Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần lành mạnh hóa thị trường cà phê
18 | 10 | 2011
Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Huệ (Đắk Lắk) trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII.
Theo bà Huệ, hiện càphê Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới về lượng xuất khẩu và đang có mặt ở tất cả các châu lục. Diện tích càphê khoảng 540.000ha, sản lượng trung bình 1,1-1,2 triệu tấn/năm, chiếm 13,5% tổng sản lượng toàn cầu và chiếm 18% thị phần giao dịch càphê nhân trên toàn thế giới. Càphê là loại nông sản xuất khẩu có giá trị lớn thứ hai sau gạo, đóng góp 2% vào GDP cả nước.
Thời gian gần đây, doanh nghiệp (DN) càphê đang xôn xao chuyện co hẹp đầu mối kinh doanh xuất khẩu sau khi Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT có dự kiến đưa xuất khẩu càphê vào diện kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, các điều kiện dự kiến là DN kinh doanh xuất khẩu càphê phải có ít nhất một cơ sở chế biến càphê với kho chứa phù hợp, đáp ứng đầy đủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, DN đã tham gia chế biến và xuất khẩu càphê trong 2 năm liên tục với khối lượng càphê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm. Mục đích là tăng sức cạnh tranh của DN Việt Nam với DN có vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng với những điều kiện xuất khẩu càphê mà các bộ đưa ra thì có gì đó chưa ổn và dường như chỉ nhận được sự đồng tình từ một số DN lớn.
Ai cũng nhận thấy rằng, nếu theo điều kiện thứ nhất thì chúng ta không có những DN xuất khẩu trong tương lai có thể vươn mình lên được. Trong khi đó, hiện nay gần 70% DN trong tổng số 153 DN xuất khẩu càphê làm ăn không hiệu quả là một tỷ trọng không mong đợi khá lớn. Chúng ta cần cân nhắc đến DN kinh doanh càphê nhỏ nhưng làm ăn rất bài bản, nhiều năm qua tập trung vào các loại hàng càphê chất lượng cao, tích cực tìm kiếm khách hàng, xây dựng các mối quan hệ với các đối tác trong và ngoài nước. Thực chất của việc thua ngay trên sân nhà của ngành xuất khẩu càphê trong những năm gần đây không phải từ nguyên nhân công ty nhỏ hay to, chúng ta cần nghiêm túc tìm hiểu thay vì lấy cớ đó để thiết lập rào cản, ngăn chặn những DN xuất khẩu vừa và nhỏ vươn lên.
Về điều kiện thứ hai, phải xuất khẩu từ 5.000 tấn trở lên, tôi có biết một công ty nguyên là một nông trường càphê tại tỉnh Đắk Lắk, giám đốc này 10 năm trước đây đã quyết tâm chế biến càphê chất lượng cao từ chính nguồn do công ty của mình sản xuất ra mà không cần chạy theo số lượng, bằng chứng cho thấy, liên tục những năm qua giá càphê từ công ty này bán ra luôn cao. Hiện, nhiều nhà rang xay nước ngoài đang ao ước là người mua độc quyền hàng này nhưng số lượng của công ty sản xuất không nhiều, chỉ khoảng 5.000 - 7.000 tấn/vụ.
Có một chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành càphê nhận xét về vấn đề này như sau: "Ước muốn làm cho ngành càphê mạnh hơn là điều ai cũng mong đợi. Tuy nhiên, việc mạnh hơn đó phải đi đôi với lợi ích của nhiều phía, nhất là nông dân, nhờ vậy bà con bán được sản phẩm của mình làm ra với giá cả hợp lý để đủ nuôi sống và tái sản xuất mới là thế mạnh có ý nghĩa, bằng không đó cũng chỉ là sự mạnh lên của một nhóm lợi ích, gây lũng đoạn thị trường nhờ sự nuông chiều của chính sách mà thôi".
Tôi cho rằng, hiện chưa nên ban hành nghị định xuất khẩu về càphê có điều kiện sẽ dẫn tới độc quyền. Nên chăng các ngành cần hướng dẫn và tạo điều kiện cho nông dân trồng càphê tiếp cận tiến bộ kỹ thuật nhằm chế biến càphê đúng cách ngay sau khi thu hoạch để nâng cao chất lượng càphê Việt Nam, đồng thời cho giải thể các công ty liên tục thua lỗ, cho sáp nhập những công ty có năng lực trung bình, tạo nguồn tổng lực mạnh để chiếm vị thế cao trong lĩnh vực xuất khẩu.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường