| Nỗi buồn vì dưa leo rớt giá. |
Dưa "khóc" Được xem là cây xóa đói, giảm nghèo ở Mỹ Trinh, nhiều năm qua, dưa leo trồng quanh năm ở vùng đất này. Tuy nhiên, cũng chính dưa leo đã khiến bà con nơi đây nhiều phen lao đao. Anh Nguyễn Văn Oanh ở thôn Lạc Sơn nổi tiếng là người trồng dưa leo giỏi, chỉ với 2 sào (1 sào Trung Bộ = 500m2) nhưng cứ hai tháng anh thu hoạch 1 vụ, một năm "liên khúc" 4 - 5 vụ. Gặp tôi, anh trầm buồn: "Trồng dưa leo như đánh bạc, sáng 400 - 500 đồng/trái, chiều chỉ còn 150 - 200 đồng/trái. Thời gian qua, dưa rớt giá, 12.000 trái mà chỉ bán được 2,5 triệu đồng. Cũng ngay trên diện tích này, vụ trước, với giá bình quân 400 đồng/trái, tôi lãi 1,5 triệu đồng/vụ, nhất là vụ dưa đầu năm 2007, bán bình quân 600 đồng/trái, lãi hơn 2,5 triệu đồng/sào". Đang vun gốc dưa gần đó, anh Võ Bình nói chen vào: "Tôi chỉ có một sào, vừa bán được 1,2 triệu đồng mà chi phí đầu tư đã mất gần triệu bạc". Cũng trên diện tích này, trước đây bán được giá, trừ chi phí, anh thu về bình quân 1,5 triệu đồng/sào. Chị Nguyễn Thị Tâm ở thôn Trực Đạo cũng không giấu giếm nỗi bức xúc của mình: “Trước đây, một sào dưa có mất mùa tôi cũng kiếm được 1 triệu đồng. Còn được mùa, được giá phải 2 - 3 triệu đồng. Nhưng vụ này, dưa leo đột ngột rớt giá, đồng lời chẳng là bao”. Giá rớt nên tiểu thương không đến mua dưa tại ruộng nữa mà người dân phải chở đến tận nơi bán cho họ. Ông Nguyễn Tiến Cường, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trinh cho biết: “Dưa leo chỉ trồng 40 - 45 ngày là cho thu hoạch, phù hợp trên nhiều chân đất, giá cả ít biến động, chưa kể cây dễ trồng, công thu hoạch ít, nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều cây trồng khác. Chính vì vậy diện tích trồng dưa đã tăng nhanh chóng, đồng nghĩa với việc sản lượng nhiều, nguồn cung lớn, đó chính là nguyên nhân khiến giá dưa vụ này sụt giảm. Đó là quy luật của thị trường nên chúng tôi chỉ có thể khuyến cáo bà con không nên xuống giống đồng loạt, phải phân bổ, chia thời vụ hợp lý, có như thế mới mong vực lại được giá dưa”. Nếp "cười" | Lúa nếp vừa được mùa, vừa trúng giá. |
Trong khi đó, bà con ở xã Mỹ Thọ lại rất phấn khởi vì năm nay lúa nếp vừa được mùa lại vừa được giá. Chị Nguyễn Thị ánh ở đội 13, thôn Chánh Trạch 1 rê nong nếp đang phơi, khấp khởi nói: “Vụ này thời tiết không thuận, cứ tưởng mất trắng, thế mà ngược lại. Phơi khô, rê sạch, chắc cũng được 180 - 190kg/sào”. Cũng ở Chánh Trạch 1, chị Lê Thị Tuyết làm hết 7 sào nếp trên bầu, năng suất bình quân 200kg/sào, chị đang cùng chồng dùng máy rê sạch lần cuối, bỏ vào bao, chuẩn bị đem bán. Anh Trưởng, chồng chị Tuyết cho biết: “Trồng nếp vất vả nhưng chắc ăn hơn, lãi cao gấp 2 lần so với trồng lúa thường. Cứ 1 sào đầu tư 8kg giống, 10kg urê, 15kg NPK, rồi thuốc sâu, thuốc cỏ; công cày bừa, công nhổ mạ, cấy, cắt... tất cả mất 500.000 đồng. Với diện tích 1 sào nếp, thu 200kg thóc, giá 6.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi gần 600.000 đồng/sào”. Chỉ cho chúng tôi thấy ngôi nhà cao ráo, rộng thoáng, tường vôi mới tinh, anh Trưởng vui vẻ nói: “Nhờ lúa nếp mà có đấy”. Anh Cao Thanh Tuyền, Trưởng thôn Chánh Trạch 1 cũng như nhiều bà con Mỹ Thọ đều chung tâm sự: "Làm nếp bao giờ cũng “ngon” hơn làm lúa, vả lại trước đây làm lúa để ăn, nay lúa ăn có thừa, mà nếp trên bầu thơm dẻo, hiếm nơi nào có được, giá tăng cao nên nhiều năm qua, không những trên chân ruộng giữa bầu mà ngay cả trên chân ruộng ven bầu, bà con Mỹ Thọ cũng trồng nếp... đưa tổng diện tích nếp ở Mỹ Thọ trên bầu ngày càng tăng. Nhiều hộ thu nhập cao từ nếp như anh Võ Hưng, anh Thành Ta, chị Bảy Thắng, anh Năm Long". Tuy nhiên, điều chúng tôi lo ngại là một ngày nào đó liệu lúa nếp có chung hoàn cảnh như dưa leo hay không? |