Ông Đặng Ngọc Tùng - Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐVN - Đại biểu Quốc hội đã trả lời báo chí xung quanh vấn đề này.
* Thưa ông, có nên đưa tuổi nghỉ hưu vào Luật Bình đẳng giới hay không?
- Tuổi nghỉ hưu của người lao động đã được quy định cụ thể ở Bộ luật Lao động và Luật BHXH, nên để các luật trên điều chỉnh. Theo tôi, không nên đưa tuổi nghỉ hưu của người lao động vào trong Luật Bình đẳng giới; vì tuổi nghỉ hưu của người lao động đã được Quốc hội thảo luận, cân nhắc kỹ trước khi thông qua Luật BHXH vào ngày 21.6.2006,và luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2007.
* Nhưng, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức và người lao động nam, nữ như nhau, và đưa vào Luật Bình đẳng giới. Ý kiến ông thế nào?
- Người phụ nữ còn có thiên chức làm mẹ, sinh con, nuôi dạy con nên sức khoẻ có suy giảm, phải quan tâm chăm sóc đến sức khỏe của họ nhiều hơn, không nên ép buộc họ phải lao động như nam giới được, nhất là lao động chân tay, mà cần có chính sách ưu tiên cho lao động nữ.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thể hiện trong Bộ luật Lao động và Luật BHXH, nên phụ nữ được nghỉ hưu trước nam giới 5 năm, điều này phù hợp với mong muốn của tuyệt đại đa số lao động nữ.
Nhưng cũng chính quy định đó lại không phù hợp với một bộ phận cán bộ nữ - những người lao động về trí óc, về chất xám nhiều hơn, nhất là các nhà nữ khoa học, nữ quản lý, họ mong muốn tiếp tục cống hiến, và tuổi nghĩ hưu như nam giới.
Do đó, chúng tôi đề nghị tuổi nghỉ hưu của lao động nữ phải tuỳ thuộc vào đối tượng, cụ thể như:
- Nữ cán bộ công chức tuổi nghỉ hưu nên 60.
- Nữ lao động bình thường tuổi nghỉ hưu 55 như hiện tại.
- Nữ lao động nặng nhọc tuổi nghỉ hưu 50, thậm chí là 45 (nữ công nhân dệt-may, da giày, caosu, thuỷ sản, nữ diễn viên xiếc, múa...).
* Dựa vào cơ sở nào mà ông đề xuất như trên?
- Dựa vào thực tế và qua khảo sát đề xuất của các cấp công đoàn. Lãnh đạo Tổng Công ty Cao su Việt Nam báo cáo với Tổng LĐLĐVN là có trên 59.000 nữ công nhân cạo mủ caosu phải nghỉ việc để nhận trợ cấp 1 lần, họ rất mong muốn được nghỉ hưu, nhưng không đủ sức khoẻ làm việc đến 55 tuổi để được nghỉ hưu, đề nghị TLĐ đề xuất với Quốc hội, với Chính phủ cho nữ công nhân cạo mủ cao su được nghỉ hưu ở tuổi 50, hoặc 45. Nữ công nhân trong các ngành dệt-may, da giày, thuỷ sản cũng mong muốn như vậy, kể cả nữ diễn viên múa, xiếc...
* Vậy tuyệt đại đa số nữ công nhân lao động mong muốn được nghỉ hưu ở tuổi 55 hoặc thấp hơn?
- Đúng vậy, tuyệt đại đa số lao động nữ mong muốn như vậy.
* Thưa ông, để đảm bảo sự bình đẳng về chính trị, có nên đưa vào luật là số nữ đại biểu Quốc hội, và hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải chiếm tối thiểu là 30% trên tổng số đại biểu?
- Cơ sở nào mà chúng ta đưa vào luật 30% đại biểu phải là nữ? Bản thân tôi còn muốn tỉ lệ cao hơn nữa, để cho tương xứng với tỉ lệ nữ trong nhân dân. Tôi nghĩ đó là điều mà chúng ta mong muốn, nhưng đây lại chính là quyền quyết định của nhân dân, quyền tự do lựa chọn của nhân dân, hãy để cho nhân dân quyết định.
Trong luật không nên quy định tỉ lệ này, vì nếu nhân dân bầu không đạt tỉ lệ trên thì sao? Phải huỷ cuộc bầu cử đó và tổ chức bầu lại? Như vậy thì không được. Do đó, theo tôi không nên quy định tỉ lệ trên vào trong luật.
- Xin cảm ơn ông!
