Vấn đề an toàn thực phẩm đã được dư luận đặc biệt quan tâm, sau khi một số sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc bị nhiều nước phát hiện có chứa chất độc và hóa chất công nghiệp. Những biện pháp kiểm duyệt khắt khe mà Mỹ vừa ban hành đã khiến nhiều người lo ngại hàng Trung Quốc có thể bị tẩy chay. Bất an vì thực phẩm nhiễm độc
Mỹ vừa lên tiếng cảnh báo hiện tượng chất độc trong rác thải điện tử từ các nước phương Tây xuất khẩu sang Trung Quốc đang quay trở lại nơi xuất phát dưới hình thức các sản phẩm tái chế.
Mới đây, Ủy ban Giám sát an toàn sản phẩm tiêu thụ Mỹ (EPA) cũng đã ban hành 18 văn bản thu hồi 6,7 triệu sản phẩm trang sức dành cho trẻ em, hầu hết được sản xuất tại Trung Quốc, có chứa một lượng chì gây nguy hại cho sức khoẻ.
Người ta đã phát hiện chì trong nhiều mặt hàng do Trung Quốc sản xuất bán tại Mỹ, kể cả trong các bộ quần áo, găng tay làm vườn cho trẻ em, các đồ trang sức rẻ tiền, dây đeo chìa khoá có hàm lượng chì độc hại có nguồn gốc từ chính các máy tính và các sản phẩm điện tử cũ của các nước phương Tây được bán lại cho nước này.
Theo số liệu của Liên hiệp quốc, mỗi năm thế giới thải ra một lượng rác điện tử lên tới 50 triệu tấn.
El Salvado đã thừa nhận về sự xuất hiện của kem đánh răng chứa độc tố diethylene glycol, một hóa chất chống đông được sử dụng trong bộ tản nhiệt của xe hơi đặc biệt có hại đối với sức khỏe con người, tại quốc gia Trung Mỹ này.
Hóa chất này đã từng gây tử vong cho hơn 100 người tại Panama. Ngoài ra, một số loại kem đánh răng khác có chứa độc tố cũng bị phát hiện và thu giữ tại Ondurat, Guatemala, Nicaragua, Costa Rica và Cộng hòa Dominicana.
Ngay cả tại Trung Quốc, trong những năm gần đây người dân cũng cảm thấy bất an vì thực phẩm nhiễm độc.
Tờ Nhật báo Trung Quốc dẫn lời một quan chức của Cơ quan Quản lý giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc cho biết, một vài hóa chất như formaldehyde, thuốc nhuộm bất hợp pháp và sáp công nghiệp đã được tìm thấy trong các sản phẩm như kẹo, bánh, dưa muối và hải sản của Trung Quốc và đây không phải là những trường hợp lẻ tẻ.
Phải tăng cường kiểm soát trên toàn cầu
Trước tình hình trên, Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm (CAC) của Liên hiệp quốc vừa thông qua 44 tiêu chuẩn thực phẩm mới nhằm xác lập các quy định về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các thành viên.
Theo đó, cắt giảm lượng salmonela và campylobacter, hai loại khuẩn đang gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trên toàn thế giới. CAC cũng thông qua các biện pháp nhằm giảm nguy cơ nhiễm Ochratoxin A, một loại độc tố có hại cho thận, thường nảy sinh trong quá trình sản xuất rượu vang; xem xét lại công thức chế biến sữa dành cho trẻ em...
Cơ quan kiểm soát thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã ra lệnh ngừng nhập khẩu một số hàng thủy sản của Trung Quốc vì lo ngại rằng các mặt hàng này có chứa những chất kháng sinh có tiềm năng gây nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Tổng thống Mỹ G.Bush vừa quyết định thành lập một nhóm cấp cao trực thuộc chính phủ liên bang do Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ con người Michael Leavitt phụ trách, có nhiệm vụ đề xuất các biện pháp kiểm dịch mức độ an toàn thực phẩm và các sản phẩm khác nhập khẩu vào Mỹ.
Hàng thực phẩm, nông sản và thuỷ sản xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ lên tới 4,2 tỷ USD năm 2006, tăng mạnh do với mức 880 triệu USD năm 1996.
Hạ viện Mỹ vừa bỏ phiếu thông qua dự luật cấp thêm 400 triệu USD cho Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để phục vụ công tác đảm bảo an toàn dược phẩm trong thời gian 5 năm.
Theo đó, FDA phải tiến hành kiểm tra hàng năm độ an toàn của các loại thuốc nhất định trong 3 năm đầu tiên được đưa ra thị trường và kiểm tra lại 1 lần nữa vào năm thứ 7.
Trung Quốc cũng đã siết chặt hơn các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nhằm lấy lại danh tiếng cho hàng hoá Trung Quốc. Ngày 20/7, Tổng cục Thanh tra giám định chất lượng Trung Quốc cho biết đã rút giấy phép xuất khẩu của 3 nhà máy hoá chất và một số đơn vị khác do phát hiện trong sản phẩm của họ có những hoá chất độc hại không được phép.
Trước đó, nước này đã đóng cửa 180 nhà máy thực phẩm sau khi các thanh tra phát hiện ra những hoá chất công nghiệp được dùng trong sản xuất các sản phẩm của họ.
Trung Quốc cũng đã thi hành án tử hình đối với nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia Trịnh Tiêu Du vì tội nhận hối lộ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.