Giá tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2006 đã khiến các nhà sản xuất bán hết lượng hạt tiêu họ có ra, nên nguồn cung lúc này trở nên cực kỳ khan hiếm. Lúc này trên thị trường chỉ có hạt tiêu Ấn Độ. Chỉ riêng trong tháng 1/2007, giá hạt tiêu Ấn Độ đã tăng 7% lên 2.775 USD/tấn, hạt tiêu Việt Nam giá tăng 135 USD/tấn lên 2.735 USD/tấn, trong khi hạt tiêu trắng ổn định.
Lúc này trên thị trường chỉ có hạt tiêu Ấn Độ, song nguồn cung không nhiều, mặc dù đang ở mùa thu hoạch cao điểm. Nguồn cung hạt tiêu ASTA từ Indonexia, Ecuađo và Malaysia tiếp tục hạn chế. Nguồn cung của Việt Nam gần như cạn kiệt, mà phải cuối tháng 2- đầu tháng 3 Việt nam mới thu hoạch vụ mới. Khách hàng châu Âu và Trung Đông đã bắt đầu đặt hàng với khối lượng lớn.
Tổ chức Hạt tiêu Thế giới (IPC) dự báo xuất khẩu hạt tiêu thế giới sẽ tiếp tục giảm xuống 181.000 tấn trong năm 2007 so với 197.000 tấn năm 2006 và 212.000 tấn năm 2005. Năm 2006, xuất khẩu hạt tiêu đen giảm xuống 165.000 tấn, còn hạt tiêu trắng giảm xuống 32.150 tấn. Xuất khẩu hạt tiêu trắng năm 2007 dự báo sẽ tiếp tục giảm so với mức 31.480 tấn năm 2005. Dự trữ hạt tiêu thế giới cuối niên vụ 2006 chỉ còn 64.430 tấn, bao gồm 55.170 tấn hạt tiêu đen và 9.260 tấn hạt tiêu trắng.
Tiêu thụ tiêu toàn cầu niên vụ 2007/08 sẽ tăng 3,46%, trong khi sản lượng hạt tiêu thế giới niên vụ 2007/08 sẽ giảm khoảng 15-20% do thời tiết xấu và dịch bệnh ở nhiều khu vực trồng tiêu. Do vậy, thị trường tiêu thế giới năm nay chắc chắn sẽ khan hiếm nguồn cung. Sản lượng hạt tiêu thế giới năm 2007 sẽ chỉ đạt 266.000 tấn, so với 314.270 tấn năm 2005 và 269.900 tấn năm 2006. Tổng sản lượng hạt tiêu đen toàn cầu năm 2006 chỉ đạt 219.000 tấn, so với 263.270 tấn năm 2005, do sản lượng hạt tiêu đen ở hầu hết các nước sản xuất như Ấn Độ, Indonexia, Braxin và Malaysia sẽ giảm mạnh. Đối với hạt tiêu trắng, mặc dù sản lượng của Việt Nam và Trung Quốc tăng, tổng sản lượng hạt tiêu trắng thế giới năm 2006 giảm mạnh, xuống 50.000 tấn, bởi sản lượng của Malaysia giảm từ 13.000 tấn năm 2005 xuống chỉ 5.000 tấn năm 2006. Tại Indonexia và Malaysia, nhiều diện tích trồng tiêu bị phá bỏ sau khi giá giảm mạnh mấy năm trước. Tổng sản lượng của Malaysia ước chỉ đạt 21.000 tấn, của Braxin 35.000 tấn và Indonesia 25.000 tấn.
Mưa quá nhiều cuối năm ngoái cộng với dịch bệnh đang làm giảm mạnh sản lượng hạt tiêu Ấn Độ. Ngoài ra, giá thấp trong mấy năm gần đây khiến nhiều nông dân không chăm sóc cây tiêu, thậm chí phá bỏ. Xuất khẩu hạt tiêu Ấn Độ năm 2006 đã tăng 56% so với năm trước, đạt 24.675 tấn. Theo dự báo chính thức, sản lượng hạt tiêu Ấn Độ năm nay sẽ chỉ khoảng 45.000-50.000 tấn. Thậm chí các thương gia dự báo sản lượng năm nay sẽ chỉ khoảng 37.900 tấn. Cộng với lượng dự trữ gối vụ 20.000 tấn và lượng nhập khẩu khoảng 15.000 tấn, tổng cung tiêu năm nay sẽ vào khoảng 72.000 tấn. Tiêu thụ nội địa ước khoảng Lượng dư thừa dành cho xuất khẩu trong năm 2007 dự báo là 12.900 tấn, trong khi dự trữ gối vụ sang năm 2008 sẽ là 10.000 tấn.
Sản lượng tiêu của Việt Nam trong vụ mùa tới, bắt đầu vào tháng 3/07, sẽ tiếp tục giảm sau 3 năm giảm liên tiếp. Sản lượng sẽ thấp hơn 20% so với mức 125.000 tấn của năm 2006, do thời tiết và sâu bệnh. Việt Nam hiện chiếm đến 60% nguồn cung thị trường. Năm 2006, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 116.000 tấn tiêu, đạt kim ngạch hơn 190 triệu USD.
Trước mắt, dự kiến thị trường sẽ biến động theo nguồn cung của Ấn Độ và nhu cầu từ châu Âu và Trung Đông. Kể từ tháng 3, nguồn cung của Việt nam sẽ điều tiết thị trường tiêu thế giới. Thị trường hạt tiêu thế giới chắc chắn sẽ tiếp tục nóng trong năm 2007 do nguồn cung vẫn khan hiếm. Giá hạt tiêu xuất khẩu trong năm 2007 sẽ tiếp tục ổn định ở mức cao, khoảng 2.200 -2.500 USD/tấn.