Ý kiến một số đại biểu Quốc hội
Nhà sử học Dương Trung Quốc:
Tỉ lệ nữ chỉ là tiêu chí để phấn đấu
Trước hết cần phải lấy tiêu chí mang nét đặc thù của nữ giới (về sinh học, về mặt xã hội) để thấy, nên đem quyền lợi như thế nào cho phụ nữ là phù hợp. Việc cho phụ nữ nghỉ hưu sớm hơn nam giới là quyền lợi chính đáng. Nhưng, nguyện vọng muốn làm việc nữa cũng là quyền lợi chính đáng của những chị còn tâm huyết, sức khoẻ. Tuy nhiên, tôi cảm thấy việc muốn kéo dài thời gian lao động của phụ nữ hiện được hiểu theo nghĩa gắn liền với quyền hưởng thụ của một số người, nhưng không phù hợp với quyền lợi của số đông chị em phụ nữ. Việc quy định phần trăm số nữ đại biểu, đó là tiêu chí để phấn đấu, nhưng không nên "cứng hoá" mà phải phụ thuộc vào phẩm chất, yêu cầu với mỗi ĐB.
ĐB Trần Viết Quốc (Quảng Trị): Không nên "ép" về tỉ lệ cán bộ nữ
Tôi đi tiếp xúc cử tri ở nhiều địa bàn, nhiều ngành nghề thì thấy tuổi về hưu của nữ ở tuổi 55 là hợp lý, phù hợp với chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước. Với các chị còn có năng lực, sức khoẻ còn tốt, nếu muốn cống hiến tiếp cho xã hội thì cũng nên ủng hộ. Với việc quy định bao nhiêu phần trăm số phụ nữ vào cơ quan dân cử, không nên quy định cứng, mà tùy tình hình từng địa phương. Còn nếu có được nhiều chị có tâm huyết, có trình độ thì phần trăm có thể cao hơn, chứ cũng không nên giới hạn mức 30%. Nhưng trong trường hợp, nếu tìm không được người có đủ tiêu chuẩn mà cứ "ép" thì không nên.
Ý kiến của người dân
Với chúng tôi, xin đề nghị được nghỉ hưu khi 45 tuổi. Tôi phụ trách 45 CN trong tổ chuyên cạo mủ caosu. Đây là ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại. Tỉ lệ nữ trong ngành mắc bệnh phụ khoa chiếm 47%/tổng số khám, trong đó tới 10% phát hiện tiền ung thư và ung thư... Hầu hết cả nam lẫn nữ tuổi từ 42 đến 45 trở lên cạo không còn chính xác. Thế nhưng, họ đều phải cố gắng chờ đến khi nam 55 tuổi, nữ 50 tuổi có 20 năm đóng BHXH thì được nhận sổ hưu. Chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội sửa đổi luật, cho phép CNLĐ trực tiếp trong ngành CS: Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi, mà có 20 năm đóng BHXH thì được nhận sổ hưu mà không bị trừ phần trăm. Bà Võ Thị Lá - Tổ trưởng tổ 13, Nông trường CS Đoàn Văn Tiến thuộc Cty CS Dầu Tiếng
Phấn đấu để có ít nhất 30% tỉ lệ nữ ở Quốc hội. Đối với số lượng nữ bầu là đại biểu HĐND các cấp và Quốc hội, nên phấn đấu ở mức đạt hoặc trên 30%. Ở quận Hai Bà Trưng, từ nhiệm kỳ 2004-2009 tỉ lệ nữ tham gia HĐND quận đã đạt trên 30%. Quận có 11/20 phường có chủ tịch là nữ, 5 nữ là bí thư Đảng uỷ phường và 16 chị là phó chủ tịch... Bà Ngô Thị Ngọc Bích - Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) Quy định tuổi nghỉ hưu cần tính đến khả năng cống hiến. Đối với quy định tuổi nghỉ hưu, để phù hợp thực tế, cần xác định rõ những người làm khoa học và những CNLĐ trực tiếp. Độ tuổi từ 40 trở lên mới thực sự là "độ chín" của các nhà nghiên cứu KH nữ. Nếu cứ buộc 55 tuổi phải nghỉ hưu thì rất lãng phí kinh phí đào tạo của Nhà nước, kiến thức tích luỹ của cá nhân... Có thể quy định mức chung của tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ là 55, nhưng kèm theo phân loại đối tượng để vừa phù hợp với sức khoẻ và giá trị cống hiến. TS Vũ Thị Tuyết Loan - Trưởng phòng Nghiên cứu Australia, Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Viện KHXH VN)
Nên quy định tuổi nghỉ hưu cho nữ là từ 55 đến 60. Không nhất thiết phụ nữ cứ đến tuổi 55 là nghỉ hưu. Tuỳ theo tính chất nặng nhọc của công việc, Nhà nước có thể quy định một cách nặng động về tuổi nghỉ hưu đối với phụ nữ. Theo tôi, Nhà nước nên quy định từ 55 đến 60 tuổi. Bởi vì, tâm lý của những người làm công việc nặng nhọc - như ngành xây dựng chẳng hạn - thì thường chỉ muốn 55 tuổi nghỉ hưu là vừa. Với không ít người làm công việc trí thức, dù đến tuổi 55 tuổi, nhưng họ vẫn muốn tiếp tục cống hiến thì có thể kéo dài thêm tuổi nghỉ hưu đến 60. Bà Tạ Thị Hồng Tâm - GĐ Cty quản lý công trình cầu phà TPHCM.
Muốn được giảm tuổi nghỉ hưu. Từ lâu lắm rồi, LĐ nữ trực tiếp trong ngành thuỷ sản đã có mong muốn được giảm tuổi nghỉ hưu. LĐ nữ trực tiếp làm khâu chế biến rất cực, cần có sức khoẻ để đứng 8 tiếng đồng hồ, tay ngâm trong nước và tiếp xúc với thuỷ - hải sản, mắt cũng phải nhìn tập trung. Vì vậy, LĐ nữ chúng tôi vào làm từ năm 18 - 20 tuổi thì đến tầm 45 - 50 tuổi là đã quá sức chịu đựng. Bà Hồ Thị Xuân Tâm - Cty chế biến và XK thuỷ sản Thọ Quang - Cty XK thuỷ sản Miền Trung
Đừng để giới hạn tuổi hưu cản trở sự phát triển của lớp trẻ. Nếu giữ lại những người quản lý quá lâu sẽ khó có điều kiện cho lớp trẻ phát triển... Quan điểm của tôi là nên phát huy hết khả năng của những người đã có kinh nghiệm, đặc biệt đối với những công việc hoạt động trí óc, chuyên môn cần kinh nghiệm như ngành y... Vì vậy tôi cho rằng, tốt nhất nên giữ lại những người thật sự có tài để đừng lãng phí nhân tài, chúng ta cũng không nên để "tuổi tác" đè nặng, khiến mọi người đều phải chựng lại như nhau khi đã đúng tuổi hưu. Tuy nhiên, nếu cứ "vin" vào lý do này mà thực hiện đại trà ở mức nâng lên đến 60 tuổi, phụ nữ quản lý mới về hưu thì cũng không thỏa đáng, bởi như vậy sẽ ít nhiều "cản trở" sự phát triển của lớp trẻ. BS Vũ Thị Nhung - GĐ BV Phụ sản Hùng Vương, TPHCM.
Không nên đòi hỏi những phụ nữ lao động nặng nhọc, độc hại phải đủ 55 tuổi mới về hưu. Theo tôi, Nhà nước có thể cho phép chị em nghỉ sớm, thậm chí từ 45-50 tuổi. Việc ưu tiên chế độ nghỉ hưu cho lao động nữ nên phụ thuộc vào tính chất công việc, sức khoẻ của cá nhân. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cho chị em không nên đưa vào thành luật. Tôi cũng đồng ý rằng không nhất thiết 30% đại biểu các cấp phải là nữ. Bà Trần Thị Huệ 41 Bis Điện Biên Phủ - Q.Bình Thạnh, TPHCM.
Đề nghị cho phép nam nghỉ hưu khi đủ 50 tuổi. Tôi nhận thấy ngành giày thuộc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại. CN phải ngồi hít bụi và hoá chất suốt ngày, nên thường hay bị các bệnh nghề nghiệp như bệnh phổi, bệnh trĩ... Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho phép CNLĐ trực tiếp trong ngành da giày: Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi, mà có 20 năm đóng BHXH thì được nhận sổ hưu. Bà Lâm Thu Hiền - Chuyền trưởng Cty giày Hải Vinh (TPHCM)
Nên trao quyền cho đơn vị sử dụng lao động. Theo tôi, cần quy định cho phụ nữ làm công tác quản lý được nghỉ hưu ở tuổi 55. Tuy nhiên, không nên áp đặt quá cứng nhắc mà nên trao thêm quyền chủ động cho đơn vị sử dụng lao động. Có nhiều người có khả năng làm việc rất tốt ở tuổi trên 55, ở cương vị quản lý hoặc cống hiến chất xám. Bà Nguyễn Thị Hải - GĐ Cty khai thác tài sản - NH Sài Gòn Công thươngTPHCM.
Nên áp dụng theo ngành nghề. Được biết kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật Bình đẳng giới, chúng tôi cũng đã có nhiều cuộc trao đổi với chị em diễn viên vì xiếc cũng là một bộ môn nghệ thuật, nhưng không giống các bộ môn nghệ thuật khác. Nếu tính đủ 60 tuổi mới về hưu thì các diễn viên nữ không thể đáp ứng được công việc. Theo tôi, chúng ta nên quy định tuổi nghỉ hưu theo ngành nghề cụ thể, chi tiết hơn theo đặc thù của từng ngành. Nghệ sĩ Ưu tú Lê Kim Hạnh - Phó Trưởng phòng Nghệ thuật - LĐ Xiếc Việt Nam. Mong được giảm tuổi hưu. Đối với CN may giày chúng tôi, 45 tuổi đã cảm thấy không còn đủ sức để đảm bảo năng suất như trước, vì mắc phải một số bệnh nghề nghiệp về mắt, cột sống, thao tác chậm chạp... Chúng tôi mong muốn được giảm tuổi hưu của LĐ nữ xuống dưới 50 tuổi. Bà Nguyễn Thuý Hoà - công nhân may bậc 6/6, Cty giày Thượng Đình, Hà Nội. |