Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nuôi đà điểu có một vốn ba lời?
10 | 10 | 2007
Trong chuyến công tác vào năm 1995, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Công Tạn đã đưa 100 trứng đà điểu đầu tiên giống châu Phi từ Zimbabwe về Việt Nam.
Đến nay, đã hơn mười năm, xem ra nghề nuôi đà điều vẫn chưa đủ sức thu hút được nhiều người... dù nuôi đà điểu không phải là quá khó.

Một vốn ba lời?

Phong trào nuôi đà điểu ở các tỉnh phía Nam chỉ bắt đầu vào khoảng năm 2003 mặc dù hơn mười năm trước, người dân các tỉnh phía Bắc đã nuôi đà điểu. Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương ở Ba Vì, Hà Tây, là nơi cung cấp con giống cho nhiều trang trại trong cả nước. Tuy nhiên, để nuôi đà điểu như một nghề với mong muốn mang lại lợi nhuận cao là điều không dễ dàng cho những hộ nông dân ít vốn, thiếu thông tin và kỹ thuật nuôi.

Anh Hà Việt Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại Việt Hùng có trang trại chuyên nuôi đà điểu theo một mô hình khép kín ở quận Bình Thạnh, Tp.HCM, tâm sự về những ngày đầu gian nan tập tành nuôi đà điểu, thời mà giá một cặp đà điểu giống nhập từ châu Phi về khoảng 7.000-8.000 đô la Mỹ.

Năm 1996, Hùng chắt góp vốn liếng để phát triển đàn đà điểu theo mô hình trang trại, ba năm liên tiếp anh đều thất bại, thiệt hại trên 10 tỉ đồng. Không bỏ cuộc, Hùng cất công qua các nước và vùng lãnh thổ như Nhật, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan để học kinh nghiệm và tìm tòi kỹ thuật nuôi.

Mất mấy năm, anh mới phát triển thành công đàn đà điểu theo mô hình trang trại với kỹ thuật nuôi hiện đại. Sau đó công ty của anh bắt đầu nhận cung cấp đà điểu giống và chuyển giao công nghệ nuôi cho trên 200 hộ rải rác khắp cả nước. Theo tính toán của anh Hùng, nếu mọi việc thuận lợi thì nghề nuôi đà điểu là một vốn ba lời.

Nhưng rồi anh lại gặp rủi ro.Trước đây trang trại anh nuôi khoảng 700 con, từ khi có dịch cúm gia cầm xuất hiện, anh không dám nhập đà điểu giống từ các nước khác về. Hiện trang trại của Hùng chỉ còn nuôi khoảng 250 con, anh dự kiến cuối năm sẽ chuyển cơ sở nuôi đà điểu về quận 9, Tp.HCM. Trong khi đó một số nơi từng nhận chuyển giao công nghệ, con giống của Công ty Việt Hùng từ sau các cơn dịch cúm gia cầm cũng chựng lại, không phát triển thêm đàn.

“Nếu không có quy trình chăn nuôi khép kín theo mô hình nuôi nhiều con cùng một lúc như ba ba, đà điểu, trùn quế và cá sấu như hiện nay thì công ty của tôi khó có thể trụ vững được khi có những rủi ro như dịch cúm gia cầm vừa qua”, anh Hùng chia sẻ.

Anh Lê Quang Thực, nhà ở quận Tân Bình, Tp.HCM, cũng có một trang trại ở Tây Ninh nuôi 80 con đà điểu đã hơn bốn năm nay. Anh Thực cho biết mặc dù thịt đà điểu có giá cao, nhưng phải nuôi đúng kỹ thuật thì mới đạt được siêu lợi nhuận. Để nuôi đà điểu giống anh Thực phải nhập hai máy ấp trứng từ Trung Quốc về với giá 48 triệu đồng/cái, có khả năng ấp được khoảng 100 trứng/lần.

Anh Thực cho biết đã bỏ ra khoảng 200 triệu đồng để mua đà điểu giống và tiền đầu tư chuồng trại khoảng 300 triệu. “Hiện tại, lợi nhuận mỗi vụ từ tiền bán đà điểu giống, trứng và thịt là trên dưới 500 triệu đồng. Tuy nhiên để đạt được doanh thu như vậy tôi phải nuôi kết hợp với các con khác như heo rừng, nai, hươu và cá”, anh nói.

Năm 2004, nghe bạn bè nói nuôi đà điểu mang lại lợi nhuận cao, chị Triệu Thị Minh Trang, chủ trang trại Triệu Minh ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, đã bỏ ra 300 triệu đồng để đầu tư chuồng trại.

Giai đoạn đầu, chị Trang mua 20 con giống loại tám tháng tuổi từ trại giống gia cầm Thụy Phương ở Ba Vì, Hà Tây về nuôi, sau đó chị mua thêm 80 con giống loại ba tháng tuổi gồm con trống và con mái hết gần 300 triệu đồng nữa.

Chị Trang làm bài tính nhẩm và cho biết hàng tháng tiền thức ăn cho một con mất khoảng 250.000 đồng. Giá đà điểu thịt lúc trước cao, còn bán được khoảng 14-15 triệu đồng/con, sau này giá hạ, chị quyết định bán dần và không đầu tư nuôi thêm.

Tuần trước, chị Trang cho biết khó khăn lắm chị mới tìm được người mua hết 22 con đà điểu cuối cùng với giá mỗi con là 5 triệu đồng theo dạng mua cân hơi nguyên con. Tính toán lại chị lỗ mất 1 tỉ đồng! “Nếu biết trước lỗ như thế này, tôi đã chẳng lao theo như thế. Phải chi ban đầu tôi quyết định nuôi heo hay bò có lẽ hay hơn!”, chị Trang tiếc rẻ



Nguồn: vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường