Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khôi phục đàn gia cầm sau dịch: Cần kiểm tra chặt chẽ con giống ngay từ đầu vào
25 | 10 | 2007
Đợt dịch cúm gia cầm H5N1 vừa qua (từ 15/7 – 27/8) trên địa bàn 11 xã, phường của T.P Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên có 29.340 con gia cầm, thủy cầm bị chết, trong đó có gần 2 nghìn con gà. Đây là vùng trọng điểm chăn nuôi của tỉnh, nên sau khi khống chế được dịch, lượng gia cầm, thủy cầm khan hiếm, giá thịt gia cầm ngoài thị trường tăng vọt. Trong lúc người chăn nuôi đang cần con giống thì các cấp ngành liên quan lúng túng trong việc nhập gia cầm giống.
Gia cầm giống quá đắt

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Chăn nuôi tỉnh (Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn) cho biết: Sau dịch, nhu cầu con giống gia cầm tại vùng lòng chảo và T.P Điện Biên Phủ rất lớn, trong khi địa bàn này không có trang trại sản xuất gia cầm giống. Riêng vịt giống người chăn nuôi có khả năng sản xuất tại chỗ, vì còn khá nhiều trang trại nuôi vịt đẻ hàng nghìn con đang phát triển tốt. Khó khăn nhất là giống gà. Từ trước đến nay, phần lớn gà giống của tỉnh ta phải nhập từ địa phương khác. Khí hậu của tỉnh ta phù hợp với chăn nuôi gà; ngoài giống gà địa phương, còn một số giống gà như: Gà Lương Phượng và Lương Phượng lai. Do nhiều địa phương trong nước đàn gia cầm nhiễm vi rút H5N1 nên nhu cầu gà giống rất lớn, khiến giá bán tăng. Tại Viện Chăn nuôi T.Ư, giá gà giống Lương Phượng lai 13.000 đồng/con (1 ngày tuổi); Lương Phượng 10.000 đồng/con. Giá gà giống quá cao, khiến người chăn nuôi không muốn đầu tư, hơn nữa trong quá trình vận chuyển khó khăn nên lượng gà giống vào địa bàn rất ít. Về lâu dài, giải pháp đặt ra là địa phương cần đầu tư xây dựng một số trang trại chăn nuôi gà bố mẹ với quy mô vừa, chủ động gà giống hàng năm. Nếu được đầu tư sẽ chủ động trong phòng dịch bệnh ngay từ ban đầu.

Hiện nay, vì khan hiếm gà thịt nên ngoài thị trường giá gà thịt rất cao (50.000 – 60.000 đồng/kg, so với cách đây 2 tháng tăng 20.000 đồng). Nếu người chăn nuôi không có con giống thì thời gian tới, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán nhu cầu thịt gà lớn, do vậy giá gà thịt tăng mạnh là điều khó tránh khỏi.

Bị động chất lượng gia cầm giống

Cơ quan thú y có trách nhiệm kiểm tra vấn đề kiểm dịch đối với giống gia cầm vào địa bàn tỉnh, nhưng khi trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Dân, Chi cục phó, Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Sau khi UBND tỉnh công bố hết dịch cúm gia cầm thì 2 trạm kiểm dịch gia cầm ở thị xã Mường Lay và Tuần Giáo cũng không có kinh phí để hoạt động. Như vậy, hàng ngày lượng gia cầm giống từ các tỉnh miền xuôi lên là do thú y Lai Châu và Sơn La kiểm soát dấu kiểm dịch. Nếu 2 tỉnh này thực hiện tốt nhiệm vụ thì không sao, ngược lại nếu thả lỏng thì hậu quả sẽ là tỉnh ta. Muốn kiểm tra tốt khâu kiểm dịch con giống tốt nhất là kiểm tra ngay từ đầu vào. Chăn nuôi gia cầm, các cấp ngành cũng như người dân không nên chủ quan trong công tác phòng dịch bệnh, đây là một trong những yếu tố quan trọng có thể quyết định sự duy trì và phát triển đàn gia cầm. Chúng ta đã biết đợt dịch cúm gia cầm H5N1 vừa qua tỉnh ta thiệt hại hàng tỷ đồng (kể cả chi cho việc tiêu hủy và khống chế dịch), đó là chưa nói đến vấn đề ảnh hưởng sức khỏe con người.

Như vậy, có thể khẳng định chất lượng cũng như số lượng gia cầm giống của tỉnh hiện nay hoàn toàn phụ thuộc và bị động. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến người chăn nuôi chưa dám đầu tư lớn vào trang trại gia cầm, vì ai dám chắc dịch sẽ không tái phát. Thực tế đã không ít gia đình mất hàng chục triệu đồng trong một hai ngày vì dịch cúm H5N1.



Nguồn: khuyennongvn
Báo cáo phân tích thị trường