Ban quản trị HTX chạy theo thành tích?
Đây là năm đầu tiên, huyện Thanh Trì áp dụng thí điểm phương pháp gieo sạ, với mục đích giảm chi phí đầu vào trong sản xuất, giải phóng sức lao động cho nông dân. Việc thí điểm được thực hiện tại thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai trên diện tích gần 45 mẫu (khoảng 16,5ha). Nhưng lợi đâu chưa thấy, thì mấy ngày vừa qua nhiều hộ dân trong thôn đã mất ăn, mất ngủ vì lúa gieo sạ không được như ý.
Anh Nguyễn Đình Hà, xã viên đội 5, thôn Nhân Hoà vừa cào lại thửa ruộng đã gieo sạ, nhưng lúa không thấy đâu chỉ thấy cỏ, vừa bức xúc phân bua: “Nhà tôi có 7 sào thì đều nằm ở các xứ đồng áp dụng thí điểm phương pháp gieo sạ. Lúc đầu, chúng tôi rất vui khi đón nhận chủ trương gieo sạ của huyện, của xã. Bởi chúng tôi được biết đây là phương pháp tiến bộ giúp người nông dân đỡ vất vả và tăng thêm thu nhập. Càng vui hơn khi Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Nhân Hòa tổ chức tập huấn kỹ thuật, giới thiệu đầy đủ tính ưu việt của mô hình gieo sạ bằng công cụ cầm tay; rồi còn hỗ trợ chi phí khâu làm đất, giống, thuốc diệt cỏ, tổ chức gieo sạ. Nhưng mấy ngày qua, cả nhà tôi phải vất vả, tất bật cày lại ruộng để cấy lại cho kịp thời vụ, bởi chẳng thấy lúa đâu, mà toàn là cỏ, hoặc có lúa nhưng quá thưa thớt”.
Chẳng riêng gì gia đình anh Hà, mà nhiều hộ dân trong thôn cũng rơi vào tình cảnh phải phá diện tích gieo sạ để cấy lại. Họ rất bức xúc vì không chỉ tốn công, tốn sức, mà còn lo ngại khi khung thời vụ gieo cấy vụ xuân không còn sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa sau này.
Theo phản ánh của nhiều người dân, lúc gieo sạ, do hạt mộng mọc quá dài không qua được ống, người ta dùng tay để gieo, bởi vậy chỗ thì lúa mọc dày kịt, chỗ thì chẳng có cây lúa nào; nhiều thửa ruộng trắng trơn. Cách đây 6-7 hôm, nhiều người dân khi thấy tình trạng trên đã rục rịch phá đi để cấy lại, nhưng Ban quản trị HTX và chính quyền xã ngăn cản. Chỉ đến khi một vài gia đình quyết tâm cấy lại cho bằng được, thì nhiều hộ dân trong thôn cũng đổ xô phá ruộng gieo sạ để cấy lúa. Theo khuyến cáo của HTX, cán bộ khuyến nông những chỗ dày cần tỉa bớt rồi cấy dặm ra chỗ khác và tập trung nhổ cỏ. Nhưng theo bà con xã viên ở Nhân Hoà, “nếu thế cấy lại còn nhanh hơn”.
Trước sức ép của người dân, khoảng 2-3 ngày trở lại đây, HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Nhân Hòa đã chủ động lấy nước cho các xứ đồng gieo sạ để một số hộ làm đất cấy lại phần diện tích lúa không mọc được. Tuy nhiên, việc cày cuốc lại những thửa ruộng đã gieo sạ chủ yếu làm bằng thủ công vì máy móc, hay trâu bò không thể lội vào được, nên rất vất vả và tốn công sức. Chị Nguyễn Thị Nga, xã viên đội 6 cho biết: “Mấy ngày hôm nay tôi sút mất mấy cân thịt vì lo cho lúa. Cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng, mà gieo sạ kiểu gì chả thấy lúa đâu, bởi vậy chỉ còn biết quần quật cào ruộng để cấy lại cho kịp thời vụ”.
Giải thích về thực tế nhiều thửa ruộng chỉ có cỏ, không có lúa sau khi gieo sạ xong, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Nhân Hòa cho rằng: Do ruộng đồng không được bằng phẳng, chỗ cao, chỗ thấp, nên sau khi gieo sạ xảy ra tình trạng một số thửa bị úng ngập, hoặc khô cạn, dẫn đến cây lúa không phát triển được. Đây là lần đầu tiên HTX áp dụng mô hình gieo sạ, nên chưa thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, nguyên nhân ruộng đồng chỗ cao, chỗ thấp cũng có một phần trách nhiệm từ phía bà con nông dân. Bởi khi làm đất, HTX có huy động dân ra làm phẳng ruộng của từng gia đình, nhưng họ lại phó mặc cho HTX. Ngoài ra, đối với diện tích ngập nước, thuốc trừ cỏ bị hòa loãng nên không phát huy được hết tác dụng.
Nhiều bà con xã viên thôn Nhân Hoà thì cho rằng, dự định ban đầu triển khai thí điểm gieo sạ trên diện tích 15 mẫu, nhưng do Ban quản trị HTX chạy theo thành tích nên đã đăng ký lên gấp 3 lần (?). Do diện tích nhiều nên khâu làm đất không được kỹ và việc chưa thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật là đương nhiên.
Bài học kinh nghiệm
Ông Lê Quang Bé, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thanh Trì cho biết: Đây là mô hình thí điểm của cả huyện Thanh Trì, đối với cả huyện thì còn ít, nhưng đối với 1 HTX có lẽ 45 mẫu hơi quá sức. Được biết, để chuẩn bị thực hiện mô hình gieo sạ, huyện Thanh Trì và xã Tả Thanh Oai đã hỗ trợ 100% giống, thuốc diệt cỏ, thiết bị bơm; HTX ứng trước 17 kg phân bón/sào để nhân dân bón lót, sẽ thu tiền của nhân dân sau. Bên cạnh đó, HTX giao cho 1 tổ kỹ thuật phụ trách tất cả các khâu như làm đất, diệt cỏ và gieo sạ, dự định sau 15 ngày mới bàn giao cho nông dân.
Do thời gian thực hiện gấp gáp, nên không thể tránh khỏi những sai sót về quy trình làm đất, phun thuốc diệt cỏ và gieo sạ. Hiện nay, người dân trong thôn bắt đầu phá cả những diện tích lúa đã gieo sạ phát triển tốt. Hết ngày 25-2, hơn 40% diện tích gieo sạ trên 4 xứ đồng thuộc thôn Nhân Hòa, người dân đã thay thế bằng lúa mới cấy. Khi nông dân phá diện tích gieo sạ để cấy, Chính quyền xã Tả Thanh Oai và HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Nhân Hòa chưa có những biện pháp tuyên truyền, vận động tích cực, chưa giải thích cặn kẽ để cho dân hiểu hết về kỹ thuật còn mới mẻ này, mà chủ yếu là sử dụng những biện pháp ngăn chặn mang tính mệnh lệnh, hành chính như cấm đưa trâu xuống cày bừa...
Để người dân thôn Nhân Hòa yên tâm về mô hình gieo sạ, ông Chu Công Tiện, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội khẳng định: Đại trà diện tích lúa đã được gieo sạ tại đây đảm bảo kỹ thuật. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đặc biệt là HTX Nông nghiệp Nhân Hòa để xử lý diệt cỏ bằng các biện pháp kỹ thuật thích hợp. “Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cam kết sẽ đi cùng với bà con nông dân thôn Nhân Hoà đến hết vụ thu hoạch”.
Gieo sạ lúa bằng công cụ cầm tay đã khẳng định tính vượt trội của nó so với phương pháp cấy lúa truyền thống. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật thì rất dễ dẫn đến thất bại. Vụ việc ở x ã Tả Thanh Oai được xem là một bài học kinh nghiệm đối với các địa phương khác khi triển khai áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng.