Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không thể giữ bí mật tài chính mãi được nữa!
30 | 08 | 2007
Công khai báo cáo tài chính trong các doanh nghiệp Nhà nước là một trong những cơ sở quan trọng để người dân, với tư cách là người đóng thuế, ngoài việc biết được tiền thuế của mình đã được Chính phủ sử dụng như thế nào, còn có thể giám sát hoạt động kinh doanh và sử dụng tài sản nhà nước, cũng như tham gia góp ý các vấn đề mang tính quốc sách cho nước nhà.
Hiệu ứng của công khai báo cáo tài chính Sau khi lần đầu tiên công khai báo cáo kiểm toán nhà nước, người dân mới biết chính xác con số không nhỏ các tập đoàn và tổng công ty lớn có kết quả tài chính vô cùng tệ hại. Và đứng trước sức ép của công luận, Chính phủ đã phải yêu cầu dừng lại chủ trương cho phép một số tổng công ty và tập đoàn tiếp tục vay nợ nước ngoài thông qua phát hành trái phiếu quốc tế. Hoặc như vụ giá xăng dầu, đứng trước sức ép của công luận đòi hỏi phải công khai mức lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ Thương mại mới cho công bố mức siêu lợi nhuận của ngành này. Và sự thật mới được sáng tỏ: sau hai lần giảm giá và tính toán hết các khoản thuế tăng thêm, chi phí vận chuyển, kho bãi, lợi nhuận còn lại... lên đến 1.000 đồng cho 1 lít xăng (điều mà hàng chục năm trước đây người dân không thể biết được), mà đây cũng mới chỉ là con số do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự giác khai báo với cấp trên, lợi nhuận thật ắt còn phải cao hơn con số này. Nhờ vậy các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mới không còn lý do để không thể không giảm giá xăng dầu. Hay như vụ Tổng công ty Điện lực (EVN) cứ một mực than thở thiếu vốn nên phải tăng giá điện. Thế nhưng đứng trước sức ép đòi phải công khai hoạt động trước khi tăng giá điện, người dân vô cùng bất ngờ khi biết rằng có một lượng vốn không nhỏ trong vốn đầu tư lại chuyển hướng sang một lĩnh vực trái khoáy là viễn thông, thay vì đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho sản xuất và cung ứng điện năng. Do... bị lộ những thông tin này mà phần nào đó EVN không thuyết phục được Chính phủ đồng ý cho phép tăng giá điện. Cơ chế hiện tại không cho phép người dân giám sát doanh nghiệp Nhà nước Thực tế này cho thấy điều quan trọng nhất sắp tới đây là người đóng thuế làm sao có thể tham gia việc giám sát một cách thường xuyên hơn nữa hoạt động kinh doanh và báo cáo tài chính - đã được báo cáo kiểm toán - của các doanh nghiệp Nhà nước, thay vì chỉ được biết sau mỗi khi có các sự cố đụng chạm đến quyền lợi thiết thực của mình, hay chỉ mỗi năm một lần khi kiểm toán Nhà nước báo cáo trước Quốc hội. Người dân có thể thực hiện “quyền được biết” này thông qua giải mã từ báo cáo kiểm toán Nhà nước. Thế nhưng điều bất thường là vẫn còn đó những vùng đất cấm và những điều chưa minh bạch trong một báo cáo được gọi là công khai lần đầu tiên trong năm nay: danh mục các doanh nghiệp Nhà nước và số liệu cụ thể về kết quả tài chính các doanh nghiệp Nhà nước được kiểm toán vẫn chưa được công bố trên trang web của kiểm toán Nhà nước (có thể các dữ kiện này được gửi đến các đại biểu Quốc hội hay chăng?). Hơn nữa, như thú nhận của vị đứng đầu, kiểm toán Nhà nước dù có ba đầu sáu tay cũng không thể đủ lực để kiểm toán hết toàn bộ khu vực doanh nghiệp Nhà nước mỗi năm. Như vậy, một cách khác để thực hiện quyền được biết rất hiệu quả là tìm thông tin trên trang web của các doanh nghiệp Nhà nước. Đáng ngạc nhiên là khi vào trang web của hàng loạt tập đoàn và tổng công ty lớn, ta cũng chỉ thấy toàn là thành tích, huân chương, huy chương mà không thấy bất cứ số liệu và thuyết minh nào về báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Chẳng hạn như người dân muốn quan tâm đến việc tiền thuế của mình được sử dụng ra sao nhân “kỷ niệm” một năm ngày Vinashin nhận 750 triệu USD trái phiếu quốc tế từ Chính phủ, cách duy nhất chỉ là truy cập vào trang web của Vinashin (do không còn kênh thông tin nào khác). Ta thấy ngay một tiêu điểm rất hot là “hoạt động tài chính”, nhưng cũng chỉ được vài dòng với các thông tin “thúc đẩy”, “mở rộng”, “cố gắng” mà không có bất kỳ số liệu nào về kết quả tài chính. Chỉ có các yếu tố định tính mơ hồ, hoàn toàn vắng bóng các định lượng kết quả tài chính. Trong khi thực tế thì điều mâu thuẫn là: bất chấp các thông tin liên tục về việc Vinashin nhận được hợp đồng này hợp đồng nọ, tỉ suất lợi nhuận trước thuế chỉ là 0,42% và số tiền còn thiếu nợ ngân sách nhà nước gần 70 tỉ đồng. Điều mà người dân quan tâm là với một kết quả tài chính quá yếu kém như thế, liệu việc sử dụng 750 triệu USD, việc trả nợ và tương lai sắp tới là như thế nào thì hoàn toàn không được thể hiện. Chẳng lẽ người đóng thuế không được quyền biết những thông tin như thế? Minh bạch tài chính là xu hướng tất yếu để hội nhập thành công Thiết nghĩ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước đâu phải là bí mật quốc gia lớn đến nỗi phải không công khai cho dân biết. Không thể viện lý do rằng trên thực tế Chính phủ đã lập ra một Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước đứng ra quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước, nên các báo cáo tài chính chỉ cần được báo cáo với Chính phủ hay các bộ ngành là đủ, hoặc công khai thì sẽ làm lộ bí mật kinh doanh. Đây là những lập luận quá lỗi thời và không phù hợp với xu hướng minh bạch tài chính khi Việt Nam là thành viên của WTO. Mỗi đối tượng có những mục tiêu riêng khi sử dụng quyền được biết của mình từ báo cáo tài chính. Công khai báo cáo tài chính trong hệ thống các ngân hàng thương mại và công ty cổ phần giúp các doanh nghiệp này luôn chịu sự giám sát của các nhà đầu tư. Ngoài ý nghĩa nữa là người dân và các nhóm lợi ích - như của người tiêu dùng - có thể tham gia góp ý chính sách cho Chính phủ, công khai kết quả tài chính đã được kiểm toán đối với các doanh nghiệp Nhà nước còn có mục đích chính là để người dân trực tiếp giám sát tiền thuế của mình được sử dụng hiệu quả ra sao. Đó là chưa kể còn nhiều đối tượng khác mong muốn việc công khai tài chính để xem trên thực tế Chính phủ có thực hiện một sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế khác hay không. Các khoản trợ cấp bất hợp lý và những chính sách ưu đãi nếu có sẽ được phát hiện từ việc công khai này. Chúng ta vì thế mong chờ Nhà nước cần sớm triển khai một đạo luật bắt buộc các doanh nghiệp Nhà nước phải công bố báo cáo tài chính trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này còn là công cụ thiết thực nhằm triển khai có hiệu quả Luật phòng chống tham nhũng, và cũng để người dân kiểm chứng tính hợp lý và hợp pháp của việc các doanh nghiệp Nhà nước có khả năng móc túi dân thông qua các chiến dịch tăng giá hay thu phí vô tội vạ vì những lý do mà người dân không thể kiểm chứng được.

(Nguồn: Tuổi trẻ)
Báo cáo phân tích thị trường