Ông Vũ Tấn Cương, giám đốc trung tâm CNTT Hà Nội cho biết trang web sẽ là nơi hội tụ các ý tưởng, chia sẻ những suy nghĩ về CNTT, nơi quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm giải pháp mới, nơi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp (DN) CNTT và khách hàng. Đồng thời, đây cũng sẽ là cầu nối giữa chính quyền thành phố Hà Nội với các nhà cung cấp sản phẩm, giải pháp. Trang web là địa chỉ tư vấn, giải đáp các thắc mắc về CNTT. Ngay trong diễn đàn đầu tiên, nhiều DN CNTT đã chia sẻ những kinh nghiệm ứng dụng CNTT tại DN mình.
|
Hình ảnh lễ ký kết |
Ông Lê Ngọc Quang, giám đốc công ty cổ phần Phần Mềm VIAMI đưa ra một số sai lầm mà các DN thường mắc phải khi lựa chọn giải pháp CNTT, đó là: quá chú trọng phần cứng, còn phần mềm thì có thể dùng bản crack hoặc sao chép; sính “hàng hiệu” mà không khai thác hết chức năng: đa số nhà cung cấp vẫn phải chủ động trình bày về sản phẩm chứ DN chưa chủ động đưa ra yêu cầu cần một giải pháp như thế nào; bỏ quên hoặc coi nhẹ vai trò của tư vấn, coi như đây là nhiệm vụ của nhà cung cấp. Ngoài ra, còn một sai lầm khác chỉ riêng các DN CNTT mắc phải, đó là thái độ “tự cao”, cho rằng mình là DN CNTT, mình có khả năng tự khám chữa bệnh. Còn tại FPT, theo ông Vương Quân Ngọc, DN này đã ứng dụng ERP từ rất lâu và hiện đang triển khai những phần mềm quản lý khác mà việc triển khai đòi hỏi phải dừng toàn bộ hoạt động của công ty trong một thời gian ngắn. Dù vậy, công ty vẫn chấp nhận và đặt quyết tâm rất cao.
Nhiều ý kiến tại diễn đàn đều cho rằng, bản thân DN CNTT cũng là một doanh nghiệp, họ cũng chịu sự quản lý của Luật Doanh Nghiệp. Hơn thế, cạnh trạnh trong lĩnh vực CNTT còn khốc liệt hơn các lĩnh vực khác. Do đó, DN CNTT chịu áp lực về cải tiến quy trình, ứng dụng CNTT mạnh hơn. Điều tiên quyết là ý tưởng phải bắt nguồn từ lãnh đạo và phải có quyết tâm của toàn thể đội ngũ lãnh đạo, thậm chí, phải có thành viên trong ban lãnh đạo công ty cùng tham gia vào dự án triển khai ứng dụng CNTT.
Vấn đề triển khai ứng dụng ERP trong DN cũng được nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi: Có ISO rồi liệu triển khai ERP có dễ hơn không? Ông Vương Quân Ngọc, đại diện FPT chia sẻ “ISO là một loại tiêu chuẩn. ERP cũng là một loại tiêu chuẩn. Nhưng, ERP đặt ra yêu cầu cao hơn ISO rất nhiều. ISO có thể làm từng bước nhưng ERP thì không thể do tính liên quan giữa các bộ phận là rất lớn, chỉ cần một khâu không triển khai được sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án. Tuy nhiên, nếu đã triển khai ISO, DN sẽ gặp thuận lợi hơn khi triển khai ERP vì đã làm quen với các quy trình”.
Dù vậy, ông Quang, công ty VIAMI nhấn mạnh ERP chỉ là một công cụ hỗ trợ việc quản lý, điều hành trong doanh nghiệp. DN không nên quá kỳ vọng vào việc triển khai ERP sẽ giúp cải thiện tình hình kinh doanh, giảm bớt nhân sự. Khi lựa chọn giải pháp ERP, cần quan tâm đến hiệu quả mà giải pháp mang lại. Quá trình triển khai cũng sẽ có những chi phí nảy sinh, DN cần xác định đây là một loại chi phí đầu tư.
Vai trò của lãnh đạo CNTT (CIO) trong các dự án CNTT là rất cần thiết. Vấn đề này cũng được thảo luận nhiều tại diễn đàn. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, khái niệm về CIO ở Việt Nam vẫn chưa định hình rõ. DN thường có một giám đốc (hoặc phó giám đốc) phụ trách CNTT và một trưởng phòng tin học.
Nhưng, có một mâu thuẫn là trưởng phòng tin học tuy trình độ tin học rất tốt nhưng lại thường không được tham gia vào việc hoạch định các chính sách về CNTT trong khi giám đốc/phó giám đốc phụ trách về CNTT thường không có điều kiện sâu sát vào việc ứng dụng CNTT do quá bận rộn.
Ý kiến chung tại diễn đàn là DN, kể cả DN CNTT vẫn cần có một người chịu trách nhiệm chính trong lĩnh vực này. Một đại biểu đã dùng hình ảnh ví von “Ứng dụng CNTT trong DN giống như một con voi, DN phải có người nhìn thấy toàn bộ con voi đó mới có thể đưa ra được các chiến lược phù hợp”.