Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội đầu tư dài hạn vào ngành giấy
28 | 06 | 2007
Theo Hiệp hội Giấy Việt Nam, nhu cầu giấy công nghiệp và giấy tissue của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, khoảng 20%/năm, trong khi khả năng cung ứng trong nước lại hạn chế, năm 2006, Việt Nam phải nhập khẩu 667.000 tấn giấy công nghiệp.
Ngày 14/6, Ủy ban Chứng khoán đã cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn (SGP Corp.), có vốn điều lệ 101,91 tỷ đồng, trong đó giá trị cổ phiếu quỹ là 1,15 tỷ đồng.
Tổng số lượng chào bán theo hình thức đấu giá công khai là 3 triệu cổ phiếu phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn tiền thân là Cơ sở Sản xuất giấy Sài Gòn, thành lập năm 1997, chuyên sản xuất giấy carton phục vụ cho ngành bao bì. Sau 10 năm phát triển, Giấy Sài Gòn đã trở thành một trong những doanh nghiệp giấy hàng đầu tại Việt Nam.
Theo Hội Doanh nghiệp trẻ Tp.HCM, Giấy Sài Gòn có nhiều điểm mạnh so với các doanh nghiệp giấy trên toàn quốc.
Thứ nhất là có dây chuyền sản xuất giấy thành phẩm từ giấy phế liệu nên giá thành sản xuất thấp, sức cạnh tranh cao. Giấy Sài Gòn có mạng lưới phân phối đều và rộng khắp trên toàn quốc với khả năng duy trì và phát triển hệ thống phân phối đạt hiệu quả cao, thương hiệu mạnh trên toàn quốc và trong khu vực, chất lượng sản phẩm tốt và phù hợp, hệ thống marketing, bán hàng, phân phối chuyên nghiệp.
Đặc biệt, Giấy Sài Gòn là công ty tiên phong của Việt Nam thâm nhập vào thị trường nguyên liệu cho ngành bao bì carton trong khu vực bên cạnh các đại gia như Siam Kraft, Asia, YFY... công ty đã xuất khẩu giấy bao bì gợn sóng (medium) sang thị trường Malaysia và thị trường châu Phi.
Hiện tại, ngoài việc xuất khẩu giấy công nghiệp, công ty cũng đang xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng giấy vệ sinh với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của cả hai ngành hàng giấy công nghiệp và giấy vệ sinh đạt khoảng 10% tổng doanh số, kế hoạch kim ngạch xuất khẩu đạt 20-25% tổng doanh số. Quý I/2007, sản lượng xuất khẩu của Giấy Sài Gòn đạt trên 3.000 tấn, trị giá khoảng 1 triệu USD, kế hoạch năm nay, kim ngạch xuất khẩu giấy công nghiệp của Giấy Sài Gòn sẽ đạt 5 triệu USD.
Tháng 4/2007, Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn chính thức khánh thành Nhà máy giấy Mỹ Xuân (Bà Rịa-Vũng Tàu) sau gần 3 năm xây dựng và chạy thử. Nhà máy giấy Mỹ Xuân chuyên sản xuất giấy công nghiệp và giấy tissue (giấy vệ sinh, khăn giấy) có công suất 93.000 tấn/năm được khởi công vào tháng 4/2004 trên diện tích hơn 50.000 m2, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD với dây chuyền sản xuất thuộc loại hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, công nghệ châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.
Giấy Sài Gòn cũng đã đầu tư và đưa vào hoạt động Nhà máy Giấy Sài Gòn miền Trung vào tháng 8/2006, đồng thời đang triển khai xây dựng Nhà máy giấy Mỹ Xuân 2 và Nhà máy Giấy Sài Gòn miền Bắc với tổng công suất 2 nhà máy là 300.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư trên 100 triệu USD.
Dự kiến giữa năm 2008 và đầu năm 2009, hai nhà máy mới sẽ đi vào hoạt động và khi chạy hết công suất, doanh thu của Giấy Sài Gòn sẽ đạt trên 2.000 tỷ đồng/năm.
Theo Hiệp hội Giấy Việt Nam, nhu cầu giấy công nghiệp và giấy tissue của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, khoảng 20%/năm, trong khi khả năng cung ứng trong nước lại hạn chế, năm 2006, Việt Nam phải nhập khẩu 667.000 tấn giấy công nghiệp.
Theo Quyết định số 07/2007/QĐ-BCN ban hành ngày 30/1/2007 về quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, ngành giấy sẽ tập trung phát triển vùng nguyên liệu giấy nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất, hạn chế rủi ro trong việc nhập khẩu bột giấy (năm 2006, Việt Nam phải nhập 130.000 tấn bột giấy với giá tăng 10-20% so với năm trước).
Theo quy hoạch, đến năm 2010, trồng 470.000 ha rừng nguyên liệu giấy, sản xuất 600.000 tấn bột giấy và 1,38 triệu tấn giấy, năm 2020 trồng thêm 907.000 ha rừng nguyên liệu giấy, sản xuất 1,8 triệu tấn bột giấy và 3,6 triệu tấn giấy, đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm giấy trong nước.
Hiện đã có một số dự án sản xuất bột giấy lớn đang được triển khai như: Nhà máy giấy và bột giấy Thanh Hóa, công suất 50.000 tấn bột và 60.000 tấn giấy/năm, Nhà máy bột giấy Phương Nam (Long An) 100.000 tấn giấy/năm. Nhà máy bột giấy An Hòa (Tuyên Quang) 130.000 tấn bột/năm, dự án mở rộng Nhà máy giấy Bãi Bằng giai đoạn 2, công suất 250.000 tấn/năm.
Những nhà máy này sẽ đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu bột giấy cho nhiều doanh nghiệp sản xuất giất trong nước, hạn chế dần bột giấy nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh của ngành giấy Việt Nam.


Nguồn tin: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường