Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và Nhật cũng là thị trường tiềm năng trong khu vực. Nếu không giải quyết tốt vụ việc có khả năng gạo Việt Nam cũng sẽ giống thủy sản. Bộ Thương mại Việt Nam cho biết vừa qua đã nhận được thông báo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản về việc hải quan Nhật Bản phát hiện một số lô hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam vi phạm về qui định vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này.
Theo đó, hai lô hàng có trọng lượng gần 300.000 kg gạo tẻ bị phát hiện có dư lượng acetarmiprid cao, 0,03 ppm, cao gấp ba lần tiêu chuẩn cho phép là 0,01ppm. Hai lô hàng được tàu Stella Cosmo vận chuyển đến Nhật vào ngày 1/5/2007 sau khi rời cảng Việt Nam vào ngày 22/4/2007.
Của công ty nào cũng là gạo Việt Nam
Theo Bộ Thương mại, hai lô hàng này vẫn đang bị giữ tại cảng của Nhật và sẽ bị kiểm tra theo lệnh của Bộ Y tế, Lao động và Phúc Lợi Nhật Bản, tức sẽ bị kiểm tra 30% lô hàng. Hai lô hàng trên thuộc hợp đồng trúng thầu cho Chính phủ Nhật Bản với tổng sản lượng trên 30.000 tấn.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng thư ký Hiệp hội lương thực Việt Nam, cho biết đã được cơ quan Việt Nam thông tin về vụ việc xảy ra ở Nhật. Tuy nhiên, bà nói rằng hiệp hội chưa nhận được phản ánh của khách hàng về những lô hàng nói trên. “Cho đến nay, những lô hàng gạo xuất khẩu vào thị trường Nhật đã được thanh toán đầy đủ nhưng chúng tôi không nhận được phản ánh hay phàn nàn nào về dư lượng từ phía đối tác”, bà Nguyệt nói.
Theo bà Nguyệt, thị trường Nhật rất khó tính về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nên các nhà xuất khẩu Việt Nam rất cẩn thận và việc kiểm tra được tiến hành rất nghiêm ngặt từ khâu kiểm tra hàng ở Việt Nam, thậm chí cả đối với dư lượng chất trừ sâu vốn được sử dụng khá nhiều trong gieo trồng lúa gạo ở Việt Nam. Bà còn cho biết thêm rằng các mẫu gạo được kiểm tra không chỉ ở Việt Nam mà còn được đưa sang Thái Lan và cả Nhật Bản để kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi lô hàng được xuất khẩu.
Mặc dù phát hiện ra những lô hàng vi phạm nhưng cơ quan chức năng của Nhật Bản chưa xác định được lô hàng trên thuộc công ty nào. Gạo Việt Nam xuất sang Nhật do nhiều nguồn cung cấp khác nhau và thông qua đầu mối Tổng công ty Lương thực miền Nam. Chính vì vậy, việc xác định lô hàng trên đối với phía Nhật cực kỳ khó khăn.
Theo bà Nguyệt, theo yêu cầu của Bộ Thương mại, Hiệp hội cũng tiến hành kiểm tra nhưng bà nói rằng việc truy tìm nguồn gốc đơn vị cung cấp gạo cũng rất khó khăn. Bộ Y tế, Lao động và Phúc Lợi Nhật yêu cầu phía Việt Nam phối hợp để truy xuất nguồn gốc gạo. Theo Bộ Thương mại Việt Nam, việc phát hiện những lô hàng có dư lượng acetarmiprid cao sẽ ảnh hưởng đến uy tín chung và việc xuất khẩu gạo của Việt Nam, mặt hàng xuất khẩu chủ lực quốc gia.
Kiểm tra gắt gao trước khi xuất hàng Bộ Thương mại kêu gọi các đơn vị cung cấp và những công ty đầu mối cần có biện pháp mạnh, hữu hiệu để ngăn chặn dư lượng kháng sinh bị cấm trong thực phẩm. Nếu tình hình không được cải thiện hoặc tái diễn thường xuyên, phía Nhật sẽ có những biện pháp mạnh đối với mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Kiểm tra 100% hàng trước khi cho vào thị trường là biện pháp nghiêm khắc nhất mà cơ quan hải quan Nhật có thể sẽ áp dụng nếu số lô hàng bị phát hiện vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng nhiều. Khi đó, thiệt hại đối với doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất lớn vì ít nhất doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất thời gian và chi phí cho việc kiểm tra 100% lô hàng.
Thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang bị cơ chế kiểm tra 100% ở cửa khẩu Nhật Bản cũng vì dư lượng kháng sinh vượt quá qui định cho phép là bài học đang được nhắc đến nhân vụ gạo. Mặt hàng này đã từng được phía Nhật cũng như Bộ Thương mại khuyến cáo nhiều lần ngay từ khi những lô hàng đầu tiên bị phát hiện chứa chloramphenicol hàm lượng cao. Tuy nhiên, liên tiếp sau đó, nhiều lô hàng tôm xuất khẩu khác cũng chứa dư lượng chloramphenicol và hợp chất khác tương tự bị phát hiện.
Trước tình hình này, phía Nhật đã phải áp dụng những biện pháp ngăn ngừa từ không kiểm tra, đến kiểm tra 30%, 50% và cuối cùng là 100%. Gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ như thủy sản nếu tình hình không được cải thiện. Bộ Thương mại đã khuyến cáo rất nhiều lần vấn đề dư lượng trong gạo xuất sang Nhật từ năm ngoái cũng như các thay đổi trong qui định trong Luật Phòng dịch thực vật của Nhật. Nhiều lo ngại liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt ra khi sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này ngày càng nhiều.
Nhật Bản là một trong những thị trường tiềm năng của Việt Nam ở thị trường châu Á. Phần lớn gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật là những hợp đồng trúng thầu do Chính phủ Nhật tổ chức. Hàng năm, Chính phủ Nhật tổ chức nhiều cuộc đấu thầu nhập khẩu gạo từ nước ngoài, các nhà nhập khẩu Nhật đại diện các nhà xuất khẩu tham gia đấu thầu.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã trúng thầu ít nhất là ba đợt với tổng sản lượng trên 45.000 tấn bao gồm gạo tẻ và nếp. Giá trúng thầu của đợt cuối cùng là 52.804 Yên Nhật/tấn tương đương 459,16 USD/tấn. Năm ngoái, Việt Nam trúng thầu 120.000 tấn, trong đó khoảng 3.000 tấn gạo nếp trong khi năm 2005 chỉ gần 80.000 tấn, trong đó 80 tấn gạo nếp.
Từ năm 2002, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Nhật thông qua những cuộc đấu thầu do Chính phủ Nhật tổ chức như thế và kể từ đó lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam qua từ thị trường này càng tăng.