Hiện nay, việc áp dụng cách phân loại theo tiêu chuẩn cũ chỉ coi trọng tỷ lệ hạt đen vỡ. Điều này vừa không khuyến khích các nhà sản xuất và chế biến coi trọng chất lượng, vừa tạo điều kiện để các nhà nhập khẩu có lý do đánh tụt chất lượng các lô hàng và làm giảm uy tín chất lượng của cà phê Việt Nam.
Ông Đoàn Triệu Nhạn, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-ca cao Việt Nam cho hay, từ năm 2005, chúng ta đã có tiêu chuẩn TCVN 4193-2005 phù hợp với cách phân loại của Hội đồng Cà phê thế giới nhưng quy định trên lại không có tính bắt buộc nên chưa mấy nhà sản xuất chế biến áp dụng. Sau khi có kết luận của Bộ Thương mại (cũ) bắt buộc các nhà sản xuất và chế biến phải áp dụng tiêu chuẩn TCVN 4193-2005, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10/2007 thì gặp phải sự phản ứng dữ dội từ phía các nhà xuất khẩu. Các nhà quản lý và doanh nghiệp đã trao đổi thẳng thắn vấn đề này tại Hội thảo Nâng cao chất lượng và lô trình áp dụng TCVN 4193-2005 tổ chức ngày 25/10.
"Chúng ta đã bị thế giới nhắc nhở rất nhiều về chất lượng cà phê xuất khẩu. Tôi đề nghị Chính phủ cần có hành động ngay để có hướng đi trong việc nâng cao chất lượng. Chúng ta phải coi đây là sự cạnh tranh sống còn của cà phê Việt Nam với thế giới. Có chất lượng tốt thì cạnh tranh tốt. Nếu người sản xuất và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chưa áp dụng được tiêu chuẩn TCVN 4193-2005 thì việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế là hết sức khó khăn"- ông Nhạn lưu ý.
Ông Vũ Đức Tiến, TGĐ Cty CP xuất khẩu Cà phê Tây Nguyên cho biết thêm: "Là một nhà xuất khẩu luôn đạt 18-20% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, tôi thấy tiêu chuẩn này còn nhiều bất cập, chưa hợp lý, chưa phù hợp với thế giới và được bạn hàng đồng tình. Tất cả các nhà xuất khẩu và nhập khẩu chưa gặp nhau khi áp dụng tiêu chuẩn này. Chúng tôi đã xuất khẩu 80% đạt chất lượng cao rồi. Nếu tính mẫu theo tiêu chuẩn này thì thời gian xuất khẩu sẽ dài ra, một ngày mới làm được lô hàng, thời gian tăng lên 5 lần. Làm như thế thì không tiêu thụ kịp cho dân, dân sẽ bị ép giá, xuất khẩu sẽ ách tắc. Tôi nghĩ phải làm triệt để từ khâu sản xuất đến chế biến, chứ không làm từ ngọn, không đồng bộ như hiện nay".
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Xuân (Trưởng phòng Nông sản thực phẩm, TT Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam), nên áp dụng tiêu chuẩn này với từng loại cà phê một. Như vậy sẽ rất khách quan với người mua lẫn người bán. Nhà nhập khẩu hiện nay muốn mua sô vì mua như thế thì họ nhàn. Họ chỉ cần làm một số thao tác, vì thế, giá trị lợi nhuận sẽ tăng cao. "Theo tôi, áp dụng tiêu ngay bây giờ được là tốt"- ông Xuân nói.
Cục trưởng Cục Trồn trọt (Bộ Nông nghiệp & PTNT), ông Nguyễn Trí Ngọc đánh giá: Hiện sự phối kết hợp để thực hiện tiêu chuẩn TCVN 4193-2005 đối với cà phê chưa tốt. "Khâu mang tính đột phá hiện nay là từ doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Có như thế, nông dân-những người sản xuất mới áp dụng. Khó nhưng chưa muộn"- ông Ngọc nói.