Hôm 20/2, theo giá niêm yết của Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đắk Lắk, giá cà phê nhân xô đã lên 34.200 đồng/kg, tăng hơn 10 triệu đồng/tấn so với trước tết nguyên đán Mậu Tý – 2008. Sự biến động của giá cà phê đã trở thành một trong những vấn đề thời sự được nhiều người quan tâm nhất hiện nay ở khu vực Tây Nguyên.
Giá cà phê liên tục tăng trong những ngày qua là niềm vui đối với những doanh nghiệp và các hộ gia đình sản xuất và kinh doanh khá giả, còn tích luỹ được nguồn hàng, nhưng lại là sự xuýt xoa tiếc rẻ đối với những gia đình khó khăn, đã phải bán cà phê sau khi thu hoạch, thậm chí bán non với giá thấp trước đó để trang trải nợ nần và đầu tư cho vụ sau.
“Gia đình tôi có 3 ha cà phê đang ở thời kỳ kinh doanh tốt nhất, mặc dù đầu tư nhiều hơn vụ trước nhưng chỉ thu được 5 tấn. Do phải ứng trước phân bón để đầu tư nên gia đình tôi đã bán từ trước Tết với giá 25 triệu đồng/tấn để trả nợ, nay giá cà phê liên tục tăng cao nên tiếc quá trời!”, ông Nguyễn Quang Hào ở xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết như vậy.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk, niên vụ cà phê vừa qua, sản lượng chỉ đạt khoảng một nửa so với kế hoạch, cá biệt một số gia đình chỉ thu được khoảng 1/3 so với vụ trước, nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết không thuận lợi.
Nguyên nhân khiến giá cà phê leo thang ngay trong những ngày qua là do sản lượng cà phê trong nước giảm sút nhiều so với kế hoạch. Hạn hán đầu vụ cộng với mưa lũ liên tục kéo dài trước thời kỳ thu hoạch khiến nhiều vườn cà phê ở Tây Nguyên bị hư hại nặng, chất lượng kém, năng suất giảm từ 30-70%. Thông tin từ Ban điều hành Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa), sản lượng cà phê Việt Nam năm nay chỉ đạt khoảng 850.000 tấn (trước đó Vicofa dự tính khoảng trên 1 triệu tấn). Riêng Đắk Lắk niên vụ này cũng chỉ đạt khoảng 350.000 tấn, giảm 100.000 tấn so với niên vụ trước. Theo nhận định của một số chuyên gia, giá cà phê nhân có thể đạt đến 40.000 đồng/tấn trong thời gian tới, vì vậy một số doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn còn găm hàng chờ giá cao hơn.