Thương Mại - Để các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường và đa dạng hoá các mặt hàng, nhanh chóng thích nghi với yêu cầu của thị trường thế giới cần thực hiện một số biện pháp mang tính tình thế trong giai đoạn hiện nay như: +Trong tình hình gỗ nguyên liệu trong nước ngày càng khan hiếm cả về số lượng và chủng loại, việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu gặp nhiều khó khăn ách tắc từ nước ngoài, giá đầu vào nguyên liệu tgỗ nhập tăng đột biến, tỉnh có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng trong nước và nước ngoài, nhất là liên kết trồng rừng nguyên liệu tại Lào và Cămpuchia. Đi đầu trong nỗ lực chuyển hướng này có một số doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu như: Khải Vy,Tiến Đạt, Quốc Thắng, Đại Thành, Mỹ Tài, Duyên Hải. Hiện nay toàn tỉnh có 10 doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu được cấp chứng chỉ COC, áp dụng quản lý theo tiêu chuẩn ISO và sử dụng gỗ nguyên liệu có nguồn gốc trong các rừng được quản lý bền vững (FSC). +Trước nhu cầu đa dạng, phong phú về mặt hàng của thị trường thế giới, tỉnh chủ trương chuyển hướng một số doanh nghiệp chế biến các mặt hàng gỗ ngoài trời sang sản xuất các mặt hàng gỗ nội thất. Điều này liên quan đến vốn đầu tư mở rộng nhà xưởng, công nghệ mới, đào tạo công nhân kỹ thuật và thiết kế mẫu mã để đáp ứng yêu cầu các thị trường. Chính nhờ sự chuyển hướng này, thị trường xuất khẩu gỗ của Bình Định đã tăng từ 36 đầu mối lên 56. Trong đó châu á chíêm tỷ trọng 1,7%; châu Âu 89%; châu Mỹ 5,9%; châu Đại dương 3,1%; châu phi 0,33%. Đặc biệt đã mở thêm các thị trường mới chiếm tỷ trọng lớn như: Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italia, Mỹ, Bỉ, Hy Lạp và Đan Mạch. +Tập trung chỉ đạo quy hoạch các khu công nghiệp nhất là khu kinh tế Nhơn Hội; trong đó ưu tiên phát triển tập trung các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2010 đưa tổng năng lực chế biến gỗ xuất khẩu của Bình Định lên 250.000 m3. Trong đó gỗ nội thất chiếm từ 3% trở lên. Từng bước, đa dạng hoá sử dụng nguyên liệu gỗ đầu vào như gỗ nông nghiệp, gỗ vườn, gỗ ép công nghệ; đồng thời tìm kiếm những mẫu mã mới có khả năng kết hợp sản phẩm gỗ với các loại nguyên liệu khác nhằm giảm sức ép về nguồn nguyên liệu nhập khẩu. |