Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bức tranh cận cảnh về CNTT Việt Nam
22 | 09 | 2007
Báo cáo Chỉ số sẵn sàng trong ứng dụng và phát triển ngành công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) của 64 tỉnh, thành phố và 30 bộ, ngành trong cả nước vừa được Hội Tin học Việt Nam (VAIP) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại Hội thảo “Hợp tác phát triển CNTT - TT Việt Nam lần thứ 11”.

Theo ông Lê Hồng Hà, Phó chủ tịch VAIP, có sự thay đổi rất tích cực trong bảng xếp hạng ICT Index năm nay. Cụ thể, với chỉ số cách biệt gần gấp rưỡi, Hà Nội và TP.HCM lần lượt chiếm hai vị trí đứng đầu trong số 64 tỉnh, thành phố. Điều đáng nói là, Hà Nội tuy được xếp hạng cao hơn TP.HCM về hạ tầng và nhân lực, nhưng chỉ số về ứng dụng và chỉ số sản xuất, kinh doanh lại tụt xa so với TP.HCM.

Tuy nhiên, ở “thê đội hai” đã có sự thay đổi đáng kể với sự xuất hiện của hai gương mặt mới là Bình Dương (vị trí 16 năm 2006) và Thừa Thiên - Huế (vị trí 12 năm 2006), lần lượt chiếm vị trí thứ 3 và 4. Tương tự, Nghệ An (17) tăng 20 bậc, Hưng Yên (16) tăng 22 bậc, Phú Thọ (11) tăng 33 bậc…

Ở khối các bộ, ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có cuộc “bứt phá” ngoạn mục, chiếm ngôi vị thứ nhất (tăng 24 bậc so với năm 2006). Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) bị rớt xuống vị trí thứ 4. Đáng chú ý là, một loạt bộ tăng hạng mạnh như Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) tăng 10 bậc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng 15 bậc, Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng 7 bậc…

Nếu so sánh giữa hai khối, có một nhật xét rất đáng lưu ý là, trong hầu hết chỉ số so sánh, khối bộ, ngành đều có sự vượt trội đáng kể. Cụ thể, bình quân đầu tư máy tính/đầu người của bộ, ngành là 7 máy tính/10 người so với mức 3/10 của khối tỉnh, thành phố; hoặc chỉ số kết nối Internet ở các bộ, ngành là 100%, trong khi các tỉnh, thành phố chỉ 67%...

Theo ông Lê Hồng Hà, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi ngoạn mục trên là do các tiêu chí đánh giá năm nay có nhiều thay đổi so với năm 2006, trong đó chú trọng đến các tiêu chí ứng dụng CNTT nhiều hơn. Nói cách khác, những bộ, ngành, tỉnh, thành phố “chịu khó” đầu tư cho ứng dụng CNTT-TT một cách hiệu quả sẽ đạt các thứ hạng cao hơn.

Trái ngược với nhận định lạc quan của các đơn vị tổ chức, ở giác độ các DN, đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh giá các chỉ số từ các địa phương hầu hết đều dựa trên báo cáo do chính các địa phương gửi về, nên có thể xảy ra tình trạng bộ, ngành, hoặc tỉnh/thành phố nào đó đã “sửa” báo cáo và như vậy sẽ tác động tích cực đến chỉ số so sánh được xếp hạng (!).

Theo đại diện VAIP, đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng Việt Nam ICT Index, mục đích chính của việc xây dựng chỉ số ICT Index là nhằm góp phần trả lời câu hỏi “CNTT - TT của chúng ta đang ở đâu?”. Kết quả của chỉ số này sẽ là cơ sở để đánh giá trình độ phát triển, sự thành công của các cơ chế chính sách hiện thời và làm cơ sở cho việc hoạch định các chiến lược phát triển trong tương lai của một đất nước, một vùng lãnh thổ, một ngành kinh tế hay một doanh nghiệp. Tính đến nay, chương trình trên đã thu hút 60/64 tỉnh, thành phố, 26/28 bộ, ngành, 29/48 ngân hàng thương mại, 44/97 tổng công ty 90-91 gửi báo cáo tham gia ICT Index.

Về cơ bản, ý nghĩa tích cực nhất của ICT Index là giúp các đối tượng biết được mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - TT của mình so với các đối tượng khác trong cùng ngành, cùng lĩnh vực, cùng địa bàn. Đặc biệt, ICT Index còn chỉ rõ cho các đối tượng về mức độ sẵn sàng trong các mảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực, ứng dụng và môi trường chính sách, giúp họ thấy được mảng nào là mảng tốt nhất, kém nhất để khẳng định hướng đi đúng đối với mảng tốt, tập trung cải thiện đối với mảng kém.

Rõ ràng, việc công bố ICT Index một cách hiệu quả sẽ giúp các cơ quan chính sách có được bức tranh thật về thị trường CNTT - TT, giúp họ xác nhận được chính xác hơn những cảm nhận lâu nay về ứng dụng và phát triển CNTT - TT của các địa phương và ở khía cạnh tích cực tạo nên hiệu ứng tích cực trong việc đầu tư phát triển ứng dụng CNTT - TT ở các địa phương. Tuy nhiên, về lâu dài, để chuẩn hóa các chỉ số với tính xác thực cao hơn, nên chăng cần có sự phối hợp tham gia khảo sát đánh giá thực tế từ các đơn vị chuyên ngành như Tổng cục Thống kê…



Theo thongtinthuongmaivietnam.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường