“Lỡ tàu” Trung Thu Singapore
Tính đến cuối tháng 8/2007, Cty Nguyễn Phan (Cần Thơ) đã XK sang Hongkong 182 container trứng vịt muối, thu về hơn 1,644 triệu USD. Mùa Trung Thu này, ngoài khách hàng Hongkong, Cty Nguyễn Phan khẩn trương chuẩn bị lô hàng lớn cho khách hàng Singapore. Kai Young Huat và Amazeal Pte Ltd là các khách hàng mới mà Nguyễn Phan vừa "bắt tay" hồi đầu năm, sau thời gian bị "đóng băng" vì dịch cúm gia cầm. Đặc biệt, Tập đoàn Kai Young Huat rất mê loại trứng muối từ vịt chạy đồng. Hiện mỗi ngày, Nguyễn Phan thu mua 300-400 ngàn trứng. Từ giữa tháng 7/2007, Cty Nguyễn Phan đã tạo chân hàng, "căn" cho chất lượng hột đủ thời gian kiểm dịch, làm các thủ tục XK để khi hàng lên tàu đến Singapore là vừa đúng lúc sử dụng. Đầu tháng 8/2007, Cty Nguyễn Phan đã xuất 4 container hàng mẫu. Tuy nhiên, do một số nội dung ghi trong "Giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật" không tương thích với đòi hỏi của AVA nên việc XK đang gặp trục trặc. Cụ thể, theo AVA, nhà máy chế biến phải có mã số (code), đàn vịt phải có tên, địa chỉ và code trại chăn nuôi; còn nội dung, AVA chỉ yêu cầu Cơ quan Thú y VN (DAH) chứng nhận chất lượng sản phẩm đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm mà không cần nêu phương pháp kiểm tra. Trong khi đó, trên toàn quốc chỉ có 3 DN đăng ký hoạt động XK trứng vịt muối nhưng chưa được cấp code bao giờ. Tương tự, hàng trăm đàn vịt chạy đồng ở ĐBSCL được quản lý bằng "Sổ đăng ký chăn nuôi vịt chạy đồng" do UBND xã cấp. Cty Nguyễn Phan cũng đã chuẩn bị lượng hàng đủ "đóng" 16 container (gần 1,5 triệu hột); trong đó, 8 cont đầu tiên đã hoàn thành thủ tục kiểm dịch và đang làm thủ tục kiểm dịch lượng hàng đủ cho 8 container tiếp theo "rất ngon trớn" thì mọi việc bị "khựng" lại vì thủ tục giấy tờ.
Tại tỉnh Vĩnh Long, DNTN Vĩnh Nghiệp cũng có hoạt động tương tự nhưng quy mô nhỏ hơn, khoảng 1/3 năng lực và quy mô hoạt động của Nguyễn Phan. Với thị trường Hongkong, mấy năm qua, DNTN Vĩnh Nghiệp xuất đi khoảng 6-7 triệu hột/năm. Hiện Vĩnh Nghiệp cũng bị kẹt tại Singapore 200.000 trứng (gần 4 container).
Cơ hội lớn nhưng... mong manh?
GĐ Cty Nguyễn Phan, ông Nguyễn Hữu Phước cho biết: Chủ tịch Tập đoàn Kai Young Huat - Aloysius Lee đã trực tiếp đến cơ sở sản xuất của Cty ông tại Phước Thới (Ô Môn) và đã khẳng định: "Chính nhờ vịt chạy đồng, ăn thức ăn tự nhiên trên đồng ruộng nên chất lượng trứng hơn hẳn loại trứng vịt từ trang trại nuôi công nghiệp".
Ông Lee còn yêu cầu ông Phước chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để đủ sức cung ứng cho riêng Kai Young Huat cỡ 20-30 triệu hột/năm. Ngoài ra, hai ông còn bàn tới việc mở rộng sản xuất mặt hàng trứng muối khác như trứng cút muối, trứng cút bắc thảo... Đây là một tín hiệu tốt không chỉ cho riêng Cty Nguyễn Phan mà còn là cơ hội cải thiện đời sống cho hàng ngàn nông gia ĐBSCL. Nhưng...
Tại cuộc họp chiều ngày 4/9/2007, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VII, ông Nguyễn Bá Thành cho rằng, cơ quan ông và ngay cả DAH cũng chưa thể ngay lập tức cấp code nhà máy, code trang trại vì khó kiểm soát. Bởi lẽ, đặc điểm vịt chạy đồng ở ĐBSCL là một tập quán lâu đời, một hoạt động kinh tế phụ ít đầu tư nhưng tạo thêm thu nhập. Mấy năm qua, khi VN xuất hiện cúm gia cầm, đã có lúc Chính phủ đã phải quyết định áp dụng biện pháp "cứng rắn": Tiêu hủy. Khi dịch bệnh lắng dịu và xây dựng được hệ thống kiểm soát, hoạt động tái đàn lại được phép phát triển dưới sự quản lý của địa phương, cơ sở và các cơ quan chức năng. Các ngày 11 và 12/8/2007, Cơ quan Thú y vùng VII yêu cầu DN thông báo số đàn vịt có đăng ký bán trứng và cử kiểm dịch viên (KDV) đi thẩm tra hoạt động chăn thả thực tế. Tiếp đó, KDV cũng kiểm tra các cơ sở chế biến Nguyễn Phan, Vĩnh Nghiệp và nêu khuyến cáo với các cơ sở sản xuất nhưng chưa thể cấp code được.
Về lô hàng "lỡ" chuẩn bị theo đơn đặt hàng đi Singapore, ngày 31/8/2007, GĐ Cty Nguyễn Phan phải đi tìm lối thoát nội địa cho lô hàng 16 container bị "vướng". Hệ lụy chắc chắn là không ít. Tuy nhiên, DAH vẫn tiếp tục "đề nghị: Cơ quan Thú y vùng tiếp tục hướng dẫn các Cty hoàn thiện hồ sơ, điều kiện vệ sinh thú y cơ sở chế biến trứng, quy trình chế biến trứng muối…". Đồng thời, DAH yêu cầu các DN "khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện hồ sơ XK trứng gia cầm theo đúng yêu cầu của nước NK để Đoàn Thanh tra của nước NK sang VN kiểm tra khi có yêu cầu".
Như vậy, cuộc họp chiều 4/9 cũng chưa mấy lạc quan cho hột vịt muối XK. Trong khi đó, thông tin từ Singapore cho biết, khi có những cảnh báo về Sudan red, Cơ quan Thú y Trung Quốc (CNESP) đã đăng ký với AVA danh sách 17 DN với đầy đủ code nhà máy, code trang trại nhằm tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động XK của DN.
Được biết, năm 1995-1997, VN đã có thời kỳ sản lượng trứng vịt muối đạt tới 40-50 triệu hột/năm. Tuy nhiên, hiện nay cả nước chỉ còn 02 DN sản xuất hột vịt muối XK với sản lượng khoảng 1/3 mức từng có. q Huy Bình
Khi cuộc họp đột xuất chưa tìm được lối ra, Cty Nguyễn Phan nhận được email của ông Loysius Lee: "Chúng tôi hiểu tình trạng của ông bây giờ. Rất vui mừng báo tin cho ông biết là AVA Singapore đã đồng ý hủy bỏ điểm thứ 5 (phương pháp kiểm tra - PV) trong Giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật (đối với 4 container hàng đang ở kho cảng Singapore - PV). Chúng tôi sẽ viết thư cho Cục Thú y (Hà Nội) và Cơ quan Thú y vùng VII để hỏi về việc phát hành Giấy chứng nhận kiểm dịch mà không cần điểm thứ 5 gởi cho ông. Hãy yên tâm tôi sẽ sớm gởi thư cho ông. Nhưng ông phải báo cho biết là ông đã để dành cho Kai Young Huat bao nhiêu container để tôi viết trong thư gởi cơ quan thú ý VN”.