Năm 2006, sản lượng của ngành giấy đạt 997,4 ngàn tấn, tăng 10,2% so với năm 2005. Tuy nhiên do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm giấy tăng mạnh (khoảng 1,57 triệu tấn) nên để đáp ứng nhu cầu, ngành giấy đã tích cực mở rộng, xây dựng các cơ sở mới, gia tăng sản lượng. Hiện nay, ngành giấy chỉ mới đáp ứng được 71,9% nhu cầu về in báo, 88,4% giấy in và viết, 55% làm bao bì lớp mặt, 43,5% làm bao bì lớp giữa, 7,3% giấy tráng phấn, 97,6% giấy tissue và 100% giấy vàng mã, còn lại phải nhập khẩu.
Thiết bị lạc hậu
Trong năm 2006, giá bột giấy tăng 18%-20% và một số nguyên liệu đầu vào như xăng dầu tăng 22%, nguyên liệu thô tăng 20% so với cùng kỳ năm 2005, việc nhập khẩu giấy phế liệu gặp nhiều khó khăn do quy định nghiêm ngặt về môi trường…
Trong khi Việt Nam có tiếng rừng vàng, biển bạc nhưng ngành giấy Việt Nam luôn bị lệ thuộc vào bột giấy nhập ngoại. Năm qua, toàn ngành giấy đã phải nhập khẩu trên 130.000 tấn bột giấy để phục vụ sản xuất, việc này đã gây ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của toàn ngành.
Ngoài ra, trình độ quản lý và điều hành doanh nghiệp trong ngành còn hạn chế. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất có quy mô vừa và nhỏ, thiết bị khá lạc hậu, khoảng cách về quy mô sản xuất, trình độ công nghệ của Việt Nam xa dần so với các nước cận kề trong khu vực.
Hiện tại, ngành giấy có 46,4% doanh nghiệp có công suất dưới 1.000 tấn/năm, 42% doanh nghiệp có công suất từ 1.000 tấn đến 10.000 tấn/năm, chỉ có khoảng 4 doanh nghiệp có công suất trên 50.000 tấn/năm.
Nếu so sánh với Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp của họ có công suất tới 800.000 tấn/năm, khổ rộng máy xeo (tương đương với khổ rộng của giấy) rộng gấp rưỡi so với máy xeo của các doanh nghiệp Việt Nam. Đã vậy, sự liên kết, hợp lực và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành còn yếu, hiện tượng giấu nghề, không muốn chia sẻ kinh nghiệm với nhau còn khá phổ biến trong ngành. Việc này đồng nghĩa với hiệu quả sản xuất chưa cao của nhiều doanh nghiệp sản xuất.
Không chỉ vậy, ngành giấy đối mặt với thực trạng thiếu bột giấy nghiêm trọng nhưng nhiều dự án đầu tư sản xuất bột giấy nấu tẩy hay bột nấu không được triển khai theo kế hoạch, thậm chí phá sản sau nhiều năm triển khai như dự án bột giấy Kon Tum khiến cho ngành giấy mất nhiều cơ hội. Những vấn đề trên đã dẫn đến ngành giấy chưa phát huy hết công suất của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cần liên kết - yêu cầu mới
Trong năm qua, để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng giấy và nhu cầu bột giấy cho sản xuất, ngành giấy đã tích cực đầu tư mở rộng, xây dựng các cơ sở mới nhằm gia tăng sản lượng nhưng vẫn không đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng.
Hiện nay, đã có một số dự án sản xuất bột giấy lớn đang được triển khai: dự án Nhà máy Giấy và Bột giấy ở Thanh Hóa công suất 50.000 tấn bột và 60.000 tấn giấy/năm; Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Long An) 100.000 tấn/năm; Nhà máy Bột giấy An Hòa (Tuyên Quang) 130.000 tấn/năm; mở rộng Công ty Giấy Bãi Bằng giai đoạn 2 công suất 250.000 tấn/năm…
Các nhà máy này, nếu sớm đưa vào hoạt động, sẽ đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu bột giấy cho nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước trong thời gian tới. Đáng ghi nhận, một số doanh nghiệp cũng đã đầu tư đa dạng hóa mặt hàng, như Tân Mai đưa ra thị trường sản phẩm giấy tráng phấn chất lượng cao, Việt Trì và Giấy Sài Gòn có sản phẩm giấy duplex…
Để thúc đẩy và phát triển ngành giấy Việt Nam trong thời gian tới, Hiệp hội ngành Giấy Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành, bao gồm: các doanh nghiệp cần đổi mới thiết bị và cải tiến công nghệ, dây chuyền, công nghệ sản xuất hiện nay phải liên tục được hoàn thiện; năng lực quản trị và nguồn nhân lực phải được đào tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Đặc biệt, để khai thác triệt để nguồn vốn hiện có, các doanh nghiệp nên tham gia vào thị trường chứng khoán để huy động được nguồn vốn lớn xây dựng các nhà máy với quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, tích cực thực hiện công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng nguyên liệu giấy và các biện pháp phòng chống cháy rừng tại các lâm trường và công ty nguyên liệu giấy.
Các doanh nghiệp cũng thống nhất, việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành giấy với nhau để tranh thủ cơ hội mới, ứng phó với những thách thức mới, thu hút các tập đoàn nước ngoài liên doanh, liên kết để chuyển giao công nghệ, cải tiến phương thức quản trị kinh doanh, tiếp cận và khai thác thị trường mới trong giai đoạn hội nhập.