kỷ lục trong vòng 8 năm 1996-2003 đã, đang và sẽ còn tiếp tục lặp lại trong năm nay là điều khó tránh khỏi.
Thứ ba, cùng với việc "chạy đua" với sốt nóng giá cả thế giới ở cả hai đầu vào và ra của nền kinh tế như nói trên, chúng ta lại đang ở trong tình trạng phải trả "món nợ" sốt nóng giá cả thế giới không nhỏ từ những năm trước để lại.
Xét trên tổng thể, như báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XI đã khẳng định: "Từ năm 2007, thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng xi măng, sắt thép, phân bón, giấy, than (trừ than cung ứng cho phát điện); không bù lỗ giá xăng, phấn đấu đến cuối năm 2007 hoặc đầu năm 2008 không bù lỗ giá dầu; tiếp tục triển khai thực hiện lộ trình điều chỉnh giá bán điện..." giá bán điện đã được điều chỉnh ngay từ ngày đầu năm và tiếp theo là đợt đầu tiên điều chỉnh giá bán than cho các hộ tiêu dùng lớn nhằm làm giảm sự cách biệt quá lớn giữa giá than trong nước và giá than thế giới đã đại nhảy vọt gần gấp hai lần từ năm 2004.
Tiếp theo, sau khi đã điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước để bắt kịp giá thế giới vào đầu tháng 3 năm nay, với quyết định trao quyền định giá xăng cho các DN, giá bán lẻ xăng đã được điều chỉnh tăng lần thứ hai vào ngày 7/5 vừa qua. Với đợt tăng giá này, mà thực chất là các cơ quan quản lý nhà nước đã có bước đi quan trọng trong việc xoá bỏ chính sách bù giá cho người tiêu dùng, giá bán trong nước đã bám sát hơn giá thế giới. Các kết quả tính toán cho thấy, nếu như giá xăng bình quân trong năm nay sẽ được đẩy lên mức bình quân 12.000 đồng/lít, tức là tăng 9,1% so với giá xăng Mogas 92 ở mức 11.000 đồng/lít trước ngày 7/5 vừa qua, thì chỉ riêng việc điều chỉnh tăng giá mặt hàng này cũng đã có thể làm "khuếch đại" "rổ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội" thêm 0,47%.
Rõ ràng, việc đồng loạt điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu này của nền kinh tế cuối cùng sẽ được thể hiện ở việc mặt bằng giá tiêu dùng của nền kinh tế sẽ bị đẩy lên.
Không những vậy, như thực tiễn của nền kinh tế nước ta rất nhiều năm qua cho thấy, kèm theo bất kỳ đợt điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu nào cũng là tình trạng "tát nước theo mưa" hầu như ở mọi nơi đối với hầu hết các loại mặt hàng. Đây cũng chính là nhân tố chủ yếu khiến cho các nhà quản lý nước ta trong những năm qua thường xuyên bị rơi vào tình trạng phải "rượt đuổi" thực tế thị trường khi đưa ra dự báo về tác động của các giải pháp tăng giá các mặt hàng thiết yếu.
Thứ tư, trong bối cảnh cả đầu ra và đầu vào của nền kinh tế cùng sốt nóng như vậy, cộng với việc chúng ta đang tích cực trả những "món nợ" tồn đọng lớn do sốt nóng giá cả thế giới từ những năm trước, sự phát triển vốn đã sôi động của nền kinh tế lại được bổ sung bằng các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang ồ ạt đổ vào chắc chắn sẽ là yếu tố cộng hưởng làm cho mặt bằng giá tiêu dùng càng bị đẩy lên cao.
Thứ năm, mức tăng 0,49% của giá tiêu dùng trong những tháng vừa qua cũng là mức tăng rất cao so với cùng kỳ ba năm sốt nóng liên tục vừa qua (tháng 4/2004 tăng 0,5%; 4/2005 tăng 0,6%; 4/2006 tăng 0,2%). Đây cũng là yếu tố góp phần quan trọng làm cho tổng mức tăng giá tiêu dùng trong 4 tháng đầu năm nay đã đạt 3,52%, chỉ kém kỷ lục 5,4% và 4,3% trong cùng kỳ của hai năm 2004 và 2005 sốt nóng kỷ lục 9,5% và 8,4% trong 11 năm trở lại đây.
Tóm lại, trên cái nền rất cao như vậy, nền kinh tế lại đang hội tụ một loạt yếu tố tác động cả từ bên trong lẫn bên ngoài cùng gây sốt nóng, việc giá tiêu dùng sẽ còn tiếp tục bị đẩy lên cao trong những tháng tới và năm 2007 này sẽ là năm thứ tư liên tiếp có tỷ lệ lạm phát cao là điều khó có thể tránh khỏi.
GIÁ CẢ TIẾP TỤC TĂNG MẠNH
Tổng cục Thống kê vừa công bố trong tháng 5 chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,77%. Nhiều nhóm mặt hàng tăng mạnh trên dưới 1%. Điều này trái quy luật hằng năm.
- Dẫn đầu về tăng giá trong tháng là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với 1,04%. Trong đó, lương thực tăng 0,62%, thực phẩm tăng tới 0,95%. Trong khi đó, nhóm hàng được dự đoán tăng cao là phương tiện đi lại và bưu điện lại không tăng quá cao chỉ ở mức 0,57%.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, phản ứng này sẽ xảy ra thường xuyên hơn khi giá xăng được giao về cho DN tự quyết từ tháng 5/2007.
- Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tiếp tục tăng 0,87%. Có nhiều nguyên nhân khiến nhóm hàng hóa này tăng cao như: sự sôi động của thị trường bất động sản, thị trường bước vào mùa xây dựng và giá cả đầu vào của sắt thép... tăng mạnh. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp nhóm hàng này tăng ở mức xấp xỉ 1%.
- Các nhóm hàng hóa khác đều có mức tăng khá mạnh như: may mặc, giày dép tăng 0,48%; thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,64%; dược phẩm tăng 0,61%. Nhóm hàng hóa dịch vụ tăng thấp có đồ uống và thuốc lá 0,22% và thấp nhất là giáo dục chỉ tăng 0,07% do đã vào cuối năm học. Ngược lại, nhóm văn hóa giải trí vẫn đứng và ở mức tăng 0,43%. Tuy nhiên, nhóm này dự kiến sẽ tăng mạnh trong tháng tới do vào kỳ nghỉ hè.
- Chỉ số giá vàng tăng mạnh tới 2,33% trong khi giá USD khá ổn định chỉ tăng 0,15% trong tháng 5.
Tính đến hết tháng 5, giá tiêu dùng đã tăng 4,32% so với đầu năm và tăng tới 7,31% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tốc độ tăng giá không được kiềm chế thì khả năng tăng dưới 6% sẽ không thành hiện thực và mục tiêu duy trì tốc độ tăng giá dưới tăng trưởng GDP cũng bị đe dọa.