Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nâng cao chất lượng càphê xuất khẩu: Nông dân, lực lượng quyết định!
05 | 12 | 2007
- Cà phê được coi là cây trồng mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm trang thiết bị chế biến hiện đại, nhằm từng bước nâng cao chất lượng càphê xuất khẩu. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần...
Một số cán bộ đại diện cho các công ty sản xuất, kinh doanh càphê ở Đắk Lắk cho rằng: Đầu tư công nghệ chế biến là điều cần thiết, nhưng người nông dân trực tiếp sản xuất mới đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng càphê. Họ là người trực tiếp làm ra sản phẩm từ khâu thu hoạch đến bảo quản, chế biến. Thế nhưng, chính những hạn chế trong nhận thức cộng với trình độ canh tác lạc hậu, thói quen chăm sóc, thu hái bừa bãi, không theo quy trình của nông dân đang là rào cản khiến chất lượng càphê Việt Nam luôn bị đánh giá thấp. Tư tưởng “ăn xổi ở thì” đã khiến người sản xuất vô tình đánh mất lợi nhuận của chính mình. Họ không hề quan tâm đến chất lượng sản phẩm ra sao mà chỉ chú tâm đến việc giá cả thị trường dao động thế nào. Thậm chí nhiều người còn cho rằng: “Việc đó đã có các đơn vị xuất khẩu lo, miễn sao bán được giá là vui rồi”.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Kiểm nghiệm càphê (CAFECONTROL), chất lượng càphê do người nông dân sản xuất ra rất thấp so với tiêu chuẩn xuất khẩu. Tỷ lệ hạt đen, hạt mốc quá cao, đó là chưa kể có nhiều mùi lạ xuất hiện do phơi sấy không đảm bảo, mùi hóa chất sản sinh trong quá trình chế biến. Thực trạng thu hoạch càphê cũng là điều đáng lo ngại khi tình trạng “vơ tuốt” quả xanh, quả chín vẫn diễn ra phổ biến; thậm chí tỷ lệ quả xanh khi thu hái còn chiếm tới 50-70%.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do người nông dân thường thu hoạch sớm (trước Tết Nguyên đán), điều này đã làm dịch chuyển lịch thời vụ về gần mùa mưa, khiến hạt càphê bị đen, mốc, sản lượng giảm, mất đi hương vị đích thực. Chính vì vậy, nhiều nhà nhập khẩu e ngại khi mua càphê Việt Nam, mặc dù vẫn công nhận hương vị thuộc loại hàng đầu thế giới. Đã đến lúc người nông dân phải thực sự thấy rõ việc nâng cao chất lượng sản phẩm là yêu cầu cấp bách, không thể phó mặc cho doanh nghiệp hoặc trông chờ vào sự ăn may như lâu nay. Tuy nhiên, để khuyến khích nông dân thay đổi phương thức sản xuất, từ bỏ cách làm ăn cũ, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có những bước đi đồng hành trong việc đề ra chính sách thu mua hợp lý, không nên đánh đồng mọi sản phẩm bằng nhau về giá cả. Đồng thời mạnh dạn đặt ra những điều kiện ràng buộc về chất lượng sản phẩm đối với người bán, gắn việc xuất khẩu với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và chế biến ở cơ sở.

Nếu để tình hình sản xuất càphê như hiện nay, người sản xuất rất khó thực hiện được yêu cầu kỹ thuật từ thu hái đến bảo quản. Cây càphê không chỉ là lợi thế của Tây Nguyên mà còn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chính vì thế, bên cạnh những chính sách vĩ mô, chúng ta cần bắt đầu từ việc nhỏ nhất: Thay đổi nhận thức của nông dân, bởi chỉ có họ mới quyết định được chất lượng càphê xuất khẩu ngay từ những bước đi đầu tiên.


Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường