Tổng sản lượng chè tiêu thụ của 3 doanh nghiệp chè lớn nhất Tuyên Quang gồm Công ty chè Sông Lô, Tân Trào và Mỹ Lâm đến đầu tháng 12/2007 đạt gần 4.000 tấn với doanh thu lên tới gần 70 tỷ đồng nhờ các doanh nghiệp này đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường xuất khẩu trực tiếp.
Giám đốc Công ty chè Sông Lô cho biết: Công ty đã xuất khẩu trực tiếp được 800 tấn sang 10 nước trên thế giới (chiếm 61% tổng sản lượng chè tiêu thụ), giá bán tăng 25% so với thị trường trong nước. Công ty chè Tân Trào đến nay cũng đã sản xuất chế biến được hơn 1.400 tấn sản phẩm, xuất khẩu trực tiếp được trên 1.000 tấn, doanh thu đạt gần 24 tỷ đồng, vượt 31,7% kế hoạch năm, tăng 80% so với năm 2006.
Mở rộng diện tích trồng chè, đa dạng cơ cấu giống và đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm chè thương phẩm là nguyên nhân dẫn đến thành công của cây chè Tuyên Quang trong thời kinh tế hội nhập. Đó là chiến lược phát triển của các doanh nghiệp chè Tuyên Quang. Với Công ty chè Sông Lô đã sớm chuẩn bị điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế như xây dựng chiến lược chuyển đổi cơ cấu giống chè, tập trung chuyển từ việc trồng chè trung du búp nhỏ, năng suất thấp, sang trồng chè các giống có năng suất, chất lượng cao như: LDP1, LDP2, giống chè đặc sản Bát tiên, Đại bạch trà... Từ năm 2002 đến nay, bình quân mỗi năm Công ty trồng mới từ 13 ha đến 15 ha. Đến nay, tỷ lệ chè giống mới chiếm gần 30% trong tổng số 544 ha chè. Sản phẩm chè của Công ty xuất khẩu sang một số thị trường các nước khu vực EU, Trung Đông, châu Á, Nga, Anh và Đức.
Để có sản phẩm xuất khẩu có sức cạnh tranh cao trên thị trường thế giới, ngoài việc tăng cường quảng bá sản phẩm, các doanh nghiệp chè Tuyên Quang đã chủ động tiết kiệm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, cắt giảm những khâu trung gian và giảm chi phí giao dịch xuống mức thấp nhất. Để giữ được bạn hàng, yếu tố quan trọng là duy trì chất lượng sản phẩm, không ngừng cải tiến mẫu mã đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Các doanh nghiệp chè cũng áp dụng chính sách khuyến khích các hộ thu hái phân loại chè A, B nhằm bảo đảm giá thu mua công bằng, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm sau chế biến. Giá thu mua nguyên liệu năm nay bình quân từ 2.600 đồng đến 3.000 đồng/kg búp tươi, cao hơn 400 đồng đến 700 đồng/kg so với năm trước, nên càng khuyến khích các hộ dân chú trọng khâu chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng nguyên liệu chè.
Phó Giám đốc Công ty chè Mỹ Lâm, cho biết: từ 10 tỷ đồng vốn vay và vốn lưu động của doanh nghiệp, Công ty tập trung nâng cao chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chế biến. Nếu năm 2006, giá thu mua chè búp tươi bình quân đạt 2.250 đồng/kg thì năm 2007, Công ty nâng lên 2.650 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg. Hiện mỗi tấn sản phẩm của Công ty bán ra đạt 21,47 triệu đồng, tăng 4 triệu đồng so với giá bán bình quân năm 2006. Ngoài ra, các doanh nghiệp chè Tuyên Quang cũng chú trọng công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm chè thông qua việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, đào tạo đội ngũ cán bộ tay nghề cao, đẩy mạnh công tác tiếp thị, xúc tiến đầu tư...
Tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu trong năm 2008, các doanh nghiệp chè Tuyên Quang đang đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, tăng năng suất lao động, chuyển đổi một số giống chè cũ năng suất thấp sang giống chè mới năng suất, chất lượng cao để làm nền tảng vững chắc bước vào thị trường thế giới.