Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá gạo 2009: Coi chừng "rơi" tự do
27 | 02 | 2009
Có thể nói, năm 2008 đã khép lại không chỉ với kỷ lục mọi thời đại 1.015,2 USD/tấn trong tháng 4 của giá gạo thế giới, mà cả “cú nhảy ba bước” sớm hơn thường lệ để đạt tới kỷ lục này và bình quân cả năm đã vượt qua ngưỡng 700 USD/tấn khiến không chỉ chúng ta, mà cả thế giới bất ngờ. Vậy sau những kỷ lục này, giá gạo thế giới năm nay sẽ diễn ra theo kịch bản nào là điều mà cường quốc xuất khẩu gạo số 2 thế giới như chúng ta không thể không quan tâm.

Trước hết, nếu nhìn lại những diễn biến từ năm 1980 đến nay, có thể thấy giá gạo thế giới bình quân các năm đã trải qua ba chu kỳ sốt nóng trọn vẹn. Đó là chu kỳ sốt nóng thứ nhất diễn ra trong các năm 1980-1983 với đỉnh điểm 482,3 USD/tấn năm 1981. Tiếp theo, chu kỳ sốt nóng thứ hai diễn ra trong các năm 1988-1992 với đỉnh điểm 293,7 USD/tấn năm 1991. Cuối cùng, đó là chu kỳ sốt nóng thứ ba diễn ra trong các năm 1995-1998 với đỉnh điểm 338,1 USD/tấn năm 1996.

Bất thường năm 2008 ?

Như vậy, cơn sốt nóng hiện nay là cơn sốt nóng chu kỳ thứ tư, đã kéo dài từ năm 2005 đến nay và chắc chắn giá gạo thế giới cao ngất ngưởng 700,2 USD/tấn của năm 2008 là điều không bình thường, bởi cao gấp 1,45 kỷ lục “mọi thời đại” đã cách đây gần ba thập kỷ.

Hơn thế, nếu quan sát qua từng tháng trong bốn năm đã lên tới mức “đỉnh” này, sẽ càng thấy rõ hơn sự bất thường của giá gạo thế giới. Đó là, chỉ qua ba bước tăng đại nhảy vọt liên tục từ 393,5 USD/tấn trong tháng 1, giá gạo thế giới tháng 4/2008 vừa qua đã đạt kỷ lục “mọi thời đại” 1.015,2 USD/tấn, trong khi để đạt kỷ lục 535 USD/tấn vào tháng 6/1981, giá gạo thế giới chỉ tăng 30 USD/tấn và 5,94% so với ba tháng trước đó, còn “bộ tứ” số liệu này trong chu kỳ sốt nóng thứ hai (1988-1992) chỉ là 326 USD/tấn; 272 USD/tấn; 54 USD/tấn và 19,85%; 367 USD/tấn, thậm chí mức “đỉnh” 367 USD/tấn tháng 2 của năm giá gạo thế giới đạt kỷ lục (1996) trong chu kỳ sốt nóng 1995-1998 còn thấp hơn khá nhiều so với kỷ lục 382,6 USD/tấn được xác lập trước đó ba tháng (tháng 11/1995).

Từ thực trạng của thị trường lúa gạo thế giới những năm qua, có những căn cứ đủ vững để cho rằng, cơn sốt nóng khủng khiếp của giá gạo thế giới trong năm 2008 vừa qua không bắt nguồn từ nguyên nhân cơ bản của nó. Đó chính là sự “lệch pha” giữa sản xuất và tiêu dùng lúa gạo thế giới, dẫn đến dự trữ giảm mạnh, khiến an ninh lương thực toàn cầu bị đe doạ.

Cụ thể, điển hình nhất các số liệu thống kê trong cơn sốt nóng chu kỳ thứ nhất những năm cuối thập kỷ 70 - đầu thập kỷ 80 cho thấy, tuy sản lượng gạo toàn cầu chỉ giảm 5,6 triệu tấn (giảm 2,13%) trong niên vụ 1979/1980, còn hai niên vụ tiếp theo đều tăng (3,2 triệu tấn và 1,25%; 7,9 triệu tấn và 2,93%), nhưng tiêu dùng gạo thế giới đã tăng 4,7 triệu tấn và 1,86% trong niên vụ 1979/1980; đặc biệt là tăng đại nhảy vọt 17,8 triệu tấn và 6,92% trong niên vụ 1980/1981 và tiếp tục tăng mạnh 8,1 triệu tấn và 3,15% trong niên vụ 1981/1982. Chính vì vậy, khối lượng gạo dự trữ của thế giới trong cùng kỳ đã rơi tự do trong vòng hai thập kỷ (1977-1996) từ kỷ lục 54,1 triệu tấn xuống mức “đáy” chỉ với 43,3 triệu tấn và chỉ còn bằng 15,27% tổng tiêu dùng.

Trong khi đó, hai kỷ lục mọi thời đại của gía gạo thế giới năm 2008 vừa qua chắc chắn chỉ bắt nguồn một phần từ nguyên nhân này. Bởi lẽ, các số liệu thống kê và dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa mới “cho ra lò” tháng 2 này cho thấy, cho dù tiêu dùng gạo thế giới liên tục tăng trong năm niên vụ trở lại đây, nhưng tổng mức tăng cũng chỉ là 24,7 triệu tấn, trong khi sản lượng tăng mạnh 38,3 triệu tấn, cho nên dự trữ gạo thế giới trong cùng kỳ đã liên tục tăng qua từng niên vụ và hiện đạt 84,6 triệu tấn, tăng 11,5 triệu tấn trong cùng kỳ và bằng 19,49% tổng tiêu dùng.

Rõ ràng, trong điều kiện sản xuất lúa gạo thế giới những năm gần đây liên tục được mùa, không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu, mà còn đều đặn làm tăng khối lượng dự trữ, an ninh lương thực toàn cầu được bảo đảm vững chắc hơn nhiều so với những năm trong chu kỳ sốt nóng thứ nhất như đã nói ở trên, cho nên những biến động bất thường của gía gạo thế giới những tháng giữa năm 2008 chủ yếu là bắt nguồn từ những nguyên nhân không bình thường khác.

Kịch bản 2009 ?

Nếu tất cả những điều nói trên là đúng, thì đương nhiên giá gạo thế giới trong năm 2009 này cũng phải hạ nhiệt. Thực trạng thị trường thế giới trong ba cơn sốt nóng vừa qua cho thấy hai loại kịch bản khác nhau.

Trước hết, đó là “rơi tự do” từ 482,8 USD/tấn năm 1981 xuống 293,4 USD/tấn năm 1982, tức là giảm tới 189,4 USD/tấn và 39,23% trong chu kỳ sốt nóng thứ nhất. Tiếp theo, đó là kịch bản hạ nhiệt rất từ từ, từ 297,7 USD/tấn năm 1991 xuống 267,7 USD/tấn năm 1992 trong chu kỳ sốt nóng thứ hai, tức là chỉ giảm 26 USD/tấn và 8,85%, còn “bộ tứ” số liệu này trong chu kỳ sốt nóng gần đây nhất lần lượt là 338,1 USD/tấn năm 1996 và 302,5 USD/tấn năm 1997, tức là cũng chỉ giảm 35,8 USD/tấn và 10,53%.

Do vậy, câu hỏi đặt ra hiện nay là, giá gạo thế giới năm 2009 sẽ “chọn” kịch bản nào?

Rõ ràng, trong điều kiện cơn sốt nóng hiện nay không xuất phát từ nguyên nhân cơ bản là an ninh lương thực thế giới bị đe doạ như nói trên, thì kịch bản gía gạo năm nay “rơi tự do” là hợp lôgích. Nếu “chiếu theo” tỷ lệ giảm 39,23% của năm 1982 so với năm 1981, thì gía gạo thế giới bình quân trong năm nay sẽ chỉ là 425 USD/tấn

Giá gạo thế giới từ năm 1980 đến năm 2008

Trong đó, điều quan trọng nhất hiện nay là, diễn biến gía gạo thế giới từ nay đến cuối năm sẽ theo chiều hướng nào? Thực tế thị trường gạo thế giới những năm sau khi giá gạo đã đạt mức “đỉnh” vừa qua cũng cho thấy hai kịch bản khác nhau. Đó trước hết là, trong năm “hậu” sốt nóng 1982 của chu kỳ sốt nóng thứ nhất, giá gạo thế giới tụt dốc rất mạnh hầu như liên tục, bởi tháng 1 vẫn còn là 343 USD/tấn, thì tháng 12 chỉ còn 266 USD/tấn, tức là giảm tới 77 USD/tấn và 22,45%%, còn hai cặp số liệu tương ứng năm 1997 là 356 USD/tấn và 263,5 USD/tấn; 92,5 USD/tấn và 25,98%. Trong khi đó, một kịch bản khác là, tuy cũng giảm hầu như liên tục, nhưng tốc độ giảm chậm hơn nhiều, bởi giá gạo tháng 1 năm 1992 là 276 USD/tấn, thì trong tháng cuối năm vẫn còn là 256 USD/tấn, tức là chỉ giảm 20 USD/tấn và 7,25%.

Như vậy, nếu “chiếu theo” tỷ lệ giảm 25,98% của tháng cuối so với tháng đầu năm 1997, thì gía gạo thế giới trong năm nay sẽ giảm mạnh từ 615,2 USD/tấn trong tháng 1 xuống chỉ còn 455 USD/tấn vào cuối năm.

Tuy nhiên, có ba căn cứ quan trọng nhất sau đây để cho rằng, gía gạo thế giới trong năm nay sẽ còn hạ nhiệt mạnh hơn nữa:

- Thứ nhất , theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ tháng 2 này, trong khi tổng sản lượng gạo của 15 quốc gia sản xuất chủ yếu trên thế giới và cũng đồng thời là 15 quốc gia xuất khẩu gạo chủ yếu trong năm nay sẽ tăng 7,33 triệu tấn thì tổng tiêu dùng của 15 quốc gia này cũng chỉ tăng 5,76 triệu tấn, nhưng nhập khẩu gạo thế giới trong năm nay sẽ chỉ đứng yên như năm 2008 (29,52 triệu tấn so với 29,69 triệu tấn), cho nên sẽ gia tăng sức ép giảm gía gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới.

- Thứ hai , trong bối cảnh quan hệ cung - cầu có lợi cho các nước nhập khẩu gạo như vậy, hoạt động xuất khẩu gạo của một số nước chủ yếu đầu năm nay vẫn còn bị “ám ảnh bởi những dư âm” của năm 2008, cho nên “quả bóng” giá gạo thế giới sẽ bị “xì hơi” khi những lực cản này được giải toả.

Đó là sự can thiệp của Chính phủ Thái Lan vào hoạt động xuất khẩu trước đó khiến khối lượng gạo xuất khẩu của cường quốc xuất khẩu số 1 thế giới này trong tháng 1 vừa qua chỉ đạt 629,5 nghìn tấn, giảm 37,83% so với 1.012,5 so với cùng kỳ năm 2008 và tình hình trong những ngày thượng tuần tháng 2 này vẫn chưa có gì thay đổi. Đó là việc cường quốc sản xuất gạo số 2 thế giới (chiếm 22,17% sản lượng gạo toàn thế giới) trong năm nay sẽ tiếp tục được mùa cho nên có khả năng sẽ tháo dỡ lệnh xuất khẩu cả gạo thơm lẫn gạo thường khi mà an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm (tồn kho cuối vụ năm nay sẽ tăng gấp 1,82 lần so với cách đây năm năm), v.v...

Nói cách khác, một khi những lực cản hiện nay được đẩy lùi, hoạt động xuất khẩu gạo của các quốc gia bình ổn trở lại, nguồn cung trên thị trường gia tăng, giá gạo thế giới chắc chắn sẽ phải giảm mạnh.

- Thứ ba , thay vì bị “gia nhiệt” bởi sốt nóng giá cả của hầu như tất cả các loại hàng hoá trên thị trường thế giới trong năm 2008, kịch bản giá gạo thế giới từ nay đến cuối năm sẽ tục hạ nhiệt theo xu thế giá cả hầu như tất cả các loại hàng hoá khác như hiện nay cũng là điều khó tránh khỏi.

Nói tóm lại, trong điều kiện cơn sốt lạnh giá cả đang bao trùm nền kinh tế toàn cầu hiện nay, khi chỉ còn bị chi phối chủ yếu bởi quan hệ cung - cầu và quan hệ cung - cầu của mặt hàng nông sản chiến lược đang nuôi sống hơn một nửa dân số thế giới này đang có lợi cho các quốc gia nhập khẩu, việc gía gạo thế giới sẽ còn tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm là điều chắc chắn. Điều này có nghĩa là, với lợi thế tồn kho tăng vọt vào cuối năm qua, cộng với việc thu hoạch lúa vụ đông xuân sớm, đẩy mạnh xuất khẩu sớm là bước đi đúng của các DN xuất khẩu gạo nước ta, bởi đây chính là thời đoạn “hạt vàng” này được giá nhất.

Kịch bản giá gạo thế giới từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục hạ nhiệt theo xu thế giá cả hầu như tất cả các loại hàng hoá khác như hiện nay cũng là điều khó tránh khỏi.



Nguồn: dddn.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường