Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế
17 | 10 | 2007
ủng hộ gần như tuyệt đối (183/190), Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tổ chức mà Việt Nam đã gia nhập tròn 30 năm.

Là thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc từ ngày 20/9/1977, Việt Nam chủ động đóng góp tiếng nói về những vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và quốc tế. Và trên cương vị mới mà Việt Nam theo đuổi từ năm 1997, tiếng nói đó sẽ mạnh mẽ hơn, có hiệu quả và hiệu lực hơn.

Tham gia Hội đồng Bảo an là cơ hội để nước ta triển khai tích cực hơn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, tranh thủ các nguồn lực cho sự phát triển đất nước, giữ vững môi trường khu vực và quốc tế hòa bình, ổn định để tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đây cũng là cơ hội để chúng ta phát huy vai trò và hình ảnh của một nước Việt Nam đổi mới, năng động, ổn định, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.

Việt Nam sẽ có một ghế bên chiếc bàn tròn, cùng 14 quốc gia khác, bàn thảo, giải quyết về những vấn đề nóng bỏng, những cuộc khủng hoảng trên thế giới, để gìn giữ một hành tinh xanh, hòa bình và ổn định, như Liên Hợp Quốc đã làm trong 62 năm qua.

Trong Liên Hợp Quốc, chỉ có Hội đồng Bảo an là đủ thẩm quyền đưa ra các quyết định buộc tất cả các thành viên phải tuân thủ. Hội đồng Bảo an, với 15 thành viên gồm 5 thành viên thường trực (Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc) và 10 thành viên không thường trực, là cơ quan quyền lực cao nhất của Liên Hợp Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế.

Trong đó, các thành viên không thường trực, tuy không có quyền phủ quyết, nhưng vai trò rất quan trọng. Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về những vấn đề quan trọng cần ít nhất 9 phiếu thuận từ 15 thành viên.

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị cho việc đảm nhận vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009. Việt Nam đóng góp quan trọng vào việc đưa Ðông Nam Á từ một khu vực bị chia rẽ, đối đầu bởi chiến tranh trở thành một khu vực hòa bình, hữu nghị, hợp tác, không có vũ khí hạt nhân và đang hướng tới hình thành Cộng đồng ASEAN. Việt Nam đã mở rộng quan hệ ngoại giao với 174 nước, quan hệ về kinh tế thương mại với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ và là thành viên tích cực của nhiều tổ chức, diễn đàn toàn cầu, khu vực.

Việt Nam đã tham gia vào các cơ chế lãnh đạo của nhiều cơ quan Liên Hợp Quốc như Phó Chủ tịch Đại hội đồng, thành viên ECOSOC (Hội đồng Kinh tế Xã hội), Chủ tịch Ðại hội đồng Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực (FAO), Phó Chủ tịch Hội đồng chấp hành tổ chức UNDP/UNFPA, Ủy ban Nhân quyền, Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), Hội đồng điều hành các tổ chức Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Hội đồng chấp hành các Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hội đồng quản trị Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Việt Nam được đánh giá cao về việc hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, triển khai thành công đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc thực hiện các chương trình hành động của các hội nghị Liên Hợp Quốc về phát triển xã hội, môi trường, an ninh lương thực, tài chính cho phát triển, nhà ở, nhân quyền, dân số và phát triển, phụ nữ, trẻ em, chống phân biệt chủng tộc, phòng chống HIV/AIDS...

Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu gần đây tại phiên thảo luận chung cấp cao, kỳ họp lần thứ 62 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc: “Với vị thế mới của Việt Nam có được nhờ những thành tựu to lớn về đối nội và đối ngoại sau hơn 20 năm đổi mới toàn diện, được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chúng ta sẽ hoàn thành tốt trọng trách này, đáp ứng sự trông đợi của cộng đồng quốc tế”.

10 thành viên không thường trực đương nhiệm HĐBA - LHQ

-Bỉ (Tây Âu) - hết nhiệm kỳ năm 2008

-Italy (Tây Âu) - hết nhiệm kỳ năm 2008

-Slovakia (Đông Âu) - hết nhiệm kỳ năm 2007

-Cộng hòa Congo (châu Phi) - hết nhiệm kỳ năm 2007

-Ghana (châu Phi) - hết nhiệm kỳ năm 2007

-Nam Phi (châu Phi) - hết nhiệm kỳ năm 2008

-Panama (Mỹ Latin và Caribê) - hết nhiệm kỳ năm 2008

-Peru (Mỹ Latin và Caribê) - hết nhiệm kỳ năm 2007

-Indonesia (châu Á) - hết nhiệm kỳ năm 2008

-Qatar (châu Á) - hết nhiệm kỳ năm 2007 (Việt Nam kế nhiệm).

10 thành viên không thường trực làm việc với nhiệm kỳ hai năm (bắt đầu từ ngày 1/1 mỗi năm; mỗi năm có năm ghế thay đổi) và được bầu chọn theo nguyên tắc nhóm khu vực đề cử và được biểu quyết bởi Đại hội đồng (vào tháng 10 hàng năm) với tỷ lệ 2/3 phiếu (tức từ 125-128 thành viên LHQ).



Theo website chính phủ
Báo cáo phân tích thị trường