Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
6 tháng cuối năm: Chỉ số giá tiêu dùng bị “đe dọa”
16 | 06 | 2007
Việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới mức tăng trưởng GDP trở nên khá khó khăn, cho dù những cơn sốt giá đột biến được nhận định là khó xảy ra.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, 6 tháng cuối năm nay xuất hiện nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá cả, kéo giá thị trường tăng lên.

Theo phân tích từ Bộ Tài chính, những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến sự biến động của giá cả gồm: Từ nay đến cuối năm, nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường về tài chính, tiền tệ. Cung - cầu nhiều loại nguyên nhiên vật liệu vẫn diễn ra căng thẳng, cộng với những bất ổn rủi ro từ các yếu tố chính trị gây ra sẽ làm cho các mặt bằng giá thị trường khó trở về mức thấp như thời kỳ trước đây.

Về những yếu tố chủ quan, tại thị trường trong nước, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là những bất ổn của thiên tai, sự đe doạ của dịch bệnh. Dịch cúm gia cầm ngày càng lan rộng chắc chắn sẽ khiến các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò, thuỷ sản và thậm chí cả hàng đông lạnh, tăng giá rất lớn. Giá lương thực nhiều khả năng cũng tăng cao. Nhóm hàng tiêu dùng cũng “lăm le” nhiều đợt tăng giá mới với lý do giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu tăng.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Tiến Thoả - Cục trưởng Cục Quản lý Giá kiêm Trưởng ban kiểm soát giá xăng – nhóm hàng xăng dầu vẫn có nguy cơ tăng giá khi đứng trước sức ép giá dầu thế giới tăng. Thêm vào đó, theo quy luật của thị trường, những tháng cuối năm, đặc biệt là 3 tháng cuối (dịp Tết Nguyên đán) lại là khoảng thời gian giá cả tăng mạnh nhất trong năm, sẽ càng đẩy mặt bằng giá chung lên cao. Mặt khác, sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta hiện còn chưa cao, kết cấu hạ tầng yếu kém, tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, kinh tế ngầm và các hiện tượng đầu cơ tăng, gian lận thương mại chưa được kiểm soát có hiệu quả cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến sự vận động của giá thị trường và kéo theo giá có xu hướng tăng trong thời gian tới.

CPI 5 tháng đầu năm nay đã tăng 4,32%, tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Dự báo tháng 6, CPI sẽ tăng thêm 0,5%. Như vậy, 6 tháng đầu năm CPI sẽ tăng khoảng 4,7 – 4,8%. Trong khi đó, với đà tăng trưởng GDP 5 tháng đầu năm và xu hướng phát triển kinh tế cho thấy, nhiều khả năng năm nay nước ta sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8,2 – 8,5%. Có nghĩa là, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng CPI dưới mức tăng trưởng kinh tế, trong 6 tháng cuối năm, chúng ta phải kiềm chế mức tăng CPI vào khoảng 3,5%. Rõ ràng, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn!

Tuy vậy, đại diện các bộ liên quan đến quản lý giá cả vẫn khẳng định, nhiệm vụ này vẫn có khả năng hoàn thành. Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ này khi đang chỉ đạo các cấp, ngành bằng mọi cách phải thực hiện bằng được nhiệm vụ này khi đang chỉ đạo các cấp, ngành bằng mọi cách phải thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế giá như: Tiếp tục chủ động điều hành giữ vững các cân đối kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ; Khắc phục tình trạng thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng, bảo đảm đủ phân bón, xăng dầu, sắt thép, xi măng; điều hoà hợp lý tiến độ xuất khẩu lương thực; tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp dập tắt dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng./.



VOV
Báo cáo phân tích thị trường