Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo thế giới từ giữa tháng 1/2008 đến nay đã tăng khá nhanh. Gạo thường có giá tăng bình quân 40-50 USD/tấn, gạo cấp cao tăng tới 70 USD/tấn. Giá gạo nguyên liệu trước tết 4.900 đ/kg là lý tưởng đối với các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, đến ngày 19/2/2008 đã là 5.350 - 5.400 đ/kg khiến các nhà XK bất ngờ.
Mừng ít lo nhiều
Tại Thái lan, ngày 15/2/2008, gạo trắng cấp cao (100%B) được bán với giá cao hơn 500 USD/tấn; gạo thường 5% tấm có giá bán 380 USD/tấn (trước đó ít ngày) cũng “vọt” lên 450 USD/tấn – đây là mức giá tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Thái Lan, nước giữ vị trí số 1 trong các nước XK gạo thế giới với sản lượng 2007 là 9,5 triệu tấn, tăng 28,86% so với năm 2006. Năm nay, do nhiều biến động bất lợi và do yêu cầu an ninh lương thực, Thai Lan chỉ XK 8,75 triệu tấn. Trong khi đó, hai “đại gia” XK gạo châu Á là Ấn Độ và Pakistan năm nay cũng tuyên bố giảm lượng XK. Còn Trung Quốc, Philippines, Indonesia và cac nước Châu Phi cũng gia tăng nhập khẩu để cân đối tiêu dùng trong nước. Không những thế, sự thiếu hụt lúa mì, bắp, đậu nành... khiến nhiều nước khác trên thế giới quay sang sử dụng gạo, càng làm cho giá gạo tăng cao.
Thời điểm này nhiều nhà XK gạo ở ĐBSCL đang lo lắng vì thiếu “đầu vào” do giá lúa gạo đang “lên cơn” nhưng đối với các nhà cung ứng thì đã “đứt ruột” thật sự. Chủ DNTN Nam Thành ở An Hòa, Châu Thành, An Giang cho biệt vừa mất đứt gần 200 triệu đồng khi giao hàng cho nhà XK, do giá gạo nguyên liệu kí hợp đồng trước Tết Mậu Tí với giá 4.900 đ/kg (tưởng là quá hời) giờ đã “vọt” lên 5.400 đ/kg. Với biến động 500đ/kg gạo nguyên liệu, 800đ/kg gạo thành phẩm XK... nhiều nhà cung ứng gạo chới với vì cùng kỳ năm trước, mức biến động chỉ là hàng chục đồng. Tương tự, nhiều DN khác ở An Giang, Đồng Tháp đã gặp cảnh thua lỗ trước cơn biến động giá này.
DN thấp thỏm đợi
TGĐ Gentraco (Cần Thơ) Nguyễn Trung Kiên cho biết, thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhiều DN XK gạo được hưởng lợi từ việc tăng giá. Nguyên do là từ đầu vụ lúa đông - xuân, nguồn gạo cũ đã cạn, gạo mới chưa nhiều nên dù đã trúng thầu giá cao, khách hàng chào mời cũng nhiều nhưng chưa mấy DN dám kí hợp đồng. Nhân tố khác khiến các DN do dự là Chính phủ chưa công bố chính thức cơ chế điều hành XK năm mới; thêm nữa, việc thắt chặt tiền tệ nhằm chống lạm phát cũng làm ảnh hưởng việc huy động vốn kinh doanh của DN. Bà Trần Ngọc Sương - GĐ nông trường Sông Hậu thì nhấn mạnh: “Tuy giá trúng thầu cao nhưng khôn ngoan nhất là chỉ nên ký từng hợp đồng nhỏ, xuất bằng container mới có hiệu quả thực sự. Sản lượng gạo thế giới đang có xu giảm, nhu cầu nhập khẩu lại tăng nên không thể xuất ào ạt như mấy năm trước. Vì thế đã đến lúc cần có chính sách hết sức thận trọng mới đạt hiệu quả mong đợi.
Năm ngoái, XK gạo của Việt Nam tuy giảm về số lượng (2%) so với năm 2006 nhưng kim ngạch lại tăng tới 15%. Đó là nhờ giá gạo XK bình quân cả năm đạt 295 USD/tấn, cao hơn mức bình quân 2006 tới 41 USD/tấn. Năm 2008, giá gạo lại tiếp tục tăng, tuy nhiên các DN lại đang gặp khó khăn để tận dụng cơ hội này. Một phần nguyên nhân do thiếu gạo nguyên liệu, nhưng nguyên nhân khác lớn hơn dường như lại do chúng ta chưa có được một cơ chế hợp lý cho XK gạo, để Việt Nam thực sự là một “cường quốc” về XK gạo trên thế giới và để DN không phải buồn khi... giá lên.
Trong năm 2008, Bộ Công Thương đã thống nhất với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long có lượng XK gạo lớn về cơ chế điều hành XK gạo và đã trình lên Chính phủ. Tinh thần sẽ tiếp tục điều tiết thị trường gạo theo đúng yêu cầu vừa đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo quyền lợi cho người nông dân và đảm bảo giá cả không tăng...
Bên cạnh đó cũng phải đảm bảo lợi ích của cả 3 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà DN. Theo tinh thần này vẫn giữ số lượng XK sang các thị trường tập trung nhưng không tăng thậm chí có thể giảm so với năm ngoái. Hiện nay có một số nước yêu cầu tăng lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Công Thương đang xem xét có thể sẽ đáp ứng một phần yêu cầu đó để giữ thị trường. Đây là những thị trường khi Việt Nam khó khăn đã tạo điều kiện để Việt Nam tiêu thụ số luợng hàng lớn sang thị trường đó, ví dụ như Philippines.
Hiện bộ chưa ban hành quy chế XK gạo năm 2008, việc XK vừa qua chỉ tạm thời giải quyết các hợp đồng có thời hạn giao hàng trong tháng 2. Lúc này, đang chờ Chính phủ ban hành chỉ đạo XK gạo năm 2008